Tết nhớ nhà

Dù sống ở nước nào, khi Tết truyền thống Việt Nam về trong không khí sum vầy, đầm ấm, những con người, những gia đình đang sống ở trời "Tây” ấy cũng thấy lòng cồn cào nỗi nhớ quê hương. Họ cố kiếm cho mình những cái Tết đủ đầy hương vị nhất, những ngày sum họp đầm ấm nhất với cộng đồng người Việt ở phương xa, để không quên ngày lễ đặc biệt của quê nhà.

Chỉ thiếu hương vị của quê nhà…

Phạm Khánh Nam - Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khóa I, đang sống và làm việc tại Đức chia sẻ: "Cả nhà mình chuyển sang định cư tại Đức nhưng vẫn giữ được truyền thống Việt Nam. Mẹ mình vẫn thường nấu bánh chưng ngày cuối năm, mua dưa hành, mua hoa trong dịp Tết. Nói chung, Tết vẫn đủ đầy, cái thiếu là thiếu không khí và tình cảm của quê nhà”. Hương vị quê nhà là cái nặng tình nặng nghĩa, và luôn được khắc cốt ghi tâm trong trái tim những người con xa xứ. Bởi thế, họ vẫn cố gắng làm sao cho mâm cơm cúng tổ tiên được đủ đầy hương vị, làm sao cho ngôi nhà mình cũng hòa chung không khí Tết với Việt Nam.

Đa phần mọi người đều phải đi làm, vì đây là tết ta nên cuộc sống bên "Tây” vẫn như mọi ngày, không được nghỉ để chuẩn bị Tết như ở quê hương. Những người đi làm phải xin nghỉ ở công ty, còn những người kinh doanh thì phải đóng cửa hàng hoặc thuê người làm thêm để được nghỉ buổi chiều, về lo việc gia đình và làm mâm cơm cúng tổ tiên… Anh Nam cho biết, năm nào mẹ anh cũng tự gói bánh chưng trước là để cúng ông bà tổ tiên, sau là thưởng thức mùi vị Tết quê nhà, làm quà tặng cho những gia đình không có điều kiện làm bánh. Bố anh vẫn thường làm câu đối treo trong nhà, chẳng khác gì khi ở Việt Nam. Với cộng đồng người Việt tại Đức, họ luôn cố gắng mua về cho gia đình mình những cành Đào "Tây” để tìm lại không khí Tết Việt Nam. Mặc dù hoa Đào "Tây” không được đẹp như Đào Việt Nam, nhưng là loài hoa tượng trưng của Tết ta, không có thì thiếu hương sắc Tết. Các vùng có người Việt sống đông đúc, họ vẫn tổ chức Tết để cho mọi người tụ họp lại với nhau, vui vẻ trong những đêm ca múa nhạc cộng đồng. Các em thiếu nhi hát những làn điệu dân ca chúc Tết ông bà, bố mẹ và bà con người Việt… Đây cũng chính là dịp để mọi người gặp gỡ, trò chuyện và bàn tiếp kế hoạch cho một năm may mắn.

Vì trái tim luôn hướng về Việt Nam

Ở những nước khác, như Nhật Bản, cộng đồng người Việt cũng đang tưng bừng tổ chức buổi họp mặt cuối năm. Họ tạm gác những dự định còn dở dang để cùng nhau đón Tết Giáp Ngọ 2014. Tất cả cùng nhau hội ngộ để chúc cho người thân, bè bạn một năm đầy sức sống và nhiều hứa hẹn phía trước.i lên, Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, được coi là mái nhà chung cho người Việt bốn phương tụ hội trong ngày Tết cổ truyền xa quê hương. Họ vui mừng tổ chức Đại hội Tết cổ truyền sớm, vì muốn có một cuộc "hò hẹn” cho những người con xa quê có dịp hội tụ, gặp gỡ, kể cho nhau nghe những câu chuyện thuộc về năm cũ… Dù là gặp lần đầu hay đã thân quen, tất đã đều không còn quan trọng nữa, bởi trái tim họ luôn hướng về Tổ quốc. Đại hội Tết tại Nhật Bản được tổ chức vào ngày hôm nay (19-1) tại Hollywood Hall 5F, Roppongi Hills Hollywood Plaza 6-4-1 Roppongi, Minato-ku, Tokyo. Ngày hội diễn ra tuy đơn giản nhưng ấm cúng với các chương trình dự tiệc, tham gia văn nghệ chào xuân, được bảo trợ bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Có sự tham gia âm nhạc của Matsushima Yoshio và ban nhạc Hồn Việt.

Tại Hoa Kỳ, Hội sinh viên Việt Nam cũng tổ chức đón xuân vào đúng mùng 1 Tết. Các bạn cho rằng, "Tết Nguyên đán là dịp các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm của năm cũ và chúc nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới”. Bởi thế, trong không khí nơi nơi chờ đón mùa xuân về, Hội Thanh niên Sinh viên vùng Boston mở rộng cũng sẽ tổ chức buổi gặp gỡ đầu năm "Đón xuân Giáp Ngọ 2014”. Các vùng khác cũng đang lên kế hoạch tổ chức đón năm mới cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Hy vọng những buổi họp mặt, dù là cuối năm hay đầu xuân cũng sẽ mang chút hơi ấm ngày Tết Việt Nam đến với những người Việt xa xứ. Những món ăn truyền thống, những tiết mục văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian, câu đố vui, và đặc biệt là phần cho chữ đầu năm của ông đồ sẽ giúp mọi người nguôi ngoai đi nỗi nhớ khi phải đón một cái Tết ở phương xa. Bởi, Tết Việt Nam - dù ở trời "Tây” hay trời "Ta”, khi xuân về rộn rã cũng thấy ấm lòng, mong cho một năm mới an lành… Ở Litte Saigon, bang Califonia, cộng đồng người Việt cũng đang tưng bừng sắm sửa cho Tết Nguyên đán. Người người đi chợ hoa sắm Tết, mua về những sản phẩm đặc trưng cho ngày xuân. Bánh chưng, giò, nem chua, ô mai… được bày bán đủ cả. Tại đây, không khí Tết thật rộn ràng, vui tươi, có Hội chợ Tết, có những cuộc thi trình diễn âm nhạc, ẩm thực truyền thống, có cả bắn pháo hoa và diễu hành mừng năm mới. Chính những hoạt động mang tính truyền thống này đã cho thế giới biết đến văn hóa Việt Nam nhiều hơn.

Huyền Trang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=75263&menu=1434&style=1