Th.s tâm lý Vũ Thu Hà: Giới trẻ cần hành trang khi tham gia mạng xã hội

(GD&TĐ) - Mạng xã hội ngày càng trở nên thông dụng trong đời sống con người, thu hút sự tham gia của nhiều học sinh. Tuy nhiên, việc trống kiến thức kỹ năng để thể hiện mình trên mạng xã hội đã dẫn tới những hậu quả mà học sinh không lường tới, đồng thời khiến cha mẹ không khỏi lo lắng. Làm gì để mạng xã hội trở nên hữu ích, không ảnh hưởng tới cuộc sống là vấn đề mà các bậc cha mẹ quan tâm. Xung quanh vấn đề này, GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với Th.S tâm lý Vũ Thu Hà – Phòng Tâm lý học đường Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội).

Mạng xã hội ngày càng trở nên thông dụng và được đông đảo học sinh tham gia. Là người tiếp xúc thường xuyên với giới trẻ, bà có nhận xét gì thông qua những vấn đề các bạn trẻ đang thể hiện?

Trước hết, có thể nói, Facebook là mạng xã hội mà ngày càng nhiều người sử dụng chứ không chỉ riêng học sinh để nói về cuộc sống, học tập, vui chơi... cũng như những suy nghĩ, nhận thức của mình về một vấn đề, bạn bè, gia đình, xã hội. Tất cả điều đó không có gì xấu vì ở đó chúng ta được chia sẻ thông tin, được trao đổi với nhau.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều học sinh lại lên facebook để chia sẻ những cảm xúc tức giận, ghen tị, trách móc người thân, bạn bè, cùng nhiều suy nghĩ tiêu cực... Điều đó thể hiện vấn đề mà các em đang gặp phải đó là định hướng giá trị và những hành vi, giới hạn được phép, không được phép... chưa được nhìn nhận đúng. Các em chưa hiểu rằng, mỗi người cần phải có những kỹ năng cơ bản khi giao tiếp ngay cả khi trên mạng xã hội.

Có thể thấy, hầu hết các bạn học sinh đều chưa được chuẩn bị những kĩ năng cơ bản khi tham gia vào mạng xã hội. Và khi chưa được chuẩn bị thì thường dẫn đến tình trạng nghĩ thế nào thể hiện thế đó và dẫn tới hậu quả là cách thể hiện này gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khác và thậm chí đến cả bản thân mình.

Học sinh cần được trang bị kỹ năng trước khi lên mạng xã hội

Nhiều phụ huynh chia sẻ để quản con trên facebook họ cũng lập face book cá nhân rồi đóng giả bạn bè của con để trao đổi hoặc âm thầm theo dõi xem con làm gì, nói gì trên face book. Điều đó có cần thiết và là cách quản lý con tốt nhất hay không?

Nhiều phụ huynh cũng đã đặt cho hỏi tôi câu hỏi này. Tôi xin khẳng định đây là việc làm không cần thiết. Bởi khi đã là cha mẹ thì cần phải có lịch trình và cách quản lý con cái hợp lý hay nói cách khác là chúng ta phải chủ động trong cách quản lý con cái chứ không thể chạy đuổi theo con để quản. Chạy đuổi theo con trên face book để âm thầm theo dõi hay mặc kệ con muốn bầy tỏ gì thì bầy tỏ trên facebook... đều là những cách làm không hiệu quả.

Vậy theo bà, trước khi cho con tham gia vào mạng xã hội cha mẹ cần trang bị những điều gì cho con cái?

Trước khi cho con dùng facebook thì bố mẹ cần trao đổi với con về mặt tích cực, tiêu cực của facebook cũng như những gì các con được phép thể hiện trên mạng xã hội. Cần giải thích cho các con hiểu rằng việc thể hiện vấn đề gì trên mạng xã hội cần làm tăng giá trị cuộc sống chứ không nên làm cuộc sống của các con buồn chán. Đặc biệt, cần trao đổi với các con về thời gian lên facebook bao nhiêu thì phù hợp, những trang web site nào các con được phép tham gia. Cho dù thế nào dưới 18 tuổi các con vẫn nằm trong sự giám sát của cha mẹ. Trước khi cho con dùng facebook cần có sự hướng dẫn và cung cấp thông tin cho con.

Đặc biệt, một vấn đề các bậc cha mẹ hết sức lưu tâm khác đó là không nên để máy tính của con ở một khu vực riêng, hãy để ở một nơi nào đó trong nhà mà cha mẹ, mọi người có thể theo dõi được các chương trình mà các con dùng. Nếu các con vượt quá thời gian được phép lên mạng, cha mẹ có thể nhắc con vấn đề nghiện Internet, facebook có tác hại ra sao. Hãy lấy những tấm gương cụ thể của tác hại nghiện Internet, nghiện facebook để giáo dục và cảnh báo con cái.

