Tên Luật Nhà văn có trong 'quá trình tổng hợp vi tính'

(ĐVO) “Thực ra chẳng có đề nghị nào gọi là Luật nhà thơ… Có lẽ quá trình tổng hợp vi tính, người ta dùng từ Luật Nhà văn cho ngắn gọn”, ông Nguyễn Minh Hồng lý giải.

> > Tâm sự về 'nghề' đại biểu Quốc hội

Ngay sau khi trả lời phỏng vấn của Đất Việt, ông Nguyễn Minh Hồng, ĐBQH khóa XII, XIII, đã gửi thư tới tòa soạn và cung cấp thêm một số tài liệu liên quan đến đề xuất ban hành “Luật Nhà văn” đang gây xôn xao dư luận.

Mở đầu lá thư gửi cho Đất Việt, ông Nguyễn Minh Hồng khẳng định: “Thực ra chẳng có đề nghị nào gọi là Luật nhà thơ, do thông tin sai”. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của ông Hồng trước việc một số bài báo sử dụng cụm từ “Luật Nhà thơ” để nói về đề xuất ban hành một luật mới liên quan đến các nhà văn, được vị ĐBQH này trình trước Quốc hội.

Giải thích về tên gọi “Luật Nhà văn” được sử dụng rộng rãi trong nhiều văn bản, ông Hồng cho biết: “Chủ đề Luật phát triển văn học được đưa lên hàng đầu để lựa chọn tên gọi, nhưng có lẽ quá trình tổng hợp vi tính, người ta dùng từ “Luật Nhà văn” cho ngắn gọn”.

Ông Hồng cho rằng "quá trình tổng hợp vi tính, người ta dùng từ “Luật Nhà văn” cho ngắn gọn”.

Ngày 25/7/2011, ĐBQH Nguyễn Minh Hồng (đoàn Nghệ An) có tờ trình gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề xuất xây dựng “Luật cho các hoạt động của nhà văn” và “xin được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII”. Đối chiếu với tờ trình này, phần tên gọi của Luật đưa ra ba tên gọi có thể sử dụng, theo thứ tự là: Luật phát triển văn học, Luật nhà văn, Luật văn học. Trong tờ trình không nhắc đến tên gọi “Luật Nhà thơ”.

Ngay sau đó, ngày 26/7/2011, Hội Nhà văn đã có công văn do chủ tịch Hội là ông Hữu Thỉnh ký, gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội “kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật phát triển văn học nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý và phát triển văn học của đất nước, đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới”. Công văn này nêu rõ những luận điểm về sự cần thiết phải ban hành luật trên.

Minh họa Đề xuất ban hành "Luật Nhà văn" của báo Pháp luật TP HCM.

Tờ trình đề nghị của ĐBQH Nguyễn Minh Hồng gửi UBTVQH là một văn bản gồm ba trang. Các nội dung theo quy định gồm: sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; những quan điểm, chính sách cơ bản, nội dung chính của văn bản; dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc soạn thảo văn bản; báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản; thời gian dự kiến đề nghị Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua.

Theo tờ trình đề xuất ban hành Luật Nhà văn, Luật Nhà văn cụ thể hóa bốn điều cấm quy định tại Luật Xuất bản. “Điều 10 của Luật Xuất bản có bốn điều cấm đó, nhà xuất bản không được xuất bản nhưng người tạo ra sản phẩm vi phạm bốn điều cầm đó thường hay gặp trong lĩnh vực của viết văn và người viết văn không cần qua nhà xuất bản vẫn có sách truyền tay”, ĐBQH Nguyễn Minh Hồng phân tích.

Về cơ quan soạn thảo, ĐBQH Nguyễn Minh Hồng “nhờ” Ủy ban Pháp luật… soạn giúp khi đề xuất “Ủy ban Pháp luật của QH cùng Hội Nhà văn soạn thảo, nhưng Ủy ban Pháp luật chủ trì vì Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam bao gồm cả Hội Nhà văn chỉ có ông là đại biểu duy nhất trúng cử.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ngoài ĐBQH Nguyễn Minh Hồng tự đề xuất ban hành Luật Nhà văn còn có ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến cũng tự đề xuất ban hành Luật Bảo vệ quyền riêng tư. Việc làm của hai đại biểu này đã gây bất ngờ lớn, được coi là “hiện tượng” và chuyện hy hữu bởi từ trước đến nay, việc đề xuất đưa các dự án luật vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội chỉ được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức. Nếu có đề xuất của cá nhân thì cũng chỉ là những đề xuất miệng, chưa từng có trường hợp nào chính thức đề xuất bằng tờ trình, văn bản như trường hợp của ĐBQH Nguyễn Minh Hồng và Đặng Thị Hoàng Yến.

ĐANG ĐỌC NHIỀU :

7 ngày địa ngục qua lời kể của người vợ xinh đẹp bị chồng tra tấn Tổng thống Israel sắp thăm chính thức Việt Nam Người đặt tên Luật Nhà văn là 'cậu đánh máy nào đó'

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/chinhtri/Ten-Luat-Nha-van-co-trong-qua-trinh-tong-hop-vi-tinh/201111/178382.datviet