'Tè bậy' nơi công cộng: Hành vi vô văn hóa hay là thói vô minh của người Việt?

"Tè bậy" nơi công cộng không chỉ là thói hư tật xấu của cá nhân mà nó còn phản ánh thực trạng văn hóa chung của một đất nước.

Những ngày gần đây, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh một người phụ nữ hồn nhiên cho hai cô con gái bé bỏng tè luôn ra sân bay giữa thanh thiên bạch nhật. Trong bức ảnh, người phụ nữ đang cho một bé gái ngồi tè xuống sàn xi măng.

Cạnh đó, một bé gái lớn hơn vừa “trút xong bầu tâm sự”, trong khi một bé nữa đứng gần đó có biểu hiện như cũng có nhu cầu tương tự. Điều đáng nói, trong lúc giúp con "hành xử", người phụ nữ không tỏ ra ngại ngùng hay xấu hổ mà vẫn tự tin nở nụ cười mãn nguyện.

Người mẹ hồn nhiên cho con tè ở đường băng sân bay.

Ngay sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, bức ảnh này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với những ý kiến tranh luận trái chiều. Nhiều người bức xúc cho rằng đó là hành động vô ý thức không thể chấp nhận được mà lỗi lớn nhất chính là người mẹ trong bức ảnh.

Đây không phải là lần đầu tiên những hình ảnh xấu xí như vậy được ghi lại. Cách đây vài ba tuần, hình ảnh một ông bố mở cửa xe ôtô, cho con đại tiện ra giữa đường trên phố Trung Kính (Cầu Giấy - Hà Nội) cũng đã thu hút sự chú ý, bàn tán của dư luận. Nhiều người đã lắc đầu ngao ngán trước ý thức của người cha này, nhất là khi đường phố đang đông đúc.

Cho con nhỏ đại tiện ra giữa đường trên phố Trung Kính (Cầu Giấy - Hà Nội)

Trước đó vài tháng, hình ảnh một bà mẹ trẻ thản nhiên cho con trai đi vệ sinh vào thùng rác công cộng giữa trung tâm thương mại cũng đã gây ra luồng ý kiến trái chiều.

Hình ảnh được chụp tại một trong những trung tâm thương mại lớn nhất ở Long Biên (Gia Lâm - Hà Nội), nơi có đầy đủ nhà vệ sinh ở các tầng lầu, thậm chí còn có phòng vệ sinh dành riêng cho trẻ sơ sinh. Dù vậy nhưng bà mẹ trẻ vẫn vô tư bế con trai mình lên miệng thùng rác, cho bé đi tiểu tiện thẳng ngay vào đó trước sự chứng kiến của nhiều người.

Hàng ngày, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những người đàn ông dàn hàng ngang hai bên quốc lộ giải quyết bệnh "tiểu đường". Ngay đến các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm... mặc dù đã được xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân nhưng khi vào trong những bến xe này, túi nôn, những "vũng nước amoniac" ngập ngụa trên sân. Nếu không đeo khẩu trang, chắc chắn khách sẽ không thể chịu nổi những mùi xú uế bốc lên.

Nhiều người bênh vực và biện minh cho thói quen "tè bậy" của người Việt bởi xuất phát từ việc cực chẳng đã, "ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép nhịn đi vệ sinh?" Không có chỗ để đi vệ sinh mà nhu cầu lại cấp bách quá buộc họ đôi khi bỏ qua cả sự xấu hổ để thực hiện hành vi không đẹp này.

Người mẹ cho con tè vào thùng rác ở trung tâm thương mại ở Long Biên (Hà Nội)

Riêng về việc người đàn ông mở cửa ô tô cho con đại tiện giữa phố có nhiều người tỏ ra cảm thông cho rằng, đường đang tắc, chẳng lẽ lại cho con trai "hành xử" ngay trên xe. Chúng ta có thể đặt ngược lại một câu hỏi: "Tại sao không được "hành xử" ngay trên xe?"

