Thách thức từ tăng trưởng tín dụng cao

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay trong tháng 7 cho thấy kế hoạch tăng trưởng GDP 6,7% năm nay đang dựa vào kênh tín dụng.

Việt Nam có thể dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22% vào cuối năm nay, nhưng điều này có thể gây ra nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình giải quyết nợ xấu vẫn còn chậm, nhận định này do ngân hàng HSBC Việt Nam đưa ra trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam vừa công bố.

Động lực tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam gần đây gắn với tín dụng nới lỏng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành kinh tế kém hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, tín dụng đã đạt được tốc độ tăng trưởng 9,1%, nhanh nhất trong vòng sáu năm qua. Theo số liệu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, ước tính tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,5% tính đến hết tháng 8.2017.

Các lĩnh vực liên quan đến bất động sản - một trong những lý do chính làm gia tăng nợ xấu và khủng hoảng ngành ngân hàng hồi năm 2011, vẫn đang góp phần nhiều nhất cho tổng tăng trưởng tín dụng cả nước, mặc dù mức đóng góp này đã giảm trong những tháng gần đây.

Những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng, phần lớn các khoản cho vay ở Việt Nam vẫn được dành cho các doanh nghiệp nhà nước hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp nhà nước cũng được vay với lãi suất thấp hơn so với doanh nghiệp tư nhân.

Báo cáo của HSBC cho rằng, việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm trong những năm gần đây chưa phản ánh hết mức nợ thật sự của các khoản vay có vấn đề trong nền kinh tế, bởi nợ xấu giảm một phần là do các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), nơi mà rủi ro tín dụng cơ bản của các khoản vay này chưa được loại trừ hoàn toàn.

Tuy nhiên HSBC cho rằng, Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong các ngành kém hiệu quả khi yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản so với các ngành khác.

Thương mại, vận tải và viễn thông là những ngành đã có sự đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm, điều này có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các ngành này trong nước, báo cáo của HSBC cho biết. Qua đó có thể thấy, việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh tín dụng là một chiến lược hợp lý khi vai trò của tiêu dùng tư nhân và đầu tư ngoài quốc doanh ngày càng tăng.

Tuy nhiên, chất lượng và việc phân bổ tín dụng, bên cạnh việc giải quyết các vấn đề nợ xấu hiện hữu, đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được chuyển thể vào tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn trong tương lai.

Trong tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay. Điều này cho thấy kế hoạch tăng trưởng GDP 6,7% cho năm nay thông qua kênh tín dụng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng đã kêu gọi tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21-22% cho cả năm 2017.

"Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ còn tăng tiếp trong quý IV.2017 và dễ dàng vượt mức 18,3% của năm 2016", các chuyên gia tại HSBC nhận định.

Giả định tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm vẫn tương ứng với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái thì tăng trưởng tín dụng đến cuối năm sẽ đạt mức 19,3%.

Trong khi đó, việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giúp thúc đẩy tín dụng và mục tiêu mới sẽ dễ dàng đạt được.

Nguồn Forbes: http://forbesvietnam.com.vn/thao-luan/thach-thuc-tu-tang-truong-tin-dung-cao-1201.html