Thái Lan đối mặt nguy cơ bất ổn mới

(Toquoc)-Thái Lan đứng trước nguy cơ xảy ra những bất ổn xã hội mới khi phe ủng hộ và phản đối cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bước vào “trận chiến mới” liên quan đến một dự luật nhằm ân xá cho các bên kể từ sau cuộc đảo chính năm 2006.

Theo dự luật mới do các nghị sĩ đảng Vì nước Thái đề xuất, những người ủng hộ phe Áo Đỏ, vốn đang bị giam giữ vì phản đối chính quyền trong khoảng thời gian từ ngày 19/9/2009 đến ngày 20/5/2010, cần được ân xá. Tuy nhiên, dự luật này sẽ không tìm cách ân xá cho những nhà lãnh đạo các cuộc biểu tình bị cáo buộc vi phạm luật pháp. Những người lãnh đạo biểu tình được định nghĩa là những “người có quyền ra lệnh cho phong trào biểu tình hoặc ra quyết định thay mặt phong trào biểu tình”.

Dự luật này dự kiến sẽ được đưa ra tranh luận tại Quốc hội trong tuần này, và tất nhiên phe phản đối chính phủ hiện nay cho rằng mục tiêu chính của dự luật là nhằm giúp cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra được ân xá và trở về Thái Lan. Vấn đề liên quan tới ông Thaksin luôn là một vấn đề nhạy cảm và chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột xã hội.

Khoảng 4.000 người biểu tình tụ tập ở công viên Lumpini ngày 4/8

Có nhiều câu hỏi về việc ông Thaksin có phải là người lãnh đạo các cuộc biểu tình hay không bởi khi đó ông liên tục xuất hiện trước những người biểu tình thông qua cầu truyền hình, nhưng ông Thaksin không trực tiếp tham gia lãnh đạo người biểu tình như ông Kokaew Pitkulthong, hiện là nghị sĩ của đảng Vì nước Thái. Ông Thaksin cũng được cho là người cung cấp nguồn tài chính cho các cuộc biểu tình, nhưng ông Kokaew khẳng định tiền dùng cho các cuộc biểu tình lấy từ nhiều nguồn. Như vậy ông Thaksin không được coi là thủ lĩnh của các cuộc biểu tình vì không trực tiếp tham gia dưới bất kỳ hình thức nào và ông ta sẽ được ân xá theo dự luật nói trên.

Tuy nhiên, những người phản đối thì cho rằng đây là một trong những hình thức nhằm xóa tội cho ông Thaksin và họ đã kêu gọi các cuộc biểu tình nhằm ngăn chặn việc Quốc hội thông qua dự luật ân xá đó.

Chính phủ Thái Lan đã phải ban bố luật an ninh nội địa (ISA) tại ba quận huyện nội đô Bangkok, theo đó chặn một số tuyến đường hay phương tiện cụ thể, áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập, tiến hành kiểm tra các tòa nhà...

Tòa nhà chính phủ Thái Lan cũng được tăng cường an ninh tối đa bằng các rào thép gai và lực lượng an ninh ở tất cả các cổng ra vào. Cảnh sát Bangkok đã triển khai 11 đại đội tại ba quận hành chính ở thủ đô nhằm đối phó với những nguy cơ bất ổn có thể xảy ra.

Suốt tuần qua, tin đồn về khả năng đảo chính và xung đột lan truyền trên mạng, khiến người dân hoang mang. Nhiều người đã tích trữ lương thực thực phẩm và tiền mặt đề phòng tình huống khẩn cấp.

Cũng trong ngày hôm nay, quân đội Thái Lan cũng đã bác tin đồn về cuộc đảo chính này.

Bất chấp các biện pháp thắt chặt an ninh của chính quyền, hàng nghìn người phản đối chính phủ đã bắt đầu cuộc biểu tình tại một công viên ở Bangkok từ chiều 4/8. Người phát ngôn của cảnh sát Bangkok ngày 5/8 cho biết cuộc biểu tình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Theo người phát ngôn này, cảnh sát đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến cũng như thu thập các thông tin về những người biểu tình và thủ lĩnh của phong trào này.

Dự kiến lượng người tham gia cuộc biểu tình có thể tăng lên vào ngày 6/8, một ngày trước khi Quốc hội bắt đầu xem xét dự luật trên./.

V.V

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/8/o-cua-chau-a/118328/thai-lan-doi-mat-nguy-co-bat-on-moi.aspx