Thách thức đối với thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử

Các lực lượng chức năng và chuyên gia đã cùng tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác với Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Tọa đàm “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử”. Tọa đàm có ý nghĩa hơn khi Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang tổ chức những hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (SHTT) và tôn vinh các thành quả đổi mới sáng tạo, SHTT của các tổ chức, cá nhân.

Tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Ông John Hill, Quyền Phó Đại sứ - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và đại diện INTA. Hơn 80 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT, các hiệp hội, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực SHTT.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi Tọa đàm Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi Tọa đàm Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thương mại điện tử, bên cạnh thị trường truyền thống, các hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường thương mại điện tử. Những lợi ích thu được từ việc chuyển đổi mô hình này rất lớn, có sức hấp dẫn đối với các nhà sản xuất, kinh doanh và ngày càng thu hút được nhiều chủ thể tham gia. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của thương mại điện tử, môi trường kinh doanh này cũng cho thấy những thách thức, trong đó có vấn đề thực thi quyền SHTT.

“Chính phủ, Bộ KH&CN và các bộ, ngành chức năng đã nỗ lực trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung và xâm phạm quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử thông qua việc ban hành văn bản pháp luật và xử lý những vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm; khó xác định giá trị hàng hóa xâm phạm; lực lượng chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm…” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chia sẻ.

Theo Phó cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm, việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh đang tăng rất nhanh trong thời gian qua đã đưa tốc độ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử đạt khoảng hơn 20%, đạt quy mô khoảng 4 tỷ USD.

“Những giao dịch trên mạng đối mang hàng hóa càng ngày càng đa dạng. Do đó, vi phạm quyền SHTT cũng phức tạp, tinh vi hơn. Các sản phẩm giá rẻ vi phạm thương hiệu, sáng chế, mẫu mã được bảo hộ... được rao bán công khai trên các trang web. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của internet khiến cho cho những tên miền càng ngày càng có giá trị. Việc chiếm đoạt tên miền cũng vì thế mà phổ biến hơn. Hành vi vi phạm quyền SHTT ngày càng nhiều, tuy nhiên việc xử lý lại gặp nhiều khó khăn vướng mắc” - Phó cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm cho biết.

Phó cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm

Theo Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN Nguyễn Như Quỳnh, lực lượng chức năng khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm; khó xác định giá trị hàng hóa xâm phạm... Rất nhiều trường hợp các cơ quan chức năng nhận được thông tin, đến địa điểm được quảng cáo trên mạng thì không tìm thấy. Các cơ sở sản xuất hàng giả cũng thường xuyên thay đổi địa điểm. Xử lý vi phạm ở môi trường hữu hình đã khó, môi trường internet còn khó hơn nhiều lần.

Đề xuất nguyên tắc xử lý vi phạm, Phó cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm cho rằng các trang web giao dịch trực tuyến phải áp dụng một hệ thống đăng ký đối với những người đăng ký bán hàng hóa hoặc dịch vụ thông qua các trang web để đảm bảo rằng thông tin nhận dạng về người đó là chính xác và có thể truy xuất được (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Các sàn giao dịch trực tuyến cũng phải thiết lập các quy định nội bộ để giải quyết khiếu nại liên quan đến xâm phạm quyền SHTT và hàng giả mạo.

Trong trường hợp xác nhận rằng đơn khiếu nại vi phạm là có cơ sở, nội dung vi phạm trên trang web phải được xóa ngay lập tức; Các trang web và các sàn giao dịch trực tuyến nơi có việc bán hàng giả mạo tràn lan có thể bị đóng bởi nhà cung cấp dịch vụ Internet liên quan (ISP).

Trường hợp người sử dụng mạng có hành vi vi phạm thông qua dịch vụ mạng, chủ sở hữu quyền có quyền thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ Internet và đề xuất các biện pháp khắc phục cần thiết như xóa bỏ, hạn chế truy cập hoặc ngắt kết nối. Nếu không thực hiện các biện pháp cần thiết một cách kịp thời, thì nhà cung cấp dịch vụ Internet phải chịu trách nhiệm (liên đới) đối với những thiệt hại bổ sung.

Toàn cảnh Tọa đàm “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử”

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp, cơ quan bảo hộ và thực thi quyền SHTT, hiệp hội, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực SHTT đã cùng bàn luận, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Huy Hùng

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nang-cao-hieu-qua-thuc-thi-quyen-shtt-trong-moi-truong-thuong-mai-dien-tu-d120319.html