Thái Bình xin phá rừng: Địa phương chưa rõ quy hoạch

Lãnh đạo 2 xã Thụy Xuân, Thụy Hải chưa biết rõ quy hoạch dự án, nên khó khẳng định lấn rừng ngập mặn có ảnh hưởng môi trường hay không?

Con người đang hưởng lợi trực tiếp từ rừng

Liên quan dự án lấn 320ha biển lấy mặt bằng làm công nghiệp, trong đó sẽ xóa bỏ 150ha rừng ngập mặn, ngày 19/5, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Ngọc Hiện - Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: "Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ có 80 hộ dân bị thu hồi đất, như vậy là không đúng, riêng xã tôi đã có 57 hộ dân, bên xã Thụy Hải gần 300 hộ dân nữa, tính ra gấp 4-5 lần con số được báo cáo.

Việc này chúng tôi phải đề cập vì sau này liên quan đến bồi thường thiệt hại cho dân, người dân 2 xã đang nuôi trồng thủy sản trên diện tích này".

Bên cạnh đó, theo ông Hiện, đây là dự án của tỉnh, nhưng mới chỉ là giai đoạn ban đầu, còn chưa đi vào thực tế, chỉ là đánh giá ban đầu xác định cơ bản. Bao giờ triển khai thực tế thì mới thông báo chi tiết các hộ.

Hàng trăm hộ dân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản hai xã Thụy Hải và Thụy Xuân. Ảnh TTO

"Bản thân chúng tôi chỉ thực hiện theo quy hoạch của tỉnh. Trong lúc làm nhân dân một số chưa có đồng thuận với việc này, dân bảo không đồng tình nên có ý kiến mạnh mẽ. Hiện nay, chưa tiến hành lấy đất, giờ mới trình Chính phủ lấy một con số thống nhất.

Bên xã tôi diện tích rừng ngập mặn bị lấn không nhiều, chủ yếu diện tích nuôi trồng thủy sản, nên nó ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, nhưng có khi công nghiệp vào nhiều thì có khi lại thu hút lao động. Nhưng nếu rừng ngập mặn bị lấn chiếm thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng, nhưng chưa biết thông tin cụ thể.

Rừng ngập mặn được dùng để bảo vệ đê điều, ngày xưa đê chỉ được làm bằng đất, nên rừng ngập mặn bảo vệ gió bão cho các diện tích nuôi trồng thủy sản của dân tránh thiệt hại, nghĩa là con người hưởng lợi ích trực tiếp từ rừng. Theo tôi, đặc biệt phải xin ý kiến nhân dân, dân đồng thuận thì mới được làm", ông Hiện cho biết thêm.

Ở một góc độ khác, ông Hiện tiết lộ thêm: "Lợi ích kinh tế hiện nay của dân cũng chỉ là lợi ích trước mắt, hơn nữa, diện tích dân đang nuôi trồng, là huyện cho thuê từ năm 1993 đến 2013, nghĩa là thuê có thời hạn.

Nếu bây giờ mà lấy diện tích đó làm đê, thì đất thuê đó không được đền bù, nên tỉnh đang xây dựng chế độ an sinh hỗ trợ. Dân thấy không được đền bù nên có ý kiến vì họ đang kiếm sống trên diện tích đó".

Khi mùa bão đến, cánh rừng ngập mặn này như lá chắn che cho từng mái nhà của người dân. Ảnh TTO

Dân cũng bức xúc

Cũng chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Dương Luân - Chủ tịch UBND xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy) cũng cho hay: "Đây là chủ trương của UBND tỉnh, chúng tôi chỉ thực hiện thôi. Dự án có ảnh hưởng đến rừng, ảnh hưởng môi trường như thế nào thì phải chờ Chính phủ đánh giá.

Về số liệu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), các con số không trung thực, cũng khiến người dân bức xúc, riêng Thụy Hải đã có 297 hộ nuôi thủy sản. Với sự sai lệch này thì chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh, còn xử lý ra sao là do tỉnh".

"Nếu dự án làm thì cũng chưa biết có ảnh hưởng đến đời sống của dân hay không vì chưa thực hiện, nên chưa biết thế nào, vì cách triển khai, xây dựng ra sao còn phụ thuộc vào lãnh đạo. Làm mà đụng chạm đến quyền lợi của dân thì họ sẽ lên tiếng, thậm chí phản đối kịch liệt, nếu không phù hợp lòng dân", ông Luân nói thêm.

Công nghiệp phát triển ra biển là tất yếu

Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/5, trao đổi với báo chí, ông Lại Văn Hoàn - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, chủ trương của Thái Bình là phát triển kinh tế về phía biển, vì Thái Bình đất chật người đông, quỹ đất trong nội đồng phải dành cho đảm bảo an ninh lương thực.

Có một số dự án kết hợp nỗ lực trong và ngoài nước đang được triển khai với mục tiêu giữ gìn và làm giàu rừng ngập mặn Thái Bình. Ảnh TTO

Còn với loại hình công nghiệp, phải là công nghiệp không gây ô nhiễm, ít tác động đến môi trường sinh thái. Dịch vụ cũng chủ yếu là trung chuyển hàng hóa khu vực ven biển.

"Muốn phát triển kinh tế phải làm công nghiệp phát triển ra biển là tất yếu. Đó cũng là việc như lớp trước đã làm là quai đê lấn biển. Qua bài học từ Formosa, Thái Bình khẳng định không bao giờ đánh đổi môi trường yên lành này bằng sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần", ông Hoàn khẳng định.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thai-binh-xin-pha-rung-dia-phuong-chua-ro-quy-hoach-3335747/