Tết Đinh Dậu, kể chuyện về những tỷ phú công nghệ tuổi gà

Đến với lĩnh vực công nghệ bằng nhiều con đường và hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của 3 tỷ phú này đều cùng tuổi Dậu và danh tiếng của họ đã được thị trường công nghệ thế giới thừa nhận. Sự nghiệp mà họ tạo dựng được khiến không ít người ngưỡng mộ.

Azim Premji - Chủ tịch tập đoàn Wipro

Sinh ngày 24/7/1945 tại Mumbai (Ấn Độ), Azim Premji được ví như là ông vua không ngai vàng của ngành công nghiệp phần mềm Ấn Độ.

Năm 21 tuổi, chàng trai Azim Premji đã bỏ học Stanford giữa chừng sau sự ra đi đột ngột của cha. Azim Premji trở về Ấn Độ để tiếp quản Công ty Western India Vegetable Products mà người cha để lại. Tại thời điểm đó, Công ty Western India Vegetable Products chỉ là doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất và buôn bán dầu ăn tại trị trường Bombay. Nhận thấy nếu chỉ sản xuất chất béo sẽ khó có tương lai, ông đã quyết định đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất các sản phẩm có thương hiệu vững bền. Sau đó, ông đổi tên công ty thành Wipro.

Năm 1977, Chính phủ Ấn Độ ra sắc lệnh buộc IBM rời khỏi thị trường Ấn Độ nhằm hạn chế ảnh hưởng của các công ty đa quốc gia đến nền kinh tế nước này cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp non trẻ trong nước. Nắm bắt cơ hội này, Azim Premji đã thành lập bộ phận chuyên về công nghệ thông tin. Sau thời gian nghiên cứu, chế tạo, những chiếc máy tính đầu tiên do Wipro sản xuất đã ra đời, đưa Wipro trở thành nhà sản xuất máy vi tính bán chạy nhất Ấn Độ trong hai thập kỷ liên tiếp.

Từ cuối thập niên 80 đầu 90 (thể kỷ XX), Wipro đã liên doanh với các đối tác nước ngoài như Genneral Electric (Mỹ), Acer (Đài Loan), British Telecom (Anh). Đến năm 1992, Wipro chính thức trở thành tập đoàn đa quốc gia với 30 trụ sở trên toàn cầu. Wipro làm việc với các công ty hàng đầu thế giới như Nokia, Cisco, Nortel... Năm 2010, tập đoàn này trở thành thương hiệu có giá trị đứng thứ 9 ở Ấn Độ. Hiện tại, doanh thu hàng năm của tập đoàn Wipro khoảng 5 tỷ USD hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ thuê ngoài và R&D, cung cấp dịch vụ tại hơn 50 quốc gia.

Azim Premji từng được vinh danh là “người hào phóng nhất Ấn Độ” vào năm 2015. Ông cũng là người Ấn Độ đầu tiên gia nhập câu lạc bộ các tỷ phú giàu lòng nhân ái Giving Pledge do Bill Gates và Warren Buffet sáng lập. Azim Premji từng cam kết trao ít nhất 50% tài sản cho quỹ từ thiện. Theo Forbes, tính đến năm 2017, khối tài sản mà Azim Premji ước đạt 14,7 tỷ USD.

Lei Jun - nhà sáng lập kiêm CEO Xiaomi

Sinh ngày 16/12/1969, Lei Jun hiện là nhà sáng lập kiêm CEO của một trong những startup đình đám, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất thế giới Xiaomi. Theo Forbes, số tài sản mà CEO Le Jun sở hữu tính đến năm 2017 là 8,4 tỷ USD.

Năm 1992, Lei Jun tham gia vào lĩnh vực công nghệ ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Ở thời điểm đó, Lei Jun đầu quân cho Kingsoft - công ty phần mềm được ví như Microsoft của Trung Quốc - ở vị trí kỹ sư. Làm việc tại Kingsoft, Lei Jun đã dần khẳng định được năng lực thông qua các vị trí giám đốc công nghệ, CEO, chủ tịch. Lei Jun cũng đã đưa công ty lên sàn chứng khoán năm 2007. Hiện tại, Lei Jun vẫn là chủ tịch và nắm 12% cổ phần của công ty này.

Năm 2000, Lei thành lập công ty bán lẻ online Joyo. Đến năm 2004, Lei Jun quyết định bán công ty này cho Amazon với giá 75 triệu USD. Năm 2010, sau thời gian làm nhà đầu tư mạo hiểm, Lei Jun cùng cựu Giám đốc Google Trung Quốc lập Công ty Xiaomi. Sau khi được chỉ định làm Chủ tịch Kingsoft năm 2011, Lei Jun đã thiết lập quan hệ hợp tác giữa Kingsoft và Xiaomi nhằm cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây cho điện thoại Xiaomi. Hiện tại, Lei Jun đang đảm nhận vị trí CEO của Xiaomi.

Xiaomi từng được biết đến là startup đình đám và danh tiếng hàng đầu thế giới, chỉ sau Uber. Thậm chí, có thời điểm Xiaomi được định giá 46 tỷ USD. Tuy nhiên, một số sai lầm về chiến lược phát riển đã đẩy Xiaomi đứng trước nhiều thách thức . Lượng smartphone tiêu thụ liên tục sụt giảm sau khi đạt đỉnh vào giữa năm 2015 khiến Xiaomi không dám công bố lượng smartphone tiêu thụ trong năm 2016.

Sheryl Sandberg - COO Facebook

Sinh ngày 28/8/1969 tại Washington (Hoa Kỳ), bà Sandberg - COO Facebook - không chỉ là hiện tượng trong nữ giới khi trở thành tỷ phủ tự thân với tổng tài sản hơn 1,31 tỷ USD mà còn có tầm ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ.

Năm 2000, Sandberg chuyển đến Thung lũng Silicon để gia nhập vào ngành công nghiệp công nghệ cao đang phát triển bùng nổ. Dù ở thời điểm đó, Google có doanh thu thấp, nhưng Sandberg đã tìm thấy chiến lược hấp dẫn ở công ty này. Sau đó, Google tăng trưởng rất nhanh trong thời gian Sandberg làm việc. Cô được thăng chức Phó chủ tịch phụ trách hoạt động và bán hàng trực tuyến toàn cầu. Sau 7 năm gắn bó với Google, Sandberg chuyển sang làm COO cho Facebook theo lời mời của Zuckerberg - CEO của Facebook. Sandberg gia nhập Facebook năm 2008 và đảm nhiệm vai trò COO kể từ đó.

Với những cống hiến của mình, bà đã được Tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2012. Năm 2014, bà cũng được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 100 người quyền lực nhất thế giới. Trước đó, năm 2007, bà đã được tạp chí Fortune bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân giỏi nhất thế giới, trở thành người trẻ nhất trong danh sách này.

Xem thêm:

Các tỷ phú công nghệ thường làm gì vào chủ nhật

Quang Huy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/cong-nghe-doi-song-nghe-nhin/tet-dinh-dau-ke-chuyen-ve-nhung-ty-phu-cong-nghe-tuoi-ga