Tất cả những kỹ năng, nguyên tắc... để lên mạng cần được cha mẹ trang bị kỹ càng trước khi cho con lên mạng tốt hơn là việc chạy theo cấm cản con được và không được làm điều gì đó.

Nhiều người cho rằng, không quản được con lên mạng xã hội thì cách tốt nhất là cấm hẳn. Điều này có nên không, thưa bà?

Việc cấm con không sử dụng mạng xã hội là rất khó. Xét cho cùng, facebook là mạng toàn cầu, nó mở ra một xã hội cập nhật thông tin. Và có thể sau facebook sẽ còn một cái gì khác nữa... Vì vậy, cấm trẻ sử dụng là không hợp lý. Quan trọng vẫn là trang bị những kiến thức, kỹ năng... cho con trẻ để chúng hiểu và sử dụng facebook hiệu quả.

Tuy vậy, cũng cần cảnh báo cho trẻ biết rằng giao tiếp trên facebook vẫn là giao tiếp đóng. Những tương tác hàng ngày là những cuộc gặp gỡ, trau dồi kiến thức kĩ năng bày tỏ như thế nào, quản lý cảm xúc ra làm sao, cách làm việc nhóm như thế nào... mới giúp ích tốt nhất cho chúng ta trong cuộc sống. Facebook không giúp cho chúng ta làm những việc đó. Nó chỉ là một phần trong những nhóm kĩ năng hoặc trong những mạng xã hội chúng ta có.

Giới trẻ cần phải đi ra ngoài, trao đổi, học hỏi... thì đấy mới là cuộc sống thật. Và điều đó mới thúc đẩy con người hoạt động, giúp chúng ta hoàn thiện con người hơn. Cuộc sống còn nhiều điều chứ không chỉ có riêng facebook.

Là một chuyên gia tâm lý, bà thường hướng dẫn học sinh của mình ra sao khi tham gia mạng xã hội?

Hầu như các học sinh của tôi đều sử dụng facebook. Nhưng tôi luôn khuyên các con dùng hạn chế, chỉ khoảng 30 phút/ngày. Và mong muốn các con không bị nghiện.

Tôi cũng luôn khuyên học sinh sống với cuộc sống thật ở ngoài đời, nên có kĩ năng giao tiếp tốt để chúng ta làm những việc hữu ích ngoài cuộc sống.

Mặt khác, tôi cũng khuyến khích học sinh làm những công việc tình nguyện, hoặc chuyển hóa năng lượng bằng các hoạt động khác như học nhảy, vẽ, nhạc, cầu lông... Làm sao để các cháu đi vào cuộc sống thật. Và ở đó các cháu được trao đổi, chia sẻ với nhau, được bày tỏ, cống hiến bản thân mình.

Từ đó, các cháu sẽ hiểu rằng mạng xã hội chỉ là một phần trong cuộc sống chứ không phải chỉ có một mạng facebook để trao đổi và chia sẻ...

Bà có chia sẻ gì với các bạn trẻ khi tham gia facebook?

Tôi nghĩ rằng các bạn cần hiểu những hành vi được phép và không được phép. Được phép có thể là hỏi thăm nhau về sức khỏe, có thể bày tỏ ý kiến của nhau, chia sẻ cảm xúc của nhau. Tuy nhiên, khi chúng ta tức giận thì facebook không phải là nơi, là cách để chúng ta bày tỏ. Trên face book chỉ nên thể hiện những điều ủng hộ nhau thì tốt hơn. Nó không quyết định điều gì trong cuộc sống của mình.

Xin cám ơn bà!

Th.S tâm lý Vũ Thu Hà chia sẻ:

“Khi con dùng Internet thì cha mẹ cần như những người bạn để cùng các con chia sẻ những vấn đề nên và không nên. Cái gì được phép và không được phép. Cha mẹ nên dành thời gian cho con để trao đổi, chia sẻ với con về đời sống hàng ngày. Nên khuyến khích con thể hiện những tức giận, hay sự không hài lòng bằng lời nói với cha mẹ thay vì thể hiện trên mạng xã hội.

Hơn nữa, bố mẹ cũng cần là người biết kiềm chế trong việc sử dụng Internet. Thực tế nhiều cha mẹ nghiện Internet, facebook. Về đến nhà lúc nào cũng Ipad bên cạnh, dành thời gian cho Ipad nhiều hơn dành cho con. Những điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Bố mẹ nếu có điều gì tức giận cũng thể hiện trên facebook thì các con dễ học theo.

Sông La (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201308/ths-tam-ly-vu-thu-ha-gioi-tre-can-hanh-trang-khi-tham-gia-mang-xa-hoi-1971858/