Tây Ninh: Một vụ xử kiện có phán quyết kiểu nửa vời

Đất đã được cấp sổ đỏ và chính quyền lẫn cơ quan chức năng khẳng định việc cấp chủ quyền là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, khi chủ sở hữu về mặt pháp lý bị tranh chấp và khởi kiện đòi quyền lợi, tòa án lại bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn lẫn ý kiến của chính quyền.

Chị Oanh cho rằng TAND huyện Trảng Bàng xét xử không khách quan và chưa đến nơi đến chốn.

Chị Oanh cho rằng TAND huyện Trảng Bàng xét xử không khách quan và chưa đến nơi đến chốn.

Bị tranh chấp sau khi được cấp sổ đỏ

Chị Nguyễn Thị Yến Oanh (SN 1984, ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) trình bày, vào năm 2009 mẹ chị là bà Nguyễn Thị Hoa được thừa kế phần đất của bà ngoại chị để lại sau khi bà mất. Năm 2010, bà Hoa được UBND huyện Trảng Bàng cấp sổ đỏ số CH06431 đối với phần đất nói trên, cụ thể là thửa đất số 162, tờ bản đồ 31, diện tích 1.284,2m2, tại ấp Suối Sâu, xã An Tịnh.

Sau đó, cũng trong năm 2010, mẹ chị đã chuyển nhượng lại cho vợ chồng chị một phần trong mảnh đất nói trên. Sau khi hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng, vợ chồng chị Oanh được UBND huyện Trảng Bàng cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 1125 (được tách từ thửa 162), diện tích 330m2.

Năm 2012, bà Hoa tiếp tục làm hợp đồng tặng cho QSDĐ cho riêng chị Oanh thửa đất số 162 với diện tích hiện tại còn lại là 954,2m2. Khi đó, UBND huyện Trảng Bàng đã cấp Sổ đỏ số CH10458 cho chị Oanh đối với thửa đất này.

Như vậy, tính đến thời điểm cuối năm 2012, chị Oanh và chồng sở hữu cả phần đất diện tích 1.284,2m2, vốn là đất có nguồn gốc bà ngoại rồi đến mẹ để lại.

Tuy nhiên, khi chị Oanh tiến hành rào phần đất này thì bị gia đình sống bên cạnh là bà Huỳnh Thị Ấm và con trai là Huỳnh Phi Lau cản trở, lấn chiếm khiến nảy sinh tranh chấp phần đất có diện tích theo kết quả đo đạc là 435,6m2.

Năm 2015, vợ chồng chị Oanh làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Trảng Bàng, yêu cầu hai mẹ con bà Ấm phải trả lại phần đất diện tích 435,6m2 nói trên, vốn có khu mộ của họ tộc và một phần đất trống bà Ấm sử dụng trồng cỏ.

Phán quyết “không hiểu nổi”

Tại tòa, đại diện VKSND huyện Trảng Bàng cho rằng yêu cầu của chị Oanh là có căn cứ, bởi phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của chị Oanh, đã được huyện Trảng Bàng cấp sổ đỏ. Đồng thời yêu cầu HĐXX buộc bà Ấm và ông Lau phải trả lại cho nguyên đơn diện tích đất 435,6m2.

Lời trình bày của chị Oanh là hoàn toàn phù hợp với thực tế việc chị đã được UBND huyện Trảng Bàng cấp sổ đỏ phần đất tổng diện tích 1284,2m2, bao gồm phần đất tranh chấp.

Và huyện Trảng Bàng khi được tòa yêu cầu cung cấp thông tin cũng đã có công văn phúc đáp, trong đó nêu rõ từ việc cấp sổ đỏ cho bà ngoại đến mẹ chị Oanh lẫn vợ chồng chị Oanh là hoàn toàn đúng trình tự, quy định pháp luật.

Nói cách khác, UBND huyện Trảng Bàng một lần nữa khẳng định vợ chồng chị Oanh sở hữu hợp pháp phần đất bị bà Ấm ông Lau lấn chiếm, tranh chấp.

Chẳng những vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai Tây Ninh — Chi nhánh Trảng Bàng khi được TAND Trảng Bàng yêu cầu cũng có có công văn phúc đáp, khẳng định khi đo đạc phần đất bà Hoa được thừa kế từ mẹ ruột (bà ngoại chị Oanh) thì bà Ấm ở nhà bên cạnh không hề có phản ứng gì.

Riêng phần chiều dài mảnh đất liên quan đến vụ tranh chấp lúc đo điều chỉnh vẫn được cán bộ đo đạc thực hiện. Các lần đo đạc sau đó cũng đều có sự xuất hiện của các chủ đất liền kề, tuy nhiên không ai có ý kiến thắc mắc, khiếu nại gì.

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì sau khi chị Oanh được cấp sổ đỏ thì phía bà Ấm ông Lau lại có hành vi tranh chấp và khi ra tòa bà Ấm và ông Lau lại cho rằng lúc đo đạc đất thừa kế của bà Hoa thì hai người không có mặt ở nhà.

Điều đáng nói, những lời khai và phần trình bày của phía bị đơn lại được tòa làm căn cứ xét xử, trong khi không đề cập đến phần trình bày của phía nguyên đơn về nguồn gốc đất từ việc phân chia giữa các thế hệ trước đây.

Hơn thế nữa, tòa cho rằng việc lập hồ sơ của cơ quan đo đạc là không được công khai, minh bạch và thiếu khách quan, đồng thời cho rằng yêu cầu của đại diện Viện kiểm sát là chưa đủ cơ sở. Từ đó bác yêu cầu khởi kiện của vợ chồng chị Oanh vì cho là không có cơ sở chấp nhận.

Điều lạ, tòa không hề có phán quyết cụ thể nào về “số phận” phần đất hai bên đang tranh chấp. Phán quyết của TAND huyện Trảng Bàng khiến chị Oanh bức xúc, và cho rằng mình đã được cấp sổ đỏ, có căn cứ pháp lý hẳn hoi nhưng tòa lại bác bỏ khi căn cứ vào trình bày của phía bị đơn.

Hơn nữa, phán quyết của tòa bác yêu cầu khởi kiện phần đất đã có chủ quyền của chị như vậy là xét xử nửa vời. “Tòa phải quyết định phần đất tranh chấp thuộc về ai? Ở đây tòa phán quyết kiểu lấp lửng, không hiểu nổi tòa xét xử như vậy là ý gì ”, chị Oanh nói.

Nguyễn An

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tay-ninh-mot-vu-xu-kien-co-phan-quyet-kieu-nua-voi-d31920.html