Thách thức giải quyết nạn 'săn lùng' phù thủy ở Đông Phi

Nguyên nhân gốc rễ của nghèo đói rất phức tạp nhưng ở Đông Phi, nhiều người tin rằng phép phù thủy là một phần nguyên nhân. Bởi vậy, các cuộc tấn công nhằm vào người già bị cáo buộc dùng phép thuật mang lại bất hạnh cho cộng đồng đang gia tăng.

Chỉ vài ngày trước Giáng sinh 2023, bà Eliza Supuni, 78 tuổi, bị đánh chết ở gần thị trấn Mulanje, khu vực phía Nam Malawi. Theo các nhân chứng địa phương, thủ phạm của vụ giết người dã man là 3 cháu trai của bà. “Khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân cái chết là do chảy máu trong do xương sườn bên phải bị gãy, thứ phát do bị hành hung”, Innocent Moses, đại diện cảnh sát địa phương cho biết.

Theo ông Moses, 3 nghi phạm sau đó đã cố gắng chạy trốn sang nước láng giềng Mozambique, nhưng đã bị bắt lại sau 1 tháng gây án. Cũng vào ngày xảy ra vụ án, họ được cho là đã làm 2 người lớn tuổi khác bị thương. “Độ tuổi của họ là từ 19 đến 23. Họ sẽ bị buộc tội giết người”, ông Moses nói thêm và nhấn mạnh rằng, mức án tối đa mà họ phải đối mặt là tù chung thân. Nhưng điều gì đã khiến 3 thanh niên này sát hại chính bà của mình?

Phụ nữ lớn tuổi ở Malawi đặc biệt có nguy cơ phải đối mặt với những cáo buộc làm phép gây bất hạnh cho người khác

Phụ nữ lớn tuổi ở Malawi đặc biệt có nguy cơ phải đối mặt với những cáo buộc làm phép gây bất hạnh cho người khác

“Phép thuật” là cái cớ cho tệ nạn xã hội

Khi còn sống, bà Supuni đã bị đổ cho là người có phép thuật phù thủy, đặc biệt là khi em gái của bà qua đời hồi đầu năm khi sinh con bằng phương pháp sinh mổ. Các cơ quan y tế kết luận đó là “cái chết tự nhiên” nhưng điều đó không thuyết phục được một số người dân địa phương trong một quốc gia mà các vụ giết người nhắm vào người già bị cáo buộc là phù thủy vẫn còn phổ biến. Phụ nữ lớn tuổi và những người mắc bệnh bạch tạng đặc biệt có nguy cơ phải đối mặt với những cáo buộc như vậy.

Theo luật pháp Malawi, việc cáo buộc ai đó có phép thuật phù thủy là một tội ác có thể bị pháp luật trừng phạt. Tuy nhiên, luật khó được thực thi ở một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới từ năm ngoái cho thấy, 72% người Malawi hiện phải sống với mức dưới 2 euro (2,16 USD) mỗi ngày. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương tin rằng, những bất hạnh trong cuộc sống như bệnh tật, nghèo đói, chết yểu có liên quan đến thuật phù thủy. Những cáo buộc về phép thuật phù thủy còn đi xa đến mức ám chỉ những người cao tuổi vô tội gây ra hạn hán và lũ lụt.

Khi tỷ lệ nghèo đói tiếp tục gia tăng, số vụ giết người liên quan đến cáo buộc phù thủy và ma thuật cũng tăng theo. Hồ sơ từ Bộ Giới tính, Phúc lợi Xã hội và Phát triển Cộng đồng Malawi cho thấy, số vụ tấn công và giết người liên quan đến phù thủy nhắm vào người cao tuổi đã tăng 1/4 từ tổng số 21 vụ vào năm 2022 lên 29 vụ vào năm 2023.

Cần thúc đẩy sinh kế bền vững

Mạng lưới các tổ chức người già Malawi (MANEPO) khuyến nghị rằng, các chương trình an sinh xã hội nên được áp dụng ở những khu vực nghèo khó. Điều này mang lại cho những người phải sống dưới mức nghèo khổ một cuộc sống ổn định, an toàn, tránh nguy cơ bị bạo lực. Có nhiều cách tiếp cận khác cũng đang được đưa ra để giải quyết tình trạng “săn lùng” phù thủy ngày càng leo thang ở Malawi: Vào năm 2022, Ủy ban Luật Đặc biệt đã đưa ra một khuyến nghị sau khi xem xét Đạo luật Phù thủy của Malawi - một bộ luật thời thuộc địa có từ năm 1911. Ủy ban cho biết, Nhà nước nên bắt đầu công nhận thuật phù thủy là một thứ tồn tại để cho phép luật pháp trở thành công cụ giải quyết những cáo buộc như vậy thay vì cho phép đám đông thực thi công lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tranh luận rằng, nếu công nhận phép phù thủy là một hiện tượng có thật, như đã được Ủy ban Luật Đặc biệt khuyến nghị thì sẽ làm cho vấn đề đưa ra nghĩa vụ chứng minh tại tòa án trở thành vấn đề rắc rối.

Nhưng vấn đề không chỉ riêng ở Malawi. Các quốc gia láng giềng như Zimbabwe, Zambia và Tanzania hay các quốc gia Tây Phi khác cũng có tình trạng tương tự. “Người cao tuổi - đặc biệt là những người có mắt đỏ, liên tục bị buộc tội là phù thủy chỉ vì tuổi tác của họ, đó là một hình thức phân biệt đối xử”, Anna Henga, Giám đốc điều hành của Trung tâm Pháp lý và Nhân quyền, một trong những cơ quan nhân quyền hàng đầu ở Tanzania cho biết. Đồng ý với đánh giá này, Felistas Phiri, cán bộ dự án tại HelpAge Zimbabwe nói rằng, nhiều người ở đất nước của cô không hiểu một số bệnh chủ yếu, chẳng hạn như chứng mất trí nhớ ở người già và họ có xu hướng giải thích triệu chứng bệnh là dấu hiệu của phép thuật phù thủy. “Thật không may, những người lớn tuổi bị tước bỏ phẩm giá và tầm quan trọng của mình. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy sinh kế bền vững cho tất cả người lớn tuổi”, cô Phiri nói.

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thach-thuc-giai-quyet-nan-san-lung-phu-thuy-o-dong-phi-post566041.antd