Thái Lan: khổ vì gạo!

(TBKTSG Online) - Chương trình mua gạo giá cao của nông dân đang gây nguy hiểm cho ngân sách và làm sút giảm uy tín của Chính phủ Thái Lan, nhưng từ bỏ nó không phải là chuyện dễ.

Thái Bình

Ảnh: Thái Lan hiện tồn kho tới 18 triệu tấn gạo. Ảnh Getty Images

Tháng 8 này chính phủ Thái Lan của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã hoàn thành năm thứ hai cầm quyền, đã đi được một nửa nhiệm kỳ, nhưng bây giờ chưa phải là thời điểm ăn mừng. Hôm 7-8 tại Bangkok, hàng ngàn người chống đối anh trai Thủ tướng – ông Thaksin Shinawatra, cũng là một thủ tướng bị phế truất – đã xuống đường phản đối một dự luật mà theo đó ông Thaksin có thể được ân xá và quay về Thái Lan sau những năm tháng lưu đày. Dù làm luật là chuyện của Quốc hội song ai cũng biết, mũi dùi của cuộc phản đối nhắm vào bà Thủ tướng Yingluck, nhưng điều làm bà lo ngại hơn cả chính là nỗi thất vọng ngày càng lan rộng trong dân chúng về thành tích điều hành kinh tế của chính phủ trong hai năm qua.

Một cuộc thăm dò dư luận do Đại học Bangkok thực hiện tuần qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ Chính phủ Thái đã xuống mức thấp nhất và yếu tố chính hủy hoại uy tín của chính phủ không gì khác hơn là chương trình mua gạo giá cao – chính sách cốt lõi (flagship) của bà Yingluck. Chính sách này là cách tốt nhất để thu hút phiếu bầu của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011 nhưng chi phí thực hiện nó giờ đây đang gây nguy hiểm cả cho ngân sách của chính phủ và cho nền kinh tế Thái Lan nói chung.

Bốn mươi phần trăm dân Thái làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa. Khi vận động tranh cử, bà Yingluck cam kết nếu được bầu, chính phủ của bà sẽ mua lúa trực tiếp từ nông dân với giá gấp đôi giá thị trường, khoảng 15.000 baht, tương đương 500 đô la Mỹ, mỗi tấn. Như vậy, nông dân sẽ có thêm tiền và nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ được kích thích.

Những người phản đối đã cảnh báo cái giá đắt khủng khiếp của chương trình này, nhưng các cố vấn của bà Yingluck trấn an rằng, nếu Chính phủ Thái giữ gạo lại trong kho thì giá gạo trên thị trường quốc tế sẽ được đẩy lên cao. Do Thái Lan là nước xuất khẩu gạo hàng đầu nên chính phủ Thái có thể thu lợi về sau, khi bán gạo dự trữ ra thị trường với giá cao!

Quả là một lý thuyết kỳ dị! Trong thực tế, do giá bị đẩy lên cao, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm mạnh, giảm khoảng 4 triệu tấn, hay 30%, ngay trong năm đầu tiên thực hiện chương trình. Ấn Độ và Việt Nam nhanh chóng truất ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu gạo mà Thái Lan giữ mấy chục năm qua. Do không bán được gạo, Chính phủ Thái Lan bị buộc phải lưu kho tới 18 triệu tấn, bằng một nửa tổng lượng gạo buôn bán hằng năm trên thị trường toàn cầu. Gạo chất đầy kho nhưng Chính phủ Thái vẫn phải tiếp tục mua gạo giá cao của nông dân và như vậy ngay trong năm đầu tiên Thái Lan đã phải bỏ ra 12,5 tỉ đô la Mỹ; năm nay con số dự kiến là 15 tỉ đô la Mỹ, tương đương 4% GDP của Thái, chưa kể chi phí về hành chính, hậu cần và chi phí xây dựng kho chứa để thực hiện chương trình này.

Lại thêm nỗi lo về chất lượng gạo. Ngoài việc gạo tồn trữ bị giảm chất lượng theo thời gian còn có nhiều ý kiến nghi ngờ gạo tồn kho của Thái Lan bị pha trộn những loại gạo phẩm cấp thấp: các gian thương và quan chức tham nhũng bị nghi ngờ đã buôn lậu hàng ngàn tấn gạo giá rẻ từ Myanmar và Campuchia vào Thái Lan để thu lợi từ chương trình trợ giá của chính phủ và số “gạo lậu” này cũng được pha trộn với gạo thơm Hom Mali của Thái. Nếu những nghi ngờ này là có thật thì chất lượng và uy tín của gạo Thái sẽ bị tác hại không nhỏ và lâu dài.

Có lẽ do lo ngại chất lượng gạo, người mua đã không hào hứng tham gia các đợt bán đấu giá gạo của Chính phủ Thái. Trong đợt đấu giá gần đây nhất, Thái Lan chỉ bán được 210.000 tấn trong số 1 triệu tấn gạo chào bán. Nhưng, theo ông Vichai Sriprasert, một nhà buôn gạo và chủ công ty Riceland International, Thái Lan chưa thể bán gạo được vì người mua còn có ý chờ đợi để buộc Chính phủ Thái Lan phải bán gạo tồn kho với bất cứ giá nào mà thị trường cảm thấy có lợi nhất.

Rõ ràng, chương trình mua gạo giá cao của Chính phủ Thái Lan là một thất bại song do đã đặt nhiều vốn liếng chính trị vào đó, Thủ tướng Yingluck vẫn kiên quyết theo đuổi nó. Mới đây, bà Yingluck đã thử điều chỉnh chính sách, giảm giá mua gạo từ 15.000 baht xuống 13.500 baht mỗi tấn nhưng điều đó gây phẫn nộ cho nông dân – thành phần cử tri chính yếu của bà và ngay sau đó bà đã cho phục hồi lại giá mua gạo như trước. Chính phủ Thái Lan cũng tất bật tìm kiếm các hợp đồng bán gạo cấp chính phủ nhưng chỉ có Chính phủ Iran mua khoảng 250.000 tấn, chẳng thấm vào đâu so với kho gạo khổng lồ của Thái Lan.

Trong khi đó, thông tin hàng ngày về sự kém cỏi và tham nhũng của các cơ quan điều hành chương trình mua gạo càng xói mòn niềm tin của người dân và khiến giới đầu tư phiền muộn về hậu quả của chương trình này đối với ngân sách của Thái Lan. Nợ công của Chính phủ Thái đang tăng nhanh và mới đây, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s Investor Services đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro mà chương trình mua gạo có thể gây ra cho nền tài chính của đất nước Thái.

(theo The Economist)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/thegioi/hoso/101091/