Tây Ninh phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

Tỉnh Tây Ninh hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN), chiếm hơn 94% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 150 nghìn lao động. Đây là “dư địa” được các cấp ủy trong tỉnh quan tâm xây dựng tổ chức đảng trở thành hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện mới có 38 tổ chức đảng trong khu vực DN này. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần các giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn nữa, nhằm tăng cả về chất lượng và số lượng của tổ chức đảng trong các DNNKVNN .

Những con số khiêm tốn

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh, 38 tổ chức đảng (TCĐ) trong DNNKVNN, tương ứng 1,03% so tổng số DNNKVNN trong tỉnh. Trong đó, 317 đảng viên ở 35 TCĐ trong các DN có vốn trong nước và 40 đảng viên sinh hoạt tại ba TCĐ trong DN có vốn đầu tư nước ngoài. So đầu nhiệm kỳ trước, đã thành lập mới 25 TCĐ; giải thể năm chi bộ cơ sở trong công ty tư nhân và công ty TNHH, do biến động về nhân sự doanh nghiệp, không đủ đảng viên để duy trì TCĐ theo quy định. So kế hoạch của Tỉnh ủy đề ra, số TCĐ trong khu vực doanh nghiệp này được thành lập mới đạt 100% chỉ tiêu, tuy nhiên vẫn còn hơn 420 đảng viên làm việc tại 191 DNNKVNN đang sinh hoạt tại nơi cư trú. Trong đó, 11 DN đã có từ ba đảng viên trở lên nhưng chưa thành lập được chi bộ…

Nêu một trong những nguyên nhân, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh Võ Văn Mẫm cho rằng, do sự thay đổi mô hình doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần; một số khác đang thuộc Đảng bộ Khối chuyển về trực thuộc cấp ủy địa phương… cho nên có trường hợp đảng viên được kết nạp rồi, nhưng chậm chuyển chính thức vì chưa hoàn thành khóa bồi dưỡng đảng viên mới. Đối với DNNKVNN, khó khăn về thời gian cũng là một cản trở. Để gỡ khó, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã chủ động nghiên cứu bài giảng ngắn gọn, bố trí học vào cuối tuần; vừa bảo đảm nguyên tắc đảng vừa tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú và đảng viên mới có khả năng hoàn thành các điều kiện bắt buộc.

Trong khi đó, ở Chi bộ Công ty cổ phần Việt Nam – Mộc Bài (huyện Bến Cầu), hầu hết đảng viên đều là công nhân lao động trực tiếp. “Tiếng nói” đối với chủ doanh nghiệp không mấy trọng lượng, cho nên việc thành lập chi bộ đã khó, duy trì hoạt động thường xuyên và hiệu quả hoạt động cũng không dễ chút nào. Chi bộ Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài được thành lập năm 2011, trong doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, với chín đảng viên. Để phát triển Đảng trong doanh nghiệp này, các ban tham mưu của Huyện ủy Bến Cầu thường xuyên sát cánh cùng chi ủy, chủ động gỡ khó, như linh động tổ chức lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng vào ngày cuối tuần; cung cấp kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cấp ủy… Đến nay, Chi bộ đã có 20 đảng viên. Tuy nhiên, hoạt động của TCĐ ở đây vẫn gặp nhiều khó khăn khi chủ doanh nghiệp chưa hiểu đúng vai trò, chức năng và lợi ích mà TCĐ mang lại.

Việc học tập chỉ thị, nghị quyết, nghe thông tin thời sự của đảng viên đều phải được sự đồng ý của lãnh đạo công ty (là người nước ngoài). Nhưng thường chỉ có Bí thư Chi bộ được tham gia, sau đó truyền đạt lại trong chi bộ. Một số lớp bồi dưỡng chuyên đề được tổ chức học tập tại huyện, dù có nhu cầu nhưng hầu hết đảng viên đều là công nhân, cho nên không được ban lãnh đạo doanh nghiệp xem xét tạo điều kiện. Đây cũng là lý do khiến cấp ủy lúng túng, Chi bộ không muốn nhận thêm đảng viên là công nhân về sinh hoạt cùng. Do đó vẫn có 10 đảng viên đang làm việc tại doanh nghiệp nhưng không chuyển về Chi bộ trong doanh nghiệp mà vẫn sinh hoạt Đảng tại địa phương.

