Thái Lan quyết tâm tái cấu trúc ngành lúa gạo

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu Bộ Thương mại nước này khẩn trương giải phóng hết lượng gạo tồn kho do chi phí lưu giữ qua lớn, lên tới hơn 1 tỷ bạt mỗi tháng, đồng thời đặt ra những kế hoạch cho ngành lúa gạo.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tại hội nghị quốc tế lúa gạo

Theo nhật báo The Nation, phát biểu tại hội nghị quốc tế lúa gạo ở thủ đô Bangkok kéo dài 3 ngày (từ 29-31/5) quy tụ đại biểu từ trên 40 quốc gia, một sự kiện được coi là có mục đích thay đổi nhận thức và ghi nhận những tiến bộ mới trong ngành công nghiệp lúa gạo trong giai đoạn mới, Thủ tướng Prayut đã nhấn mạnh đến sự cấp bách của việc giải phóng lượng gạo đang tồn trữ trong nước.

Ngoài ra, người đứng đầu chính phủ quốc gia lúa gạo hàng đầu thế giới cũng tạo sức ép lên ngành sản xuất lương thực trong nước phải tạo ra giá trị cao trong vòng 2-3 năm tới.

Theo Bangkokpost, tính đến thời điểm này, Bộ Thương mại mới bán được khoảng 13 triệu tấn trong tổng số 18 triệu tấn gạo trong hệ thống kho chứa trên cả nước, đạt trị giá trên 100 tỷ bạt.

Hôm qua, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Apiradi Tantraporn, giá lúa gạo đã nhích lên sau khi Thủ tướng chỉ đạo giải phóng hàng tồn kho vạ hiện số lượng tồn chỉ còn khoảng 2 triệu tấn.

Tại hội nghị , ông Prayut cũng mổ xẻ những nguyên nhân gây nên sự suy giảm giá trị lúa gạo, nhất là tệ nạn tham nhũng trong quá trình cam kết thu mua lúa gạo thời chính phủ tiền nhiệm và hiện vẫn còn để lại những hậu quả chưa thể khắc phục. Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng, phải bán hết lượng gạo đang tồn kho hiện nay mới có thể giải quyết được vấn đề gạo bị “làm giá” gây méo mó thị trường.

“Riêng chi phí bảo quản dự trữ lúa gạo, hiện mỗi tháng chính phủ phải bỏ ra hơn 1 tỷ bạt. Đây chính là nút thắt cần phải tháo gỡ ngay trong nhiệm kỳ này, tránh tạo thêm gánh nặng kéo dài cũng như để thị trường gạo trở lại cơ chế vận hành bình thường”, ông Prayut cho biết.

Theo Thủ tướng Thái Lan, bước tiếp theo là gia tăng giá trị cho sản phẩm gạo trong nước, trở thành quốc gia dẫn dắt giá cả mặt hàng gạo của thế giới. Và một kế hoạch có tính chiến lược dài hơi cho ngành công nghiệp lúa gạo của Thái Lan được đề ra là 20 năm. Theo đó, kế hoạch này bao gồm tái cấu trúc sản xuất; giảm diện tích canh tác lúa; cân đối giữa sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu và cuối cùng giúp nông dân sống được nhờ lúa gạo một cách bền vững.

Theo các chuyên gia, các nước trong khu vực Đông Nam Á trồng lúa thời gian tới cần quan tâm hơn đến việc chuyển đổi từ trồng lúa để bán sang trồng lúa thu lợi nhuận cao, hạn chế thâm canh gối vụ liên tục làm suy thoái đất.

Ông Prayut cũng cho biết, Thái Lan đang cố gắng kết nối với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Camphuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để xây dựng một thị trường lúa gạo lành mạnh, giúp các quốc gia và người dân trồng lúa trong vùng gắn kết hơn nữa theo hướng cùng hợp tác hưởng lợi hơn là cạnh tranh với nhau, điều này bao gồm cả hệ thống quản lý cũng như khu vực kinh doanh các khối công và tư.

Thủ tướng Prayut cũng cho rằng, nông dân nên thay đổi nếp nghĩ để có thể nhìn thấy thêm nhiều cơ hội từ hạt gạo trong xu thế tiêu dùng hiện nay như có thể chế biến thành mỹ phẩm và các sản phẩm cao cấp khác.

Đề cập đến bản hợp đồng bán gạo cấp chính phủ G2G giữa Thái Lan và Trung Quốc, Thủ tướng Prayut cho biết, hiện vẫn chưa có tiến triển nào đột phá do nảy sinh nhiều vấn đề trong đàm phán song phương.

AN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thai-lan-quyet-tam-tai-cau-truc-nganh-lua-gao-post195189.html