'Tết có mẹ, nồi bánh chưng ngon hơn'

“Tết này mẹ về quê ăn tết mẹ nhé! Mẹ đừng lo lắng gì chuyện tiền tiêu tết, tiền mua quà cho chúng con mẹ ạ. Chỉ cần mẹ về với chúng con, có mẹ nồi bánh chưng nhà mình cũng ngon hơn” - đó là đôi dòng tin nhắn mà hai đứa con của chị Đỗ Thị Hoa gửi để nhắn mẹ về tết. Hiện, chị Hoa đang làm việc tại Cty SLIM (KCN Bàu Xéo, Đồng Nai), như nhiều công nhân (CN) xa quê khác, bao nhiêu năm vào Nam làm việc là bấy nhiêu năm chị ngậm ngùi ăn tết xa quê. Tết Bính Thân năm nay, chị được chương trình “Tết sum vầy” do LĐLĐ tỉnh Đồng Nai và Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động hỗ trợ vé xe về quê sum họp với gia đình, cầm tấm vé trên tay, chị còn run run: “Nhiều lúc tưởng mình đang mơ, cô ạ”.

Lãnh đạo TPHCM và lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam bổ dưa hấu vui “Tết sum vầy” với công nhân TPHCM.

“Con vào đại học thì tôi vào Nam!”

Chị Đỗ Thị Hoa sinh năm 1970, quê ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Chị làm việc ở Cty SLIM đã được 4 năm. Kể về lý do “Nam tiến” khi tuổi không còn trẻ nữa, chị Hoa cho biết: Năm 2012, con trai đầu của chị đậu Đại học sư phạm Hà Nội, đáp ứng niềm mong mỏi không chỉ của vợ chồng chị mà còn của cả dòng họ nội ngoại. Nhưng niềm vui chưa tày gang thì nỗi lo ập đến, con học sư phạm không tốn tiền học phí nhưng sống ở Hà Nội “cọng rác vứt ra cũng phải tốn tiền” thì dựa vào thu nhập từ thửa ruộng của anh chị sẽ không đủ cho con ăn học. Vốn có người em họ đang làm CN ở Đồng Nai, chị dò hỏi rồi quyết định “Nam tiến” bởi nếu ở nhà, không đào đâu ra mỗi tháng dư 2 triệu đồng để mà gửi cho con.

Chị Hoa vốn bị bệnh bướu cổ, việc điều trị đã làm cho sức khỏe của chị giảm sút nhưng theo lời chị “cũng may là Cty vẫn nhận tôi vào làm việc”. Sức khỏe kém nên chị chỉ làm giờ hành chính với mức lương hơn 3,5 triệu đồng/tháng, chị dành cho phần mình 1,5 triệu đồng, còn lại 2 triệu, dù có ốm đau, chị cũng không dám tiêu lạm vào, để dành gửi cho con trai đang đi học ở Hà Nội, còn chồng chị ở quê sẽ phụ trách nuôi con trai út. “Tôi ở với đứa em gái, thấy tôi ốm yếu nên em cũng gánh cho tôi phần nào tiền nhà trọ, tiền ăn. Do đó, với 1,5 triệu đồng/tháng, tôi vẫn sống được, chỉ mong trời đừng hành tôi bệnh đau gì” - chị Hoa mơ ước.

Một nam công nhân mang đồ chơi về tặng cháu sau nhiều năm xa quê

Vì tiền lương chỉ đủ gói gém trong tháng nên chị chưa bao giờ có tiền để dành, chuyện về quê ăn tết như lời chị nói là “xa xỉ quá nên chưa bao giờ chị dám mơ”. “Tết đến, bố con chúng tự lo với nhau!” - chị nói với giọng điệu cam chịu lẫn tự hào: “Được cái bố cháu cũng tháo vát, lo lắng cho con trọn vẹn”. Vừa nói, chị vừa đưa tay mân mê phiếu thông tin tặng vé xe mà chút nữa đây, chị sẽ mang cái phiếu này đi đổi lấy cái vé về quê ăn tết với gia đình. “Hôm lên nhận phiếu thông tin vé xe, tôi chưa dám chắc là mình được vé nên không dám thông báo với con là mẹ về. Tôi chỉ bảo “giả sử mẹ về tết thì các con có vui không”. Tức thì ba bố con đều reo lên: “Mẹ về được thì tết nhà mình vui nhất rồi. Mẹ là món quà to nhất. Mẹ không cần lo lắng gì cho chúng con”. Nói đến đây, chị Hoa lại rưng rưng.