Theo đồng chí Vũ Văn Sơn, Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Trảng Bàng, công tác phát triển Đảng ở các DNNKVNN vướng phải nhiều khó khăn chủ yếu vẫn từ nhận thức của chủ doanh nghiệp đối với TCĐ; chưa tạo điều kiện vì ngại làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số cấp ủy chi bộ trong doanh nghiệp và các đảng viên cũng bộc lộ hạn chế trong triển khai nhiệm vụ công tác đảng, đoàn thể, không thật sự quan tâm nhiệm vụ tạo nguồn phát triển Đảng trong doanh nghiệp. Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các DNNKVNN, gồm 12 đồng chí; thường xuyên hỗ trợ chi ủy công tác tổ chức, nghiệp vụ, sinh hoạt đảng… Tuy nhiên, tại huyện Trảng Bàng, hoạt động của TCĐ trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài còn hạn chế. Trong ba DNNKVNN có TCĐ, chỉ có một doanh nghiệp vốn trong nước thành lập được tổ chức Đoàn Thanh niên.

Do đó, nâng tầm đội ngũ cấp ủy, đảng viên trong khu vực DNNKVNN là đòi hỏi thực tế, để họ thật sự là lực lượng trụ cột trong doanh nghiệp; để hoạt động của TCĐ có đóng góp rõ nét thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là việc được các cấp ủy ở Tây Ninh quan tâm, lựa chọn, bồi dưỡng để đội ngũ này khẳng định được vai trò và đảm đương trách nhiệm trong thời gian tới.

Hợp lý mô hình

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Tây Ninh năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số TCĐ trong các DNNKVNN, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa rõ nét, không đủ uy tín thuyết phục giới chủ cũng như chưa tạo động lực thu hút quần chúng. Trước mắt, Tỉnh ủy xác định, cần tạo sự đồng bộ, thống nhất các TCĐ, đoàn thể phù hợp đặc điểm tình hình từng doanh nghiệp; đồng ý với đề xuất của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thành lập Đảng bộ cơ sở Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2016-2020, trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh.

Tỉnh ủy quyết định chuyển giao một số TCĐ trong doanh nghiệp, từ cấp ủy địa phương về trực thuộc Đảng bộ cơ sở Khu kinh tế. Đảng bộ quản lý năm chi bộ với tổng số 76 đảng viên, gồm: Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh; Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Tây Ninh; Công ty TNHH Hansea Tây Ninh; Công ty cổ phần Việt Nam – Mộc Bài và Công ty TNHH dệt may Hoa Sen. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy định tạm thời về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ cơ sở Khu kinh tế; quy định rõ mối quan hệ của Đảng ủy với thủ trưởng cơ quan Ban quản lý, người quản lý doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Tại Chi bộ Công ty cổ phần Việt Nam – Mộc Bài, Đảng ủy đã có phương án lựa chọn nhân sự đủ uy tín, năng lực, trình độ đảm nhiệm chức Bí thư Chi bộ.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Sơn, sau khi ổn định tổ chức, Đảng ủy tập trung khắc phục những hạn chế ở các TCĐ trực thuộc; phân công rõ nhiệm vụ từng cấp ủy viên phụ trách cơ sở; cùng Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh hướng dẫn, biên soạn tài liệu, chọn thời gian sinh hoạt Đảng phù hợp. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, Đảng ủy lồng ghép các nội dung tuyên truyền theo định hướng của cấp ủy, dựa trên thực tế hoạt động của từng doanh nghiệp; tuyên truyền tới lãnh đạo, ban giám đốc các công ty. Thực tế đặt ra yêu cầu đối với cấp ủy là làm sao để kết nối được giới chủ, với các TCĐ, đoàn thể trong DN. Các TCĐ, đoàn thể trong DN cũng cần chọn nhân sự đủ trình độ, năng lực, là nhân tố tiêu biểu, giới thiệu kết nạp Đảng, bồi dưỡng đưa vào cơ cấu cấp ủy. Từ đó tạo những thay đổi căn bản cho hoạt động của các tổ chức chính trị trong DNNKVNN.

Song song việc thành lập mới, Tỉnh ủy chủ trương giữ ổn định mô hình TCĐ tại loại hình DN nhà nước hiện có, kể cả DN đã cổ phần hóa 100% trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức chính trị- xã hội cấp trên thường xuyên giữ mối liên hệ với các tổ chức ngành dọc trong các DN tư nhân được chuyển giao từ Đảng ủy Khối về trực thuộc huyện ủy, thành ủy. Sắp xếp lại các tổ chức đảng trong quỹ tín dụng nhân dân thành lập theo Luật Hợp tác xã, DN quy mô nhỏ, ít đảng viên về trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chuyển giao các tổ chức đoàn thanh niên trong Khu kinh tế tỉnh về trực thuộc Đoàn Thanh niên Đảng ủy Khối Doanh nghiệp. Từ việc ổn định tổ chức, cần xây dựng mô hình sinh hoạt chi bộ phù hợp với từng loại hình TCĐ trong DN. Quy trình kết nạp đảng viên cần đi vào thực chất, linh hoạt thủ tục trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc đảng.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lý Trung Đông cho biết, Tỉnh đoàn luôn xác định công tác tập hợp thanh niên, công nhân qua các phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng trong tạo nguồn kết nạp Đảng. Song triển khai thực tế chưa đạt được kết quả mong muốn. Tuy vậy, nỗ lực cũng được cấp ủy ghi nhận, từ chi đoàn đầu tiên được thành lập tại Công ty Dệt may Hoa Sen, năm 2011, đến nay đã có 28 chi đoàn, với gần 800 đoàn viên trong các DNNKVNN.

