Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh sẵn sàng phương án đối phó bão số 2

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, các địa phương đã có những phương án tích cực để phòng, chống cơn bão này.

Thanh Hóa khẩn trương phòng, chống bão số 2

Sáng ngày 16-7, theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 8 đến 16-7 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa nhiều nơi, lượng mưa phổ biến 60-200 mm, một số nơi lượng mưa lên tới hơn 200 mm như Kim Tân (Thạch Thành) 242,8 mm, Bá Thước 208 mm.

Hiện các hồ thủy điện, thủy lợi chứa nước lớn như hồ thủy điện Trung Sơn có mực nước chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường hơn 5m, mực nước trong hồ Hủa Na thấp hơn mực nước dâng bình thường gần 12 m, Cửa Đạt thấp hơn mực nước dâng bình thường 29m. Trong số 610 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 121 hồ không bảo đảm an toàn nên không tích nước 18 hồ, 103 hồ chỉ tích nước một phần.

Thanh Hóa đã kêu gọi 5.771 phương tiện nghề cá, 17.737 lao động vào nơi tránh, trú bão an toàn. Hiện còn 1.718 phương tiện, 8.453 lao động đang trên đường vào nơi tránh trú bão, trong đó có 867 phương tiện, 1.736 lao động hoạt động ven bờ biển, sẽ cập bến trong ngày; 851 phương tiện, 6.717 lao động hoạt động trên ngư trường ngoài tỉnh, cập bờ, tránh trú bão ở các tỉnh bạn. Tại năm huyện, TP ven biển trong tỉnh có 2.000 lồng nuôi cá nước mặn, 1.450 ha nuôi ngao, 4.000 ha nuôi tôm nước lợ và toàn tỉnh đã cấy, trồng được 124.012 ha lúa, 14.700 ngô, 1.038 ha lạc, hơn 753 ha đậu tương, 10.247 ha rau màu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các lực lượng liên quan, các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến cơ bão số 2, kêu gọi tàu thuyền vào các nơi tránh trú bão, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tháo giàn đèn dụ cá trên tàu, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh va đập, di dời, neo đậu lồng bè nuôi thủy sản an toàn, chằng buộc, phủ lưới bao vây, kéo tàu nhỏ lên bờ. Tuyệt đối không để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, triển khai phương án bảo đảm an toàn các bến cảng, khu du lịch.

Khẩn trương di chuyển tàu cá vào âu tránh trú bão.

Các huyện, thành phố ven biển rà soát sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân khu vực cách mép nước, cửa sông, ven biển 200m đến nơi tránh trú bão tập trung, phân tán khi có lệnh, bảo đảm mỗi hộ tự túc lương thực, thực phẩm một ngày, mỗi xã, phường bảo đảm tự túc lương thực, thực phẩm, nước uống ba ngày; quản lý chặt chẽ các hoạt động du lịch ven biển.

Đồng thời, kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, đặc biệt các trọng điểm xung yếu về đê điều, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công dở dang; chỉ đạo vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, thực hiện tuần tra, canh gác, sẵn sàng hộ đê, các công trình thủy lợi theo phương châm bốn tại chỗ.

Các địa phương, nhân dân tích cực, chủ động giải tỏa ách tắc lòng sông, kênh mương nhằm tiêu thoát nước đệm kịp thời, ngành điện bảo đảm nguồn điện để chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu; các doanh nghiệp thủy nông huy bố trí nhân lực thường trực, vận hành ngay trạm bơm khi thủy triều rút, hỗ trợ các địa phương tiêu úng cục bộ.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng giao trách nhiệm cho các huyện miền núi phổ biến đến người dân biện pháp phòng, tránh thiên tai, chủ động triển khai sơ tán dân ở vùng nguy cơ xảy ra sạt, lở đất, lũ ống, lũ quét; canh gác ngầm, tràn, hướng dẫn người, phương tiện tham gia giao thông an toàn. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động sơ tán dân ở vùng trũng thấp, vùng bãi bồi trong lòng sông; chủ động rà soát các phương án phòng, chống bão, sẵn sàng đối phó với bão số 2 theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Quảng Ninh: Chủ động đối phó với bão số 2

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, dự báo tối và đêm 16-7 vùng ven biển tỉnh từ Quảng Ninh có gió giật cấp 6-8 sau tăng lên cấp 9, biển động mạnh.

