Thải độc qua gan bàn chân, coi chừng mất chân

Theo các chuyên gia, dùng miếng dán thải độc ở gan bàn chân có thể bị viêm loét, dẫn đến hoại tử và thậm chí phải cắt chân.

Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, ô nhiễm không khí, ung thư gia tăng... nhiều người đã nghĩ đến phương pháp thải độc để bảo vệ cơ thể. Trong đó, không ít người qua lời quảng cáo trên mạng đã tìm mua miếng dán thải độc.

Anh Nguyễn Văn Quang (35 tuổi, ở Đội Cấn, Hà Nội) được một người quen giới thiệu về miếng dán thải độc. Dán thử vào gan bàn chân, thấy xuất hiện “chất độc” màu đen, hơi nhờn dính, anh “té ngửa” vì chất độc trong người. Do đó, anh mua luôn 3 hộp để dùng trong một tháng liên tục, nhằm thải độc toàn diện cho cơ thể.

Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày, màu đen trong miếng dán sau khi dán không giảm đi như lời quảng cáo, khiến anh lo sợ chất độc trong cơ thể quá nhiều. Đnh đặt mua với số lượng lớn đem về bắt cả nhà cùng “thải độc”.

Miếng dán thải độc được quảng cáo tràn lan trên mạng. Ảnh: Feet and Shoes Guide.

Miếng dán thải độc được quảng cáo tràn lan trên mạng. Ảnh: Feet and Shoes Guide.

Hiện trên các diễn đàn và trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều loại miếng dán thải độc với hình dạng cũng như thành phần nguyên liệu khác nhau. Những loại miếng dán thải độc có nguồn gốc từ Nhật Bản với giá từ 500.000 đồng, với những nguyên liệu quý hiếm như Chitosan, Tourmaline, Dextrin, Glycolic Acid…

Tại Việt Nam cũng xuất hiện những công thức thải độc với giá rẻ hơn, được làm từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như hành tây, tỏi ta, nước cất, sau đó, dùng băng gạc quấn chặt.

Tất cả đều được quảng cáo là giải pháp tuyệt vời giúp cơ thể đào thải được các độc tố trong cơ thể, đồng thời tăng cường các chức năng xương khớp, phòng chống bệnh tật. Ngoài ra, biện pháp này có khả năng giúp thải độc, giảm đau và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến xương, bệnh gout…

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ, lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) khẳng định: “Chưa cần biết đó là nguyên liệu gì, nhưng thải độc cơ thể bằng cách dán vào gan bàn chân không có cơ sở khoa học”.

Theo thạc sĩ Trung, hiện có hai cơ chế chính thải độc cơ thể là thải độc từ bên trong ra và thải độc từ bên ngoài. Thải độc từ bên trong có thể dùng thuốc, các hoạt chất để tống độc tố ra ngoài qua đường máu, qua phân, qua nước tiểu (ví dụ việc rửa ruột khi bị ngộ độc, trúng độc - PV).

Riêng phương pháp giải độc bên ngoài cơ thể, người Việt đã biết cách áp dụng từ rất lâu. Chẳng hạn, khi bị ốm do cảm cúm, người ta hay dùng nước lá xông nóng, giúp nở lỗ chân lông và thải độc tố ra ngoài qua mồ hôi.

Chuyên gia khẳng định việc thải độc tố theo hai cơ chế trên là khoa học. Ông chưa thấy việc thải độc qua gan bàn chân bằng miếng dán bịt kín.

Về các loại nguyên liệu được dùng để thải độc, thạc sĩ Trung nhận định: “Hành tây hay tỏi chỉ có tác dụng sát khuẩn là chính, không có tác dụng thải độc”.

Riêng miếng dán vào gan bàn chân có xuất hiện màu đen sau khi sử dụng, thạc sĩ Trung cho rằng khi miếng dán để ở ngoài môi trường lâu, việc chuyển sang màu đen là điều dễ hiểu.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho rằng những loại miếng dán này không có tác dụng thải độc cơ thể. “Trước đây tôi đã trực tiếp làm thử nghiệm. Dù dán vào cơ thể hay không, miếng dán này vẫn thôi ra màu đen”, PGS Điền cho biết.

Đặc biệt, theo thạc sĩ Trung, việc dùng miếng dán này còn có thể gây viêm loét, hoại tử.

“Tôi khuyến cáo người dân không nên dùng loại miếng dán này, hoặc dùng cách tự chế với các nguyên liệu có sẵn, vì hành tây và tỏi có tính nóng. Người có da mẫn cảm, hoặc trẻ nhỏ dễ bị bong tróc da, nếu cố tình dùng sẽ gây viêm loét dẫn đến hoại tử và thậm chí còn phải cắt chân”, lương y Trung khuyến cáo.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mieng-dan-thai-doc-co-tot-khong-post707216.html