“Chìa khóa” gỡ khó khăn

Tìm hiểu một số TCĐ trong các loại hình DNNKVNN, cho thấy thực tế, “chìa khóa” cho hoạt động của TCĐ, đoàn thể trong DN phụ thuộc vào nhận thức của chủ DN và năng lực thực tế cấp ủy, nhất là Bí thư cấp ủy trong DN. Đối với chủ DN là người nước ngoài, việc đả thông để họ nhìn nhận đúng về vai trò, vị trí của TCĐ, đoàn thể, cũng như đội ngũ đảng viên đóng góp cho sự phát triển đúng hướng của DN, có ý nghĩa quyết định. Như chia sẻ của Phó Bí thư Đảng ủy Khu kinh tế tỉnh Nguyễn Hồng Sơn, đôi khi có cả sự ủng hộ từ mối quan hệ bạn bè để giúp tuyên truyền đến lãnh đạo DN, để họ hiểu rõ mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ doanh nghiệp và người lao động. Nếu chỉ có đảng viên làm việc tại các bộ phận trực tiếp sản xuất mà không có đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong DN thì hiệu quả lãnh đạo của TCĐ trong DN không cao. Đây là thực tế đang gặp tại Công ty cổ phần Việt Nam- Mộc Bài. Đối với các DN tư nhân vốn trong nước, nếu chủ DN là đảng viên, hay có đảng viên giữ chức vụ quản lý, vai trò của TCĐ được thể hiện rõ nét. Từ đó cũng đặt ra mục tiêu, cần lựa chọn, bồi dưỡng các chủ doanh nghiệp tiêu biểu, đáp ứng đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng.

Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng tổng hợp Tây Ninh Trần Tấn Lợi bày tỏ quan điểm, trên thực tế mối quan hệ của đảng viên trong DN với chủ DN thông qua hợp đồng lao động, mang tính hợp tác. Do vậy, khi đội ngũ đảng viên là những thành viên xuất sắc, gương mẫu, thì chủ DN nên tạo điều kiện để phát triển đội ngũ và nâng cao vai trò của họ. Công ty CP Tư vấn xây dựng tổng hợp Tây Ninh là DN nhà nước đã cổ phần hóa 100%, với gần 50 lao động, trong đó có hơn 70% nhân sự có trình độ đại học. Chi bộ Công ty có 19 đảng viên. Tại đây, chúng tôi đã gặp những đảng viên trẻ như Nguyễn Văn Sơn, kỹ sư địa chất công trình. Sơn cho biết, trở thành đảng viên, bản thân có nhiều cơ hội học hỏi, được công ty tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng về Đảng, tham quan các địa danh lịch sử,…

Theo đồng chí Trần Tấn Lợi, các vị trí chủ chốt trong công ty đều do các đảng viên đảm nhiệm. Đây cũng là động lực để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc và gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phong trào thi đua lao động, phấn đấu vào Đảng. Chính đội ngũ đảng viên trong công ty đã góp phần nhân lên nội lực cho doanh nghiệp cả về nhân lực và cơ sở vật chất. Hằng năm công ty đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Chi bộ công ty đạt trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Minh Tân, thời gian tới, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, tạo sự thống nhất về nhận thức của chủ DN tiếp tục theo hướng cụ thể, hiệu quả. Cấp ủy đảng cấp trên trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn và ban hành tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, thông tin cơ bản nhất mà mỗi cấp ủy, đảng viên cần nắm được để tuyên truyền về việc xây dựng TCĐ, đoàn thể trong các DNNKVNN.

Đối với các dự án liên doanh với nước ngoài, trước khi ký kết, các ngành liên quan cần chọn, cử cán bộ, đảng viên đáp ứng đủ trình độ, năng lực tham gia ban lãnh đạo doanh nghiệp để bảo đảm nền tảng cho các TCĐ, đoàn thể ngay khi vận hành doanh nghiệp… Với quyết tâm mới, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có 80 đến 90% số DNNKVNN có đủ điều kiện thành lập tổ chức đoàn thể đều có Chi bộ đảng; mỗi năm, tạo nguồn, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 200 đến 300 đoàn viên ưu tú đang làm việc tại các DN mà ở đó chưa có chi bộ, đã rõ dấu hiệu khả thi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31565002-tay-ninh-phat-trien-dang-trong-doanh-nghiep-ngoai-khu-vuc-nha-nuoc.html