Thái Lan: Bất ổn tác động nhiều tới phát triển kinh tế

KTĐT - Theo Chính phủ Thái Lan, tăng trưởng kinh tế năm 2010 có thể chỉ đạt từ 3,5-4,5%. Có nghĩa là trong kịch bản tối ưu, không còn tái diễn biểu tình và bạo loạn, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Thái Lan cũng bị giảm 1,5% so với dự báo hồi đầu năm nay. Nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực của khủng hoảng chính trị tại thủ đô Bangkok trong hai tháng qua.

Làn sóng biểu tình của phe Áo đỏ, bắt đầu từ giữa tháng ba với đỉnh điểm là các vụ xung đột với lực lượng an ninh vào ngày 10/4 và trong tuần trước, ngoài thiệt hại về người, cũng gây thiệt hại nặng nề về vật chất. Theo Văn phòng chính sách tài chính Thái Lan, thiệt hại về kinh tế của các vụ việc làm náo loạn ở thủ đô những ngày qua ước lên tới 145 tỷ baht (4,46 tỷ USD). Đó là những thiệt hại trực tiếp "nhãn tiền", chưa tính đến những hậu quả gián tiếp của khủng hoảng đối với du lịch và đầu tư. Thái Lan là quốc gia có thu nhập từ ngành du lịch cao kỷ lục trong nền kinh tế - 6% GDP. Từ giữa tháng 3, số lượt du khách vào nước này đã giảm 30%. Trước khi khủng hoảng chính trị nổ ra, Thái Lan hy vọng đón tiếp khoảng 16 triệu lượt khách trong năm 2010. Hiện ngành du lịch Thái Lan đề ra mục tiêu cố gắng đạt được 13 triệu lượt khách. Xuất khẩu cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan, với các sản phẩm chủ yếu là vải sợi, giầy dép, hải sản, gạo. Hoạt động này chỉ có thể phát triển trong môi trường ổn định và cơ sở hạ tầng tốt. Đối với một số nhà phân tích, ngoài thiệt hại vật chất, hình ảnh của Thái Lan đã bị hoen ố. Từ lâu nay, đất nước này vẫn được coi là một ốc đảo ổn định, bình yên tại châu Á. Giờ đây, Thái Lan được biết đến như một quốc gia bất ổn và rủi ro chính trị cao. Hãng AFP dẫn lời Chủ tịch nhóm các phòng thương mại nước ngoài tại Thái Lan, Nandor von der Luehe, cho biết cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua rõ ràng đã tác động đến lòng tin đối với Thái Lan. Ông Luehe không tin là giới doanh nhân nước ngoài sẽ rút vốn ra khỏi Thái Lan, nhưng để thu hút thêm đầu tư mới sẽ rất khó vì cần rất nhiều thời gian để tạo dựng lòng tin và uy tín. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij cũng thừa nhận mặc dù các điểm du lịch nổi tiếng cách xa thủ đô, nhưng các cảnh bạo lực, xô xát, đập phá trên đường phố Bangkok có tác động xấu đến hình ảnh một quốc gia vốn vẫn được coi là đất nước của những nụ cười. Một nhân viên phụ trách tiếp thị thuộc một tập đoàn khách sạn lớn tại Thái Lan cho biết các đối tác nước ngoài không dám đưa khách đến Thái Lan khi xem vô tuyến chỉ thấy máu, lửa và bạo lực. Trong khi đó, chuyên gia Supavud Saicheua, thuộc công ty tư vấn Thái Lan Phatra Securities tỏ ra lạc quan hơn vì cao điểm của mùa du lịch sẽ bắt đầu vào tháng 10. Như vậy, vẫn còn 3-4 tháng nữa để thuyết phục các tập đoàn du lịch đưa khách đến. Chủ tịch Liên hiệp các ngành công nghiệp Thái Lan, Payungsak Chartsutipol khẳng định các nhà đầu tư đã quen với kiểu khủng hoảng như vậy, mọi lo lắng sẽ nhanh chóng qua đi. Tuy nhiên, giới quan sát có thái độ thận trọng hơn trong bối cảnh tình hình chính trị Thái Lan vẫn chưa có lối thoát. Phe Áo đỏ tuy phải rút khỏi Bangkok nhưng đe dọa tiếp tục chiến dịch biểu tình vào tháng tới để đòi tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài và lan rộng ra các địa phương, không chỉ kinh tế trong năm nay bị thiệt hại mà toàn bộ thành quả phát triển trong nửa thế kỷ qua của Thái Lan có nguy cơ tiêu tan./. Phương Linh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=17&newsid=221618