Tàu vũ trụ Cassini nhận lệnh lao vào Sao Thổ tự sát

Tàu thăm dò Cassini kết thúc hành trình 13 năm khám phá Sao Thổ của mình bằng nhiệm vụ tự sát, lao mình xuống Thổ tinh.

NASA truyền hình trực tiếp cảnh tàu Cassini tự kết liễu

Vào lúc 17h32 ngày 15/9 (giờ Việt Nam), tàu không gian Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ bốc cháy tan tành trên Sao Thổ.

Tín hiệu cuối cùng khi tàu vỡ tung sẽ được truyền tới Trái Đất vào lúc 19h56 cùng ngày.

NASA thông báo sẽ cho phát sóng trực tiếp cảnh tàu Cassini tự hủy trên kênh Ustream (http://www.ustream.tv/channel/6540154) của NASA và trên trên YouTube (https://www.youtube.com/watch?v=wwMDvPCGeE0).

Video mô phỏng trước "cái chết" của tàu Cassini:

Sứ mệnh của tàu vũ trụ Cassini

Cassini là tàu không gian không người lái có trị giá 3.2 tỉ USD, kích thước tương đương với chiếc xe buýt đưa đón học sinh. Tàu được đặt tên theo nhà thiên văn học Giovanni Cassini - người đã khám phá ra 4 Mặt Trăng của Sao Thổ và một khoảng trống trong các vành đai của hành tinh này.

Nó được phóng lên không gian vào năm 1997, mang theo sứ mệnh tiếp cận và khám phá Sao Thổ, giúp cách mạng hóa sự hiểu biết của con người về hành tinh thứ 6 trong hệ Mặt Trời này.

Cùng đồng hành với Cassini là tàu vũ trụ Huygens (do Cơ quan Vũ trụ châu Âu -ESA chế tạo) được đặt tên theo nhà khoa học người Hà Lan Christiaan Huygens - người đã khám phá ra Mặt Trăng Titan.

Phải mất tới 7 năm du hành trong vũ trụ, tàu Cassini mới đến được tới quỹ đạo Thổ tinh (tức tháng 7/2004) để bắt đầu các nhiệm vụ của mình.

Tàu vũ trụ Cassini

Tàu Cassini và sứ mệnh khám phá Sao Thổ

Khi đến được quỹ đạo Sao Thổ, tàu Cassini và tàu Huygens tách nhau ra làm các nhiệm vụ riêng. Trong đó, Cassini phải một mình khảo sát sự hình thành và hoạt động của vành đai Thổ tinh.

Trong suốt 13 năm qua, Cassini đã bay vòng quanh Sao Thổ 22 vòng. Giờ đây, tàu vũ trụ này đang thực hiện vòng bay cuối cùng trước khi tự sát. "Án tử" của Cassini cũng là nhiệm vụ cuối cùng của con tàu này là đâm thẳng vào Thổ tinh và bị bốc cháy giống như một sao băng nhân tạo.

Lý do Cassini phải tự kết liễu như vậy, dù con tàu này được đánh giá là hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, là vì nó đã mất quá nhiều năng lượng để nghiên cứu Sao Thổ và các vệ tinh xung quanh.

Các nhà khoa học buộc phải kết án tử cho tàu Cassini. Và phải mất hơn một thập kỷ nữa thì con người mới lại có thể nhìn thấy Thổ tinh qua những bức ảnh chụp của một tàu thăm dò khác.

Các nhà khoa học gắn bó với hành trình thực hiện sứ mệnh của tàu Cassini đã bật khóc trước giờ con tàu thăm dò này chấm dứt sứ mạng của mình.

Lịch trình thực hiện nhiệm vụ cuối cùng của tàu Cassini

Tổng quan về tàu vũ trụ Cassini đang tiếp cận sao Thổ

Lịch trình thực hiện nhiệm vụ cuối cùng của tàu Cassini

Tàu Cassini thực hiện vĩnh biệt Titan vào ngày 12/9. Để thực hiện cuộc bổ nhào xuống Sao Thổ, con tàu này phải tiếp cận và dùng lực kéo của Mặt Trăng Titan. Trong lúc này, Cassini truyền về Trái Đất những dữ liệu quý báu cuối cùng về Mặt Trăng này.

Chiều ngày 15/9, Cassini di chuyển vào vị trí nhằm thu thập được dữ liệu khí quyển của Sao Thổ trong khi lao xuống, gửi dữ liệu này về Trái Đất.

Đến khoảng 17h30 ngày 15/9, Cassini thực hiện tiến vào khí quyển Sao Thổ. Lúc này, ăngten của Cassini sẽ chuyển hướng khỏi Trái Đất và ngắt tín hiệu. Ngay sau đó, con tàu sẽ thiêu đốt hoàn toàn do áp suất và nhiệt độ cao của khí quyển Thổ tinh, kết thúc sứ mệnh và hành trình hàng tỉ km.

Những hình ảnh cuối cùng trong sứ mệnh của tàu Cassini

Tàu Cassini đang gửi những hình ảnh cuối cùng về Sao Thổ trước khi chết. Đây là nhiệm vụ cuối cùng trong sứ mệnh của tàu Cassini, đã cho các nhà khoa học có cái nhìn cận cảnh chưa từng có về hành tinh thứ 6 tính từ Mặt Trời này.

Hình ảnh chụp cận cảnh bề mặt Mặt Trăng Titan

Hình ảnh Mặt Trăng Titan - Mặt Trăng lớn nhất của Sao Thổ, nơi có hồ hydrocarbon lỏng và khí quyển dày gấp đôi Trái Đất - do tàu Cassini chụp lần cuối cùng khi tiếp cận nó.

Hình ảnh cận cảnh Sao Thổ cùng các vành đai của Sao Thổ được tàu Cassini chụp trước khi chết

Đây là những hình ảnh cận cảnh chưa từng có về Sao Thổ

Vũ Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/tau-vu-tru-cassini-nhan-lenh-lao-vao-sao-tho-tu-sat-3343149/