Tên lửa Grom-2: Nga đau đầu vì quốc gia hậu thuẫn

Dù việc phát triển tên lửa Grom-2 của Ukraine đã có tiến triển nhưng việc phán đoán quốc gia hậu thuẫn Kiev trong chương trình này vẫn khiến Nga đau đầu.

Thành công bước đầu

Truyền thông Ukraine vừa đăng tải bức ảnh xe vận tải chuyên dụng của tổ hợp tên lửa đạn đạo Grom-2 đã hoàn thiện. Sự xuất hiện này cũng đồng nghĩa với việc Ukraine đã gặt hái được thành công đầu tiên trong chương trình vũ khí đầy tham vọng của mình.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn tin quân sự Ukraine cho biết, Grom-2 được phát triển từ nguồn tài trợ bí ẩn bên ngoài chứ không phải do Kiev độc lập thực hiện. Dòng tên lửa này ra đời nhằm thay thế tên lửa Tochka-U được sản xuất từ thời Liên Xô đang được trang bị trong Lục quân Ukraine.

Xe tải chuyên dụng của hệ thống Grom-2 xuất hiện.

Theo kế hoạch, Ukraine sẽ lần đầu tiên phóng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo mới vào cuối năm 2016. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chương trình này mới cho ra đời được xe tải chuyên dụng, trong khi đó tiến độ phát triển tên lửa vẫn đang là bì ẩn với bên ngoài.

Được biết, tên lửa đạn đạo chiến thuật mới được định danh là Grom-2 (Thunder-2) đạt tầm bắn 280km dành cho phiên bản xuất khẩu, còn tầm bắn của phiên bản dùng cho Lục quân Ukraine là 450km, tối thiểu là 50km.

Việc phát triển hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân Grom-2 là bước tiến mới của hệ thống hiện có của Ukraine, nòng cốt của nó là một mạng lưới chỉ huy kiểm soát chiến thuật phức hợp, có thể độc lập vận hành, cũng có thể kết hợp với hệ thống thông tin liên lạc hiện có.

Điểm đặc biệt là hệ thống sử dụng nền tảng trinh sát mới, chẳng hạn như số liệu vệ tinh trinh sát, máy bay không người lái, xe phóng đơn có thể tấn công nhiều mục tiêu ở khoảng cách khác nhau. Theo nguồn tin từ Ukraine, hệ thống tên lửa Grom-2 kiểu mới này có thể đặt ngang hàng với tên lửa Iskander-M của Nga.

Grom-2 sớm đã được trưng bày cùng với mô hình tên lửa hành trình Korshun, cũng như thiết kế xe phóng tại Triển lãm Quốc phòng Ukraine năm 2014. Nhìn vào mô hình tên lửa mà Ukraine trưng bày gần đây cho thấy, Grom-2 và Iskander của Nga gần như giống hệt nhau.

Nhà phát triển Ukraine khẳng định, Grom-2 đủ sức để biến những hệ thống tên lửa hiện đại nhất thế giới, bao gồm S-300/400 của Nga thành vô dụng. Tương tự như Iskander, tên lửa Grom dự kiến sẽ đầu đạn có quỹ đạo bay không thể đoán trước.

Tên lửa Grom-2 giống hệt Iskander-M.

Quốc gia hậu thuẫn

Vậy quốc gia bí ẩn nào đã giúp Ukraine phát triển tên lửa Grom? Theo Tiến sĩ Yuri Savelyev, nhà khoa học tên lửa kiêm cựu hiệu trưởng Đại học Khoa học Kỹ thuật Quốc gia Baltic, hiện nay Mỹ đang chủ động hợp tác với Ukraine trong lĩnh vực tên lửa. Chẳng hạn, ông nêu rõ trong những năm 1990, Boeing từng tham gia dự án tên lửa du hành vũ trụ SL cùng với Ukraine.

Tuy nhiên, chuyên gia Nga khẳng định ông không thấy bất kỳ bằng chứng cho thấy Mỹ tham gia dự án Grom. Thực tế, ông tin đó là Đức. Quốc gia châu Âu đang "thuê" Ukraina phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mới.

"Đức có thể là nhà tài trợ…Quân đội Đức hiện chỉ đang sử dụng hệ thống MLRS M270 của Mỹ. Nhờ sự giúp đỡ từ Kiev, Berlin sẽ có cả 2 hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm xa trong tương lai", ông Savelyev nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Alexander Khramchikhin, phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Moscow, khách hàng nước ngoài bí ẩn có thể là những quốc gia như Saudi Arabia, Pakistan hoặc Triều Tiên và thậm chí có thể Belarus, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và không loại trừ đó là Trung Quốc - quốc gia từng đi đêm với Ukraine nhiều năm nay cả về quốc phòng lẫn kinh tế.

Nhiều giả thuyết về thế lực ngầm đứng sau chương trình Grom-2 đã được Nga đặt ra, tuy nhiên mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở mức độ phán đoán và tên lửa Grom-2 vẫn là điều bí ẩn không chỉ với Nga.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ten-lua-grom-2-nga-dau-dau-vi-quoc-gia-hau-thuan-3335695/