Tên gọi 'Điện Biên Phủ' bắt nguồn từ đâu?

Đến năm Thiệu Trị thứ nhất (tức năm 1841), Ninh Biên được đổi lại là Điện Biên. Theo chữ Hán, Điện là cái hồ cạn.

Đã lâu lắm, dưới thời chúa Trịnh, vùng đất xa xôi phía tây bắc tận cùng Tổ quốc này được gọi là Ninh Biên. Ninh theo chữ Hán là bình yên, còn biên là biên giới. Ninh Biên là biên giới bình yên, một cái tên thật đẹp và có ý nghĩa.

Đến năm Thiệu Trị thứ nhất (tức năm 1841), Ninh Biên được đổi lại là Điện Biên. Theo chữ Hán, Điện là cái hồ cạn.

Điện Biên là cái hồ cạn ở chốn biên thùy. Phải chăng người xưa đã hình dung lòng chảo Điện Biên giống như một cái hồ cạn khổng lồ bình yên ở miền biên giới tây bắc nước ta.

Còn chữ “phủ” là để chỉ một đơn vị hành chính, dưới cấp tỉnh, nhưng lớn hơn cấp huyện. Lẽ ra như bây giờ ta phải gọi là phủ Điện Biên. Nhưng ngày trước do ảnh hưởng của Hán văn, người ta đã đặt ngược lại là Điện Biên Phủ.

Gọi lâu thành quen, Điện Biên Phủ trở thành danh từ riêng, được ghi trong mọi sách vở, tài liệu, báo chí, kể cả trong những bộ từ điển lớn nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Văn hóa.

Người Pháp gọi lòng chảo Điện Biên Phủ là cái chậu (cuvette), nhưng nó không phải hình tròn mà là hình bầu dục, chiều dài chỗ xa nhất là 18 ki-lô-mét, chiều rộng từ 3 đến 5 ki-lô-mét, địa hình bằng phẳng. Nó được bao quanh bởi hai dãy núi lớn, dãy Pú Hồng ở phía đông, dãy Pú Tà Cọ ở phía tây.

Hai dãy núi ấy khép lại gần nhau ở hai đầu nam, bắc. Ngay sát thung lũng về phía đông có một dải địa hình đặc biệt, gồm những ngọn đồi nối tiếp nhau, cao trên dưới 30 mét, hình thành một bức bình phong thiên nhiên che chở cho các bản làng bên trong lòng chảo.

Dòng sông Nậm Rốm, bắt nguồn từ đỉnh Pu Ya Tao ngoằn ngoèo uốn khúc chảy qua, hợp với những con suối nhỏ từ những dãy núi cao hai bên dồn xuống đã biến cánh đồng Mường Thanh của phủ Điện Biên trở thành một mảnh đất màu mỡ, trù phú hàng đầu trong bốn cánh đồng lớn nhất của miền Tây Bắc nước ta. Theo người Pháp tính toán: “Lúa gạo vùng Mường Thanh có thể nuôi sống từ 20.000 đến 25.000 người trong nhiều tháng”.

Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Đó là ngã ba của những con đường lớn nối liền Điện Biên Phủ, phía bắc với thủ phủ Lai Châu, phía đông nam với Sơn La, Nà Sản, Mộc Châu, Hòa Bình, phía nam qua cửa khẩu Tây Trang sang Sầm Nưa, tỉnh lớn nhất của Thượng Lào, vươn thẳng tới thủ đô Luang Prabang.

Ngay từ cuối thế kỷ 19, khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã chiếm Điện Biên Phủ vào năm 1888. Sau khi đảo chính Pháp (09/3/1945), bọn phát xít Nhật cũng không quên vùng đất xa xôi này, đến đó xây dựng đồn trại, sân bay. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Pháp thay quân Tưởng (theo Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946) lập tức quay trở lại thống trị nhân dân Điện Biên. Cho mãi đến chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Điện Biên Phủ mới được quân ta về giải phóng.

Nhưng chẳng được bao lâu, giữa tháng 11/1953, Henri Navarre, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm, để rồi sau đó đúng 138 ngày đêm, Điện Biên Phủ trở thành một địa chỉ lừng danh thế giới.

Lưu Trọng Lân/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ten-goi-dien-bien-phu-bat-nguon-tu-dau-post1473193.html