Thách thức với nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam

Nhượng quyền thương hiệu(Franchise) đã được chứng minh là một trong những mô hình kinh doanh thành công nhất trong vòng 100 năm qua. Tuy nhiên do lịch sử phát triển ngành nhượng quyền tại nước ta vẫn còn khá mới. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các DN muốn tham gia vào các thương vụ Franchise.

Doanh nghiệp Việt khó nhượng quyền

Nhượng quyền mô hình kinh doanh là việc doanh nghiệp nhượng quyền, người sở hữu sản phẩm hoặc hệ thống kinh doanh đã qua chứng thực thành công, cho phép các doanh nghiệp khác kinh doanh dưới tên thương hiệu của mình qua hình thức thu phí.

Doanh nghiệp đứng ra cấp phép được gọi là doanh nghiệp nhượng quyền. Cá nhân hoặc doanh nghiệp đứng ra mua quyền sử dụng thương hiệu, được gọi là đối tác nhận quyền.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá thị trường chuyển nhượng thương hiệu (Franchise) tại VN còn khá sơ khai. Vì vậy đây là cơ hội cho các DN muốn tham gia vào các thương vụ Franchise do tiềm năng thị trường còn rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực nhà hàng, ăn uống.

Mua chuyển nhượng thương hiệu từ nước ngoài là xu hướng sôi động nhất. Tuy nhiên DN Việt phải chi phí cho các thương vụ này khá đắt đỏ và gian truân. Để có một cửa hàng KFC tại VN, một DN phải bỏ ra 25.000 USD phí nhượng quyền; 500 USD/tháng phí bản quyền; phí marketing 5% tổng thu nhập...

Chuyển nhượng thương hiệu trong nước xuất hiện muộn hơn, nhưng cũng đã có một số thương hiệu thành công. Có thể kể tới Trung Nguyên, Phở 24, café Cộng, chuỗi thương hiệu của Golden Gate….

Với việc nước ta đã ký kết các hiệp định kinh tế khu vực và quốc tế, thị trường nhượng quyền chắc chắn sẽ đón nhận hàng loạt những thương hiệu mới trong tương lai. Theo website của Bộ Công thương, từ năm 2009 đến nay đã có 122 thương hiệu quốc tế đăng ký nhượng quyền vào nước ta.

Tại Việt Nam, nhượng quyền chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (hay còn gọi là nhượng quyền độc quyền) khi thương hiệu quốc tế trao quyền cho một doanh nghiệp nội địa phát triển hệ thống chi nhánh trên toàn lãnh thổ dưới hình thức tự đầu tư và kinh doanh, hay còn gọi là phát triển hệ thống chuỗi.

Đối với thương hiệu nội địa, nhượng quyền có thể nói là một trong những mô hình tiềm năng nhất giúp doanh nghiệp phát triển hiệu quả, không những tại thị trường trong nước mà còn có thể vươn ra khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, do lịch sử phát triển ngành nhượng quyền tại nước ta còn khá mới, nên việc hiểu đúng và áp dụng mô hình như thế nào hiện vẫn còn là thử thách lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng cập nhật kiến thức về ngành.

Nhượng quyền là một mô hình giao thông hai chiều về mọi ý nghĩa. Ở góc độ thị trường, nhượng quyền cần có chiều vào của các thương hiệu quốc tế và chiều ra của các thương hiệu Việt.

Ở góc độ kinh doanh, doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền cần hiểu rõ và đi đúng làn đường của mình nếu muốn cho hệ thống nhượng quyền hoạt động. Khi một bên lấn sân hay đi không đúng làn đường quy định, tai nạn xảy ra là tất yếu. Rủi ro trở thành rủi ro chung cho cả đôi bên..

Thái Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/thach-thuc-voi-nhuong-quyen-thuong-hieu-tai-viet-nam-d52586.html