Thách thức và cơ hội sau tổng tuyển cử ở Angola

Cuộc tổng tuyển cử tại Angola đã khép lại với chiến thắng thuộc về đảng Phong trào Nhân dân vì tự do của Angola (MPLA) cầm quyền.

Ứng cử viên của đảng MPLA -Joao Lourenço – sẽ nắm giữ chức vụ Tổng thống Angola trong 5 năm tới

Chiến thắng này đã đảm bảo cho ứng cử viên của đảng MPLA là Joao Lourenço lên nắm quyền Tổng thống trong 5 năm tới.

Đặt niềm tin vào MPLA

Ngày 23/8, cử tri Angola đã đi bỏ phiếu để bầu chọn 220 đại biểu Quốc hội và Tổng thống cho nhiệm kỳ 2017-2022.

Cuộc tổng tuyển cử tại Angola lần này có 6 đảng tham gia tranh cử gồm Đảng MPLA cầm quyền, UNITA, CASA - CE, Liên minh dân tộc yêu nước (APN), Đảng Đổi mới xã hội (PRS) và Mặt trận Dân tộc giải phóng Angola (FNLA) đã giới thiệu gần 2.000 ứng cử viên trên 18 tỉnh, thành và thủ đô Luanda.

Có hơn 9,4 triệu cử tri đủ tư cách tham gia bầu cử tại 12.000 điểm bầu cử trên phạm vi toàn lãnh thổ Angola. Hơn 1.500 quan sát viên quốc tế và 200 quan sát viên trong nước tham gia giám sát bầu cử.

Theo các nhóm quan sát viên quốc tế, trong đó có đại diện Việt Nam được nước chủ nhà mời tham gia, công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử được tiến hành khá chu đáo, minh bạch với sự giám sát của đại diện các đảng tham gia tranh cử tại mỗi địa điểm bỏ phiếu. Việc niêm yết danh sách cử tri, niêm phong hòm phiếu, kiểm tra căn cước, phát phiếu và hướng dẫn bầu cử được thực hiện đúng pháp luật và quy định.

Theo Hiến pháp và Luật Bầu cử của Angola, mỗi đảng tham gia tranh cử giới thiệu ứng cử viên tổng thống và Quốc hội. Ứng cử viên của đảng giành nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử sẽ trở thành tổng thống.

Ngày 24/8, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Angola (CNE) cho biết đảng MPLA - đảng cầm quyền ở nước này kể từ 4 thập kỷ qua, đã giành được hơn 64% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử. Trong khi đó, đảng Liên minh quốc gia vì nền độc lập hoàn toàn của Angola (UNITA) giành được 24,4% số phiếu, và Liên minh Đồng thuận Bảo vệ Angola (CASA - CE) giành được 8,56% số phiếu.

Với kết quả trên, MPLA tiếp tục duy trì được đa số trong tổng số 220 ghế tại Quốc hội Angola, đồng thời ứng cử viên của đảng này sẽ trở thành tổng thống để thay thế cho Tổng thống Jose Eduardo dos Santos đã quyết định từ bỏ quyền lực sau 38 năm cầm quyền.

Đa dạng hóa nền kinh tế, chú trọng sản xuất

Từ giữa tháng 7, khi các đảng bước vào chiến dịch vận động tranh cử, đất nước Angola đã sống trong không khí lễ hội. Các trục đường lớn, tòa nhà cao tầng đến các ngõ phố, làng quê trên cả nước được trang hoàng bằng cờ đảng, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi với hình thức và sắc màu lộng lẫy, đa dạng. Hàng nghìn cuộc hội họp, mít tinh vận động tranh cử trên các quảng trường, sân vận động, các khu dân cư trong không khí sôi động của các bản nhạc và điệu nhảy dân tộc truyền thống.

Trong cuộc bầu cử này, nếu MPLA là đảng duy nhất có thể tổ chức các cuộc mít tinh vận động với hàng chục nghìn người tham gia tại cả 18 tỉnh, thành trên cả nước thì các đảng đối lập UNITA, CASA - CE, APN, PRS và FNLA tập trung vận động tại các khu vực có cử tri truyền thống của mình với quy mô và hình thức khiêm tốn hơn.

Nội dung tranh cử của các đảng đối lập UNITA, CASA - CE, APN, PRS và FNLA tập trung chủ yếu vào những khó khăn kinh tế, xã hội do khủng hoảng, qua đó phê phán những yếu kém của đảng MPLA cầm quyền trong quản lý, điều hành đất nước và tình trạng tham nhũng, trì trệ của bộ máy chính quyền, nhưng các cam kết mà các đảng đối lập này đưa ra đã không gắn với chính sách và các biện pháp thực hiện cụ thể nên thiếu sức thuyết phục đối với cử tri quốc gia miền Nam châu Phi này.

Trong khi đó, với khẩu hiệu “Sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện hơn những việc đã làm tốt”, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Joao Lourenco, Phó Chủ tịch Đảng MPLA cầm quyền, người được đảng này giới thiệu ứng cử Tổng thống, đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của Chính quyền trong quản lý, điều hành, trong đó có cả những sai lầm khi chậm chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Phó Chủ tịch Đảng MPLA cầm quyền Lourenco cũng nêu lên những nỗ lực và những kết quả đạt được trong quá trình đưa đất nước vượt qua khủng hoảng; khẳng định chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, ưu tiên phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa trong nước đồng thời cam kết đầu tư vào nguồn nhân lực, y tế, giáo dục trong khuôn khổ chiến lược với những kế hoạch và bước đi cụ thể.

Thực tế cho thấy, Angola từng có giai đoạn phát triển bùng nổ sau khi nội chiến kết thúc năm 2002, và nước này cạnh tranh với Nigeria để trở thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu châu Phi. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Angola thời kỳ đó đã tăng lên 20% và nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại được xây dựng ở thủ đô Luanda. Tuy nhiên, giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc đã nhanh chóng gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Angola từ năm 2014. Theo thống kê, cuối năm 2016, tỷ lệ lạm phát của Angola đã lên tới 40% trong khi tăng trưởng kinh tế ở mức âm 1%. Nhiều người dân đã bị mất việc làm và bắt đầu chỉ trích lãnh đạo đảng cầm quyền MPLA hoạt động vì lợi ích riêng chứ không vì lợi ích cao nhất của nhà nước hay của nhân dân khiến uy tín của MPLA giảm mạnh.

Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, nhiều cử tri Angola nhận thấy đảng cầm quyền đang có sự chuyển biến tích cực và quyết tâm đổi mới. Cử tri Angola đã cảm thông, đặt niềm tin và bỏ phiếu cho MPLA bởi trong ký ức và suy nghĩ của số đông người dân, MPLA là đảng mang lại độc lập cho đất nước năm 1975, cũng như mang lại hòa bình và hòa hợp dân tộc, đủ khả năng đảm bảo cho sự ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

T. Lâm (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//quoc-te/thach-thuc-va-co-hoi-sau-tong-tuyen-cu-o-angola-351586.html