Thái Lan: Tranh cãi về vấn đề bãi nhiệm cựu quan chức chính trị

VOV.VN - Vấn đề này có thể sẽ là "ngòi nổ" làm bùng phát những mâu thuẫn, chia rẽ chính trị - xã hội mới ở Thái Lan.

Ngày 5/10, báo chí Thái Lan đưa nhiều tin bài phản ánh dư luận chính giới và xã hội Thái Lan về một chủ đề "nóng" đang gây tranh cãi trên chính trường Thái Lan. Đó là vấn đề Hội đồng lập pháp quốc gia có quyền hạn bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị hay không?

Cách đây ít ngày, Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan đã tái khẳng định sẽ đề nghị Hội đồng lập pháp quốc gia xem xét bãi nhiệm đối với cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom, vì hai nhân vật này vi phạm điều 68 của Hiến pháp năm 2007 liên quan việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp này.

Đồng thời lãnh đạo Hội đồng lập pháp quốc gia cũng cho rằng họ có quyền bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị dựa theo Hiến pháp tạm thời năm 2014 do Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia ban hành. Ủy ban chống tham nhũng còn dự định sẽ đề nghị Hội đồng lập pháp quốc gia bãi nhiệm nhiều cựu hạ nghị sỹ và cựu thượng nghị sỹ, kể cả cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra do họ vi phạm Hiến pháp năm 2007.

Cựu Thủ tướng Thái Lan bị bãi nhiệm Yingluck Shinawatra (Ảnh CNN)

Tuy nhiên, dư luận chính giới Thái Lan, nhất là các thành viên đảng Vì nước Thái đã phản đối mạnh mẽ. Họ nhấn mạnh rằng, việc bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị phải dựa theo Hiến pháp năm 2007; nhưng bản Hiến pháp này đã bị Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia hủy bỏ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5.

Do đó, Hội đồng lập pháp quốc gia không có cơ sở pháp lý nào để bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị. Đặc biệt, Hiến pháp lâm thời 2014 không có điều khoản nào quy định Hội đồng lập pháp quốc gia có quyền hạn bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị.

Ban lãnh đạo đảng Vì nước Thái vừa cho biết, họ sẽ kiến nghị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về việc Hội đồng lập pháp quốc gia có quyền bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị hay không.

Đáng chú ý, hồi tháng 08 vừa qua, chính Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng ra thông báo đình chỉ xem xét các vụ khiếu kiện vi phạm Hiến pháp Thái Lan năm 2007, vì Hiến pháp này đã bị hủy bỏ.

Trong khi đó, nhiều học giả và chuyên gia pháp luật của Thái Lan cũng có ý kiến không đồng tình với việc Hội đồng lập pháp quốc gia xem xét bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị. Họ cho rằng một khi Hiến pháp năm 2007 hết hiệu lực thì các vụ việc liên quan đến Hiến pháp này cũng bị vô hiệu.

Hiến pháp tạm thời năm 2014 quy định Hội đồng lập pháp quốc gia có chức năng như Quốc hội lâm thời; song Hội đồng lập pháp quốc gia chỉ có quyền hạn giải quyết những vấn đề bình thường về pháp luật; trong khi quyền bãi nhiệm quan chức chính trị là vấn đề đặc biệt, phải được Hiến pháp hiện hành quy định rõ ràng, cụ thể.

Một số ý kiến còn đề cập việc Hội đồng lập pháp quốc gia không đại diện cho nhân dân mà là do ban lãnh đạo đảo chính quân sự lập ra, nên Hội đồng lập pháp quốc gia không có tư cách chính đáng để bãi nhiệm các cựu quan chức là đại diện của nhân dân, được nhân dân bầu ra.

Các diễn biến của dư luận chính giới và xã hội Thái Lan đã tác động không nhỏ tới Hội đồng lập pháp quốc gia nước này. Một số lãnh đạo của Hội đồng lập pháp quốc gia thừa nhận việc xem xét bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị cần phải thận trọng, vì vấn đề này sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có cơ sở pháp lý vững chắc.

Trong khi đó, nội bộ Hội đồng lập pháp quốc gia cũng đang phân hóa thành hai phe ủng hộ và phản đối bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị.

Bên cạnh đó, dư luận xã hội Thái Lan nói chung cho rằng, việc bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị (trong đó đa số là thành viên của đảng Vì nước Thái và các đảng liên minh), là vấn đề rất nhạy cảm.

Nếu Hội đồng lập pháp quốc gia không xử lý công tâm, theo đúng khuôn khổ pháp luật, thì có thể đó sẽ là "ngòi nổ" làm bùng phát những mâu thuẫn, chia rẽ chính trị - xã hội mới ở Thái Lan./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/thai-lan-tranh-cai-ve-van-de-bai-nhiem-cuu-quan-chuc-chinh-tri-356247.vov