Để bảo đảm an toàn cho du khách và các phương tiện tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa ngừng cấp phép đối với 481 tàu du lịch từ 13 giờ ngày 16-7, yêu cầu các tàu đang trên vịnh quay về đất liền trả khách, di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn.

Trước đó, từ 6 giờ ngày 16-7, tại khu vực biển thuộc huyện Cô Tô có gió cấp sáu, Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa ngừng cấp phép đối với tàu đưa khách ra các tuyến đảo.

Hiện trên các đảo thuộc huyện Vân Đồn và Cô Tô đang có 5.126 khách du lịch, trong đó có 30 khách quốc tế. Riêng đảo Cô Tô có 3.500 du khách, trong đó có 14 khách quốc tế mắc kẹt trên đảo. UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương thông báo diễn biến cơn bão số 2, đồng thời bố trí chỗ ở ổn định, an toàn, không tăng giá dịch vụ, tạo điều kiện cho du khách có thể lưu trú chờ tình hình thời tiết tốt hơn, đồng thời thông báo cho tàu thuyền hoạt động về nơi tránh trú an toàn.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị chức năng nắm chắc thông tin về khách du lịch mắc kẹt trên đảo, tích cực tuyên truyền, thông tin kịp thời đến du khách. Các ngành, địa phương kiểm tra công tác trực ban, bốn tại chỗ, kiểm tra công trình thủy lợi, hồ đập. Các dự án đang thi công cần triển khai ngay các giải pháp ứng phó. Đối với ngành than cần chủ động nạo vét hệ thống thoát nước, gia cố bãi thải, khẩn trương di dân tại các khu vực liền kề bãi thải; Thông báo cho chủ các lồng bè thực hiện chằng chống, di dời về nơi an toàn. Kiên quyết di dời người lao động tại các lồng bè lên bờ; ngành điện kiểm tra, duy trì cấp điện ổn định. Các lực lượng vũ trang chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng huy động ứng cứu, hỗ trợ di dân khi có huy động. Ngành GTVT chủ động phân làn, có giải pháp điều phối giao thông, không để ùn ứ trên các tuyến đường.

Đối với các dự án đang thi công phía đồi, cần rà soát kỹ, có giải pháp di dời kịp thời bảo đảm an toàn cho các hộ dân trong vùng dự án. Hiện tại TP Cẩm Phả đã di dời khẩn cấp 64 hộ dân đang ở tại khu chung cư Dương Huy đã xuống cấp và di dời các lán trại của các công trình gần kè phía đồi.

Thái Bình cấm tàu thuyền ra khơi, sơ tán dân vùng xung yếu

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, trên địa bàn tỉnh có 1.288 tàu, thuyền với 3.606 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản. Trong đó, có 92 phương tiện với 453 phương tiện đang hoạt động, neo đậu vùng biển ngoài tỉnh; 415 phương phương tiện với 1.862 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình.Hiện nay, toàn tỉnh có 6.428 hộ với 17.513 người sinh sống ngoài đê chính cần lưu ý để có phương án di dời khi cần thiết.

Trong sáng nay, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão.

Các trạm bơm trên địa bàn tỉnh Thái Bình tiêu nước trong đồng tránh úng ngập khi bão vào đất liền.

Hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy khẩn trương di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu vào trong đê chính; không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ. Các địa phương phải có kế hoạch cụ thể, kịp thời sơ tán các khu tập thể, nhà xuống cấp vào nơi an toàn trước 17 giờ ngày 16-7.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng. Phân công cụ thể cán bộ và lực lượng thường xuyên kiểm tra các tuyến đê xung yếu để có phương án xử lý ứng cứu theo phương châm "4 tại chỗ"… Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Linh và cống Lân để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống, kịp thời tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập do mưa lớn và hoàn lưu sau bão.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33484202-thai-binh-thanh-hoa-quang-ninh-san-sang-phuong-an-doi-pho-bao-so-2.html