Tết nhỏ

Sớm nay thức dậy, tôi cảm nhận được hơi lạnh khẽ luồn lách trong làn gió Xuân phả vào mặt tôi. 'Tết' sắp đến rồi. Bước ra khỏi ngõ nhà tôi là hàng tá đồ trang trí tết được treo lên trên các ngôi nhà. Nào tiểu cảnh, nào chợ hoa, nào đoàn lân tập dợt, mọi nơi đều được trang hoàng bởi sắc xuân tươi thắm mà nàng tết mang lại.

Ai cũng hào hứng, nhất là bọn trẻ con, tụi nó nôn tết, nôn diện áo mới, nôn được lì xì, nôn được nghỉ học để còn đi chơi. Nhưng rồi tụi nó lại nôn hết tết, nôn gặp lại tụi bạn, để còn khoe tết năm nay bọn nó làm gì, đi đâu chơi, được bao nhiêu tiền lì xì. Tụi trẻ là như vậy đấy. Cái “nôn” của tụi nó làm tết vui.

Tôi tự hỏi, vậy còn người lớn? Người ta lớn rồi thì còn nôn tết không nhỉ? Lớn rồi, tuy vẫn sắm đồ mới ngày tết nhưng tôi thấy họ đâu nhận được lì xì đâu, toàn là người lớn lì xì trẻ con. Vậy thì họ có khoái cái dịp này như bọn tôi không? Ai mà lại thích tốn tiền cơ chứ?

Tôi đã thấy, hình ảnh ba tôi vất vả làm việc cả năm trời, nhưng có vẻ như ba cũng nôn tết. Tết nào ba cũng cười, mặt ba lúc nào cũng tươi. Mẹ tôi cũng thế, mẹ tôi cũng thích tết như bọn tôi vậy. Mẹ tôi kể, mẹ nhớ tết hồi xưa, quê mẹ ngày ba mươi hay có hội bên cổng chợ. Hồi xưa chưa có bóng đèn điện như bây giờ, trời thì tối, đường thì khó đi, xóm của mẹ thường sẽ đi cùng nhau lên chợ để chơi hội. Xôm xả lắm, mẹ nhớ hoài.

Hóa ra niềm vui nàng tết mang lại đâu chỉ nằm vỏn vẻn ở cái mà bọn tôi cho là nó vui. Tết là khoảng thời gian để mọi người quay quần bên nhau cơ mà. Có thể bọn trẻ chúng tôi thấy việc đấy không lí thú lắm, nhưng dường như người lớn lại thích điều này. Mà, chuẩn bị đón nàng tết về cũng vui lắm đó chứ. Tôi từng than vãn vì phải dọn nhà miết, cái việc đấy hao sức quá trời. Mệt, nhưng làm xong, tôi có cảm giác thành tựu lắm chứ. Vì lúc đấy, nhà sạch bong như thưở mới cất vậy.

Lâu lắm rồi, tôi mới thấy nhớ tết ngày bé, những năm mà gia đình tôi chưa cất nhà mà còn ở trong căn nhà nhỏ chỉ vọn vẹn vài phòng cùng căn gác mái giản dị. Tôi nhớ những mùa tết cùng ba gắn mai giả lên cây, công việc đó nó tỉ mỉ và công phu biết mấy. Tôi nhớ những năm tôi và chị ngồi trước chiếc TV cũ chờ xem cảnh pháo hoa “nở” trên nền trời đen được phát sóng trên truyền hình để đón giao thừa.

Nhớ, không phải tết ngày nay trở nên hết vui hay bọn tôi thay đổi. Tết vẫn là tết, tôi vẫn vậy, khác là nằm ở môi trường xung quanh bọn tôi. Mọi thứ hiện đại hơn, sau cái hồi mà công nghệ kĩ thuật phát triển, tôi thấy mọi người dành thời gian giao thừa để đi gửi những tin nhắn mừng năm mới cho các mối quan hệ trên mạng xã hội là chính. Tôi là một trong số “mọi người” này, dẫu vậy, tôi vẫn dành thời gian cho gia đình, vẫn chạy chơi đêm giao thừa để ngắm nhìn pháo mọi người đốt quanh con phố nhà tôi.

Tết, là quãng thời gian tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới, cũng là dịp để buông qua cái cũ để đổi mới. Điều này không có nghĩa là mình quên và chối bỏ những thứ cũ. Đối với tôi, những cái tết đã qua, chính là trải nghiệm khó mà kiếm lại được, dù có làm y hệt những gì mình đã làm trong mùa tết đó thì cảm xúc phát sinh sẽ chẳng vẹn nguyên được như vậy. Những cái tết đó trở thành món đồ cổ có giá trị cao được tôi trân quý bên trong lồng kính. Và mỗi dịp nàng tết ghé đến về sau, là dịp để tôi và nàng tỉ mẫn nhìn ngắm những trân bảo này.

ĐỖ LÊ ANH THƯ
TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-nho-post729827.html