Bởi vì, đó là tâm lý "sạch nhà bẩn phố" của người Việt. Tức là, chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình mà quên đi cái ý thức chung với xã hội. Sợ bẩn xe nhưng vô tư cho con cháu phóng uế bừa bãi giữa đường.

Nhiều người lại đưa ra những biện minh thuyết phục hơn như ở những đô thị lớn như Hà Nội, tỉ lệ những người lao động ngoại tỉnh, những người buôn thúng bán mẹt, gánh hàng rong rất nhiều. Đây là đối tượng có nhu cầu đi vệ sinh ở nơi công cộng nhiều nhất.

Với những người lao động, việc thiếu nhà vệ sinh công cộng, chưa kể nếu có cũng phải bỏ phí, dù là 3.000 đồng thôi thì chắc chắn họ sẽ tính toán với thu nhập và tìm góc khuất nào đó để "giải quyết" cho tiện.

Tuy nhiên, nhìn vào những hình ảnh như người phụ nữ đưa con đi máy bay, người phụ nữ đưa con đi siêu thị, người đàn ông lái ô tô... liệu có phải là những người buôn thúng bán mẹt đến nỗi trong túi không có nổi đến 3.000 đồng tiền lẻ?

Đó là còn chưa kể đến, những nơi như trung tâm thương mại hay máy bay thì người dân hoàn toàn không phải mất một đồng tiền phí nào. Bởi vậy, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, vấn đề ở đây là tư duy và ý thức của chính mỗi chúng ta.

Đừng đổ lỗi 'tè bậy" cho hoàn cảnh, vấn đề ở đây là tư duy và ý thức của chính mỗi chúng ta.

Trong một chương trình truyền hình thực tế, danh hài Xuân Bắc từng kể một câu chuyện: "Vào thế kỷ 16, một vị công tước người Tây Ban Nha vì giữ thể diện trước nhà vua mà nhịn tè đến vỡ bóng đái mà chết. Sau này, nhiều tờ báo phương Tây đã bình chọn đó là một trong 20 cái chết nổi tiếng nhất thế giới".

Nhắc lại câu chuyện này để nói rằng, vấn đề vệ sinh là một nhu cầu rất đỗi bình thường của con người.

Nó đến tự nhiên và cũng không ai kiểm soát được. Tuy nhiên, trong thời đại văn minh, con người sẽ tìm ra những biện pháp, những cách để hỗ trợ cho nhu cầu rất đỗi bình thường này của mình chứ không phải là hồn nhiên dạy con cháu mình cư xử vô minh và thiếu văn hóa.

"Tè bậy" nơi công cộng không chỉ là thói hư tật xấu mà nó còn phản ánh thực trạng văn hóa chung của một đất nước. Sở dĩ, chúng ta và có thể cả con cháu chúng ta sau này khoái "tè bậy" bởi nó hậu quả tất yếu của một nền văn minh lúa nước, khi ngồi bất cứ chỗ nào từ bụi chuối, bờ tre, gốc cây… đều có thể "hành xử".

Tuy nhiên, cuộc sống chúng ta hiện nay không còn quẩn quanh ở lũy tre làng, mà là nhà cao cửa rộng, đô thị văn minh đã hòa nhập với thế giới, nên không thể giữ mãi thói quen "tè" đâu cũng được như vậy. Ngồi "tè bậy" giữa đường băng sân bay, nơi có hàng triệu khách du lịch qua lại mỗi ngày sẽ khiến bạn bè đánh giá về chúng ta như thế nào? Cho dù có đưa ra trăm nghìn lời biện minh, chúng ta cũng không thể che đậy được hành vi "tè bậy" thiếu văn hóa nếu chưa muốn nói là vô minh của người Việt.

>>> Đọc thêm: Cận cảnh những kẻ vô văn hóa ngang nhiên 'tè bậy' trên đường phố Hà Nội

Video: Dân la ó, tài xế vẫn hồn nhiên tè bậy giữa đường

Kim Thược

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/te-bay-noi-cong-cong-hanh-vi-thieu-van-hoa-hay-la-thoi-vo-minh-cua-nguoi-viet-d299098.html