Thái Nguyên: Doanh nghiệp tốn tiền tỉ khi người lao động nghỉ việc

Nhiều doanh nghiệp (DN) các ngành khai khoáng, luyện thép hay ximăng ở Thái Nguyên đã gặp khó khăn trong sản xuất lại càng khốn khó hơn khi hàng loạt người lao động (NLĐ) nộp đơn nghỉ việc trước hạn. Nếu giải quyết, DN sẽ phải chi hàng tỉ đồng trợ cấp, đồng thời mất đi một nguồn nhân lực rất giàu kinh nghiệm.

Một số DN gặp khó khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ hàng loạt.

Nghỉ việc hàng loạt

Khi DN gặp khó khăn, việc làm không ổn định thì lượng NLĐ ký HĐLĐ không xác định thời hạn viết đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn càng tăng lên. Như ở Cty CP gang thép Thái Nguyên, đã có gần 300 NLĐ viết đơn xin nghỉ việc. Theo quy định của pháp luật, DN sẽ phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ và con số này là không hề nhỏ.

Trước hết, phải khẳng định việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn mà nhiều NLĐ đang tiến hành là quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Vì vậy, DN đứng trước bài toán khó là vừa phải đảm bảo quyền lợi cho NLĐ nghỉ việc trước thời hạn, vừa đảm bảo được nguồn vốn để tạo việc làm cho những NLĐ còn lại.

Còn ở Cty TNHH MTV kim loại màu Thái Nguyên, khi cao điểm có đến trên 300 LĐ mất việc. Cty phải cho NLĐ nghỉ luân phiên, nhiều người đã nộp đơn xin chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Theo tính toán, số tiền để Cty chi trả các chế độ cho NLĐ lên đến hàng tỉ đồng.

Theo CĐ Cty CP gang thép Thái Nguyên, tính đến tháng 6 đã có 190 LĐ thuộc 17 đơn vị có quyết định chấm dứt HĐLĐ với số tiền trợ cấp Cty phải trả trên 9,2 tỉ đồng. Đây là gánh nặng tài chính đối với Cty trong bối cảnh hiện nay. Chưa kể, NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng đều là những LĐ lâu năm, có kinh nghiệm. Do đó, Cty lo lắng khi khôi phục sản xuất, sẽ thiếu hụt nhân lực.

Chia sẻ khi khó khăn

Ông Nguyễn Đức Bính - Chủ tịch CĐ Cty TNHH MTV kim loại màu Thái Nguyên - cho hay: “Trong bối cảnh như vậỵ, cần phải có chính sách để NLĐ có thu nhập và giải quyết từng bước đối với NLĐ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, chứ thực hiện một lúc rất khó”. CĐ Cty đã phối hợp cùng lãnh đạo Cty trình phương án bố trí, sắp xếp lại LĐ năm 2013.

Theo đó, NLĐ sẽ làm việc luân phiên, một số LĐ có thể nghỉ việc và hưởng mức trợ cấp bằng mức lương tối thiểu đến khi có việc sẽ quay trở lại làm việc. Cty ban hành Quyết định về việc giải quyết chế độ chấm dứt HĐLĐ cho 67 LĐ với tổng số tiền chi trả 5,1 tỉ đồng. Theo LĐLĐ Thái Nguyên, đây là đơn vị đi đầu trong công tác sắp xếp, bố trí lao động dôi dư và chăm lo quyền lợi hợp pháp chính đáng cho NLĐ.

Còn ở Cty CP gang thép Thái Nguyên, CĐ cùng lãnh đạo các đơn vị đã tổ chức các cuộc đối thoại lắng nghe ý kiến và vận động NLĐ cùng chia sẻ với khó khăn của đơn vị. Trên thực tế, đã có nhiều NLĐ đồng ý quay trở lại làm việc tại DN.

Ông Ngô Việt Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên - cho biết: “NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng quy định pháp luật thì NSDLĐ phải chấp hành. Tuy nhiên, có thực trạng DN thực sự khó khăn chưa thể chi trả các khoản trợ cấp cho NLĐ. Khi đó, CĐCS nên tuyên truyền, vận động NLĐ cùng chia sẻ với đơn vị và phối hợp với chuyên môn tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ”. Ông Hà biết thêm, bên cạnh các DN khó khăn cũng có một số DN cố ý không thực hiện khiến NLