Thái Lan: Đóng cửa Bangkok, rồi sao nữa?

Vào những ngày này, kế hoạch biểu tình “đóng cửa Bangkok” đã được triển khai. Người biểu tình phe áo vàng tràn ngập Bangkok đòi phế truất chính phủ dân cử và lập một “hội đồng nhân dân” phi dân chủ. Nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch biểu tình “đóng cửa Bangkok” rồi chẳng dẫn đến đâu, nhưng chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan.

Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha cho đến nay vẫn duy trì thái độ trung lập trước tin đồn đảo chính.

Bangkok đóng cửa

Báo chí đưa tin: Từ sáng ngày 13/1, chiến dịch biểu tình "đóng cửa Bangkok" đã được triển khai. So với kế hoạch ban đầu thì người biểu tình chỉ chiếm đóng, bít chặt 7 nút giao thông quan trọng nhất Bangkok (so với 20 nút giao thông như kế hoạch ban đầu).

Ngoài ra, các tuyến đường lớn cũng được bịt kín. Hàng trăm ngàn người biểu tình dựng lều và chướng ngại vật bằng bao cát và xe buýt chắn ngang các tuyến đường quan trọng dẫn vào trung tâm thủ đô Bangkok nhằm "đóng cửa", làm tê liệt mọi hoạt động của Bangkok.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban hôm 13/1 tiếp tục tuyên bố rằng, ông ta sẽ chỉ đạo "nhân dân" biểu tình cho đến khi nào chính phủ của bà Yingluck từ chức, chấm dứt tình trạng tham nhũng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách toàn diện cho Thái Lan. Ông Suthep cũng tuyên bố ủng hộ đảng đối lập Dân chủ tẩy chay cuộc bầu cử ngày 2/2 tới, đồng thời kêu gọi thành lập một "hội đồng nhân dân". Vấn đề trọng tâm phản đối của người biểu tình không có gì mới.

Mục tiêu của người biểu tình vẫn là chuyện phản đối việc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tiếp tục gây ảnh hưởng lên chính trường Thái Lan, và buộc tội Thủ tướng Yingluck làm "con rối" cho anh trai mình. Người biểu tình cũng giữ nguyên lập luận chắc nịch như ban đầu: chính phủ của bà Yingluck phải ra đi, triều đại Shinawatra phải kết thúc và biến mất khỏi đời sống chính trị Thái Lan.

Trong khi lực lượng "áo vàng" chống chính phủ chiếm đóng Bangkok, lực lượng "áo đỏ" ủng hộ chính phủ của bà Yingluck cũng không chấp nhận ngồi yên. Họ cũng tổ chức biểu tình ở khu vực phía Bắc Bangkok để phản đối phe đối lập chống chính phủ và phản đối hành động "đóng cửa Bangkok" của phe áo vàng. Mặc dù cả hai phe đều biểu tình trong hòa bình, nhưng giới quan sát vẫn lo ngại đụng độ có thể xảy ra bất cứ lúc nào một khi "ranh giới" biểu tình của hai phe gặp nhau và xô xát.

Thực tế, đã bắt đầu có những dấu hiệu nguy hiểm có thể châm ngòi cho bạo lực, khi xuất hiện một số tay súng bịt mặt đi xe máy xả súng vào đám đông biểu tình khiến một số người bị thương vào trưa ngày 13/1. Sự việc khiến cho người ta nhớ lại những vụ đụng độ bạo lực giữa hai phe biểu tình chống và ủng hộ chính phủ vào đầu tháng 12/2013, từ đó đến nay đã có tổng cộng 8 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Cuộc biểu tình "đóng cửa Bangkok" hiện tại đang gây ra những tác động không nhỏ về mặt kinh tế - xã hội tại thủ đô Bangkok. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, trường học đã đóng cửa trong ngày 13/1, một số tuyến xe buýt đi vào trung tâm Bangkok cũng bị hủy do các tài xế e ngại gặp phải các "chiến lũy" của người biểu tình.

Cảnh sát Thái Lan cho biết, 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trụ sở cứu hỏa, hàng chục nghìn lượt xe cộ lưu thông tại các khu vực biểu tình cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng này có khả năng sẽ tiếp diễn không chỉ trong ngày 14 và 15/1 mà nhiều ngày sau nữa vì người biểu tình đã tuyên bố sẽ cắm trại, "đóng cửa Bangkok" cho đến khi nào chính phủ của bà Yingluck từ chức, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ chấp nhận đàm phán với chính phủ để giải tỏa khủng hoảng.