Cùng chung hoàn cảnh “con vào đại học thì bố vào Nam”, ông Nguyễn Hữu Côi từ Hà Tĩnh vào Đồng Nai làm CN khi đã gần 50 tuổi. Ông kể: “Rất may là Cty HongChang (KCN Hố Nai, Đồng Nai) vẫn nhận tôi vào làm việc, công việc này duy trì đã 5 năm nay”. Vợ chồng ông Côi có 5 người con, 3 người con lớn đã lập gia đình riêng, còn hai người con nhỏ, một đang học Đại học Y Vinh, 1 học sư phạm và vừa ra trường năm 2015. Một năm sau khi con vào đại học, ông quyết định “Nam tiến”. Ông Côi lý giải, vợ chồng ông đã cố gắng hết sức, “bới đất lật cỏ” nhưng vẫn không thể nuôi nổi con. Nếu cứ bám vào nghề nông thì hai con ông sẽ bỏ học sớm. Ông rời quê vào Đồng Nai làm CN, thu nhập bình quân được hơn 4,5 triệu/tháng, vợ ở nhà lo heo gà, trồng được cân lúa, con gà thì tiếp tế cho con.

5 năm vào Nam, ông Côi về quê ăn tết được 1 lần, đây là lần thứ 2, ông về quê bằng vé do chương trình “Tết sum vầy” 2016 tài trợ. Thoáng một chút buồn rồi ông lại cười: “Mình xác định vào đây đi làm nuôi con ăn học mà cứ buồn vậy thì sao mà con yên tâm. Những năm ở lại, dù nhớ vợ, nhớ con, nhớ cháu, tôi vẫn điện về báo là bố có bạn bè trong này rồi. Tết ở trong Nam cũng rất vui. Gia đình an tâm”. Ông lý giải, nói là nói vậy thôi bởi ngày tết thiếu vắng người chồng, người cha, người ông thì nhà cửa cũng quạnh vắng. “Khi được nhận vé xe, tôi đã gọi điện cho các con, đứa nào cũng mừng rỡ. Tôi sẽ mua một vài gói kẹo, một vài áo quần về thăm con. Tết này, gia đình tôi sẽ vui lắm” - ông Côi hào hứng chia sẻ. Ông bảo: “Tạm thời đã bớt cực đi một nửa, đứa con gái học sư phạm đã ra trường, đi làm, dù là dạy hợp đồng thôi nhưng cũng có việc, bố không phải nuôi nữa. Năm nay là năm cuối rồi, cháu học y ra trường, tôi cũng sẽ về quê với vợ mà nuôi gà, nuôi trâu. Sẽ không còn những cái tết xa quê vời vợi như vậy nữa”.

Chỉ sợ con quên mặt bố mẹ!

“Chỉ sợ con quê mặt bố mẹ” là chuyện mà hàng ngàn CN đang làm việc ở xa quê, gửi con về quê cho bố mẹ trông giúp. Nhắc đến con là chị La Thị Hương - CN Cty Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM) - ứa nước mắt. Vợ chồng anh chị cưới nhau ở quê, có với nhau một mặt con nhưng ở quê làm việc quanh năm mà không đủ ăn nên năm 2012, anh chị đưa nhau vào TPHCM làm CN. Chị xin được việc ở Cty Toàn Thắng, thu nhập mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, anh không xin được việc nên đi làm thợ hồ, mỗi tháng được gần 4 triệu đồng. Thu nhập tạm đủ nhưng con gái lại ốm liên miên. Theo lời chị Hương, cháu sinh ra ở Thanh Hóa, 2 tuổi mới đưa vào Nam nên không quen với thời tiết, đau ốm liên miên, tiền thuốc men cho cháu đã ngốn gần hết lương của anh. Còn lại phải chi tiêu tiền nhà trọ, ăn uống, gửi trẻ…, mọi thứ trở nên thiếu hụt. “Một năm sau khi vào Nam, tôi bế con về giao lại cho ông bà ngoại trông giúp, từ đó đến nay đã hơn 2 năm rưỡi, mà tôi chưa một lần được gặp lại con” - nói đến đây, chị Hương bật khóc.

