Tàu tuần tra Hamilton có thể nâng cấp thành khinh hạm đầy đủ sức mạnh?

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ đang từng bước loại biên lớp tàu tuần tra Hamilton đã phục vụ trong biên chế nhiều năm

Kỳ hạm PF-15 BRP Gregorio Del Pilar của Hải quân Philippines

Theo thông lệ, những tàu tuần tra lớp Hamilton đã bị USCG loại biên, khi chuyển giao lại cho đối tác nước ngoài sẽ bị tháo bỏ hầu hết vũ khí trang bị, bao gồm radar trinh sát đường không 2D AN/SPS-40, pháo tự động M242 Bushmaster cỡ 25 mm, hay hệ thống phòng thủ tầm cực gần 20 mm Phalanx CIWS...

Căn cứ theo cấu hình của 2 chiếc Hamilton đang đang phục vụ trong biên chế Hải quân Philippines, chúng chỉ còn lại duy nhất khẩu pháo hạm Oto Breda Mk 75 cỡ 76,2 mm.

Khối lượng vũ khí như trên là quá nhỏ bé, không đảm bảo duy trì khả năng tác chiến, đặc biệt khi nó đang nằm trong thành phần Hải quân chứ không phải Cảnh sát biển. Do vậy, phía Philippines đã từng có ý định tái vũ trang cho những con tàu này để nó trở thành khinh hạm thực thụ, ý tưởng của họ liệu có khả thi?

Mặc dù thuộc biên chế Lực lượng Bảo vệ bờ biển, tuy nhiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cụ thể là vào đầu thập niên 1980, Mỹ đã tiến hành vũ trang một tàu tuần tra lớp Hamilton là chiếc USCGC Mellon (WHEC 717) để nó có khả năng đảm nhiệm vai trò chống tàu mặt nước, phòng không, cũng như săn ngầm, nhằm hỗ trợ Hải quân Hoa Kỳ khi cần thiết.

Con tàu đã được bổ sung bệ phóng Mk 141 của tên lửa hành trình chống hạm Harpoon ngay phía sau khẩu pháo chính, phía trước tháp chỉ huy; cùng với radar trinh sát bề mặt để dẫn bắn tên lửa chống hạm; đi kèm với đó là thiết bị định vị thủy âm dạng gắn liền thân, cùng 6 ống phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 324 mm; hệ thống CIWS Phalanx được bổ sung chính là vào thời kỳ này.

Có thể nhận thấy việc tái vũ trang cho tàu tuần tra lớp Hamilton để nó trở thành một chiếc khinh hạm 3.000 tấn với đầy đủ sức mạnh là hoàn toàn khả thi. Chính vì vậy, cư dân mạng Philippines đã "chế" cấu hình vũ khí cho chiến hạm của mình một cách khá hợp lý.

Cụ thể, họ "lắp đặt" cho tàu radar điều khiển hỏa lực Sperry Mk 92 Mod 1, radar tìm kiếm bề mặt và dẫn đường hàng hải Raytheon Furuno AN/SPS-73, radar cảnh giới đường không AN/SPS-40; cùng với tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, tên lửa vác vai FIM-92 Stinger, pháo bắn nhanh dạng Gatling, đi kèm ngư lôi săn ngầm hạng nhẹ.

Trong trường hợp nước tiếp nhận muốn lắp đặt vũ khí hệ Nga, có lẽ việc đưa radar điều khiển hỏa lực Garpun-Bal lên đỉnh tháp phía trước, radar trinh sát đường không Pozitiv-ME lên đỉnh tháp phía sau, đồng thời thay thế bệ phóng Mk 141 bằng loại KT-184 của tên lửa Kh-35 Uran-E cũng chẳng gặp quá nhiều khó khăn.

Rõ ràng tiềm năng hiện đại hóa đối với lớp tàu tuần tra Hamilton là rất lớn bất chấp chúng đã "cao tuổi". Dự kiến những chiến hạm này sẽ còn hiện diện trên khắp các đại dương trong một thời gian tương đối dài nữa.

SOHA

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/tau-tuan-tra-hamilton-co-the-nang-cap-thanh-khinh-ham-day-du-suc-manh-d42375.html