Ngành du lịch Thái bị ảnh hưởng nặng nhất, với việc nhiều tuyến, tour du lịch đến Bangkok đã bị hủy do lo ngại tình hình bất ổn tại đây. Do bị người biểu tình đóng cửa trụ sở làm việc, giới chức và nhân viên các bộ ngành của Chính phủ Thái Lan đã phải làm việc từ nhà riêng hoặc các văn phòng vệ tinh.

Người biểu tình đóng cửa Bangkok.

Trong khi đó, ở các khu vực nông thôn miền Bắc Thái Lan, hàng nghìn người ủng hộ Thủ tướng Yingluck cũng xuống đường biểu tình để ủng hộ chính phủ, phản đối người biểu tình ở Bangkok. Từ trước đến giờ giới thượng lưu Bangkok tham gia biểu tình chống chính phủ vẫn miệt thị dân miền Bắc là "bọn nông dân thất học", kém hiểu biết.

Trong một phát biểu với báo chí hồi tháng 12/2013, Chitpas Bhirombhakdi, chủ Hãng bia Boon Rawd Brewery với các thương hiệu bia danh tiếng Sangha và Leo ở Thái Lan, đồng thời là một trong những thủ lĩnh biểu tình ở Bangkok, đã buột miệng chỉ trích người dân vùng thôn quê miền Bắc "thiếu hiểu biết thật sự về dân chủ".

Ngay lập tức, người miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan đã phản kích bằng một chiến dịch tẩy chay bia Sangha và bia Leo. Kwanchai Praipana, lãnh đạo phong trào áo đỏ ủng hộ Chính phủ Thái Lan tuyên bố mục đích của chiến dịch tẩy chay là muốn gửi một thông điệp đến các công ty, doanh nghiệp có dính líu đến người biểu tình chống chính phủ rằng, người thôn quê Thái Lan có thể chiến đấu bằng lá phiếu bầu cử, đồng thời họ cũng có thể “chiến đấu bằng túi tiền” của họ.

Dư luận giới quan sát đang có những lời đồn đoán về việc quân đội có khả năng lại làm cuộc đảo chính. Thường thì, mà gần nhất là cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin Shinawatra, anh trai bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra, chỉ cần có cuộc biểu tình rầm rộ của khoảng trăm nghìn người dân, gây bất ổn cho tình hình an ninh và các hoạt động đời sống ở Bangkok là quân đội đã có thể xem xét khả năng làm đảo chính. Đây là điều mà phe đối lập chống lại sự lãnh đạo của bà Yingluck đang rất mong muốn.

Thực ra, biểu tình đóng cửa Bangkok chỉ là hành động bề mặt. Điều mà ông Suthep đang muốn kích hoạt chính là hành động "truyền thống" của quân đội Thái: làm đảo chính. Tuy nhiên, báo chí Thái Lan và khu vực đều nhận định rằng, quân đội đang có thái độ lưỡng lự, chưa quyết định can thiệp.

Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha đã phát biểu với chí rằng, hiện tại quân đội không muốn bị lôi cuốn vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Miền Nam bất ổn

Tình hình rối ren tại Bangkok đang để lộ ra khoảng trống an ninh nguy hiểm ở các tỉnh biên giới miền Nam Thái Lan, nơi hơn 10 năm qua là mảnh đất đầy bất ổn về an ninh. Cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo ly khai sắc tộc Malay đã từng gây ra nhiều vụ đánh bom khủng bố không chỉ ở các tỉnh miền Nam, mà còn mở rộng vào các khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, như Pattaya, Phuket.

Thủ tướng Yingluck trước sức ép từ chức.

Mặc dù quy mô các cuộc tấn công khủng bố đó chưa đến mức độ nghiêm trọng như những vụ do bọn thánh chiến cực đoan gây ra, nhưng cũng đủ để gây bất an cho nhiều người, nhất là các đối tượng mục tiêu tấn công như người theo đạo Phật, Thiên Chúa giáo, du khách vãng lai người nước ngoài tại các khu du lịch, và các đồn cảnh sát, lực lượng được xem là đại diện cho quyền lực nhà nước tại khu vực.

Gần đây nhất là vụ đánh bom xe xảy ra vào dịp Giáng sinh 2013 ở thị trấn biên giới Sadao thuộc tỉnh Songkhla làm 27 người bị thương. Ngay sau vụ nổ bom này, an ninh Thái Lan đã phát hiện thêm một xe bom nữa chuẩn bị kích nổ tại khu nghỉ mát Phuket.

Từ những vụ việc này, giới chức an ninh trong khu vực cho rằng, do phần lớn sự chú ý hiện tại ở Thái Lan đều dồn hết cho tình hình bất ổn chính trị ở Bangkok, miền Nam đang bị bỏ ngỏ và là cơ hội cực tốt cho thành phần nổi dậy Hồi giáo Malay mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2014/1/82376.cand