Anh Nguyễn Đức Toản (Cty Lêga Mé, quận 10) và anh Giang Đình Bảo (Cty Dệt May Gia Định) bắt tay nhau trong buổi họp mặt “Tết sum vầy” do LĐLĐ TPHCM tổ chức.

Chị được tổ chức công đoàn và Cty hỗ trợ vé xe về quê ăn tết trong chương trình “Tấm vé nghĩa tình”. Chị bảo “cầm tấm vé trên tay, gần cả tuần nay chị cứ nôn nao không ngủ được”. Đêm trước khi lên xe về quê, chị gần như thức trắng, cứ trằn trọc, 3h sáng đã dậy sửa soạn đồ đạc, 4h thì ra bãi tập kết xe. “Em lo không biết con có còn nhớ mẹ không chị ạ, dù hai mẹ con có nói chuyện qua điện thoại” - chị Hương lo lắng, đưa tay gạt đôi dòng nước mắt. Chị kể, con gái dặn “trời lạnh lắm, mẹ mua cho con một đôi giày, áo ấm”. Chị mua cho con một đôi boot, một cái áo đầm có lót da ấm. Chị kể rồi tần ngần một lúc: “Em cứ nghe bà ngoại kể lại cháu cao từng này từng này, cân nặng bao nhiêu ký, da ngăm, da trắng, tóc ngắn tóc dài… rồi mua áo quần. Hy vọng là không bị chật hoặc rộng quá. 2 năm không ăn tết ở quê, 2 năm rưỡi không gặp con, mua bộ áo quần cho con cũng phải tươm tất”.

Tình thân gắn kết từ “Tết sum vầy”

Nhiều năm đồng hành với các chương trình chăm lo tết cho công nhân tỉnh Đồng Nai, ông Hoàng Hải - Phó Chủ tịch CĐ TCty Cao su Đồng Nai - bộc bạch: Cách đây 2 năm, khi lắng nghe câu chuyện mà hai chị CN quê Hà Tĩnh chia sẻ rằng, các chị đã 10 năm chưa về quê ăn tết, có chị không biết rằng con mình đã lớn chừng nào rồi, có còn nhớ mẹ không… đã khiến ông và rất nhiều người tham dự xúc động. “Bởi bản thân tôi cũng là một người con xa xứ, mỗi năm dù khó khăn cỡ nào tôi cũng cố gắng về quê với bố mẹ. Trong khi, các anh chị em CN phải xa chồng, xa vợ, xa con đến 10 năm. Từ những câu chuyện đó, chúng tôi thấy rằng, việc TCty Cao su Đồng Nai chia sẻ, tài trợ cho những chương trình như Tết sum vầy là một việc làm rất ý nghĩa, tạo nên sự gắn kết lớn. Gắn kết ở đây là gắn kết CN với gia đình, anh chị em CN gặp nhau đông vui như hôm nay đó là gắn kết tình đồng nghiệp, rồi gắn kết giữa doanh nghiệp và CN, giữa những mạnh thường quân và những CN khó khăn, đang cần hỗ trợ…

Phát biểu tại chương trình “Tết sum vầy” diễn ra vào tối 30.1 tại Đồng Nai với hơn 7.000 CNLĐ tham dự, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng chia sẻ, ông rất xúc động khi anh chị em CN đã về rất đông trong chương trình “Tết sum vầy” ở Đồng Nai để chung vui với anh chị em CN được nhận vé xe về quê và gửi lời động viên tới những anh chị em CN không về quê, mọi người cũng có một ngày chi để chung vui 3 ngày tết. Đối với anh chị em CN không về quê được sẽ vẫn luôn có tổ chức công đoàn đồng hành, chăm lo. “Sự chăm sóc của tổ chức công đoàn hôm nay, hy vọng phần nào sẽ mang đến những niềm vui cho anh chị em CN trong những ngày đầu năm mới” - Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng phát biểu.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/tet-co-me-noi-banh-chung-ngon-hon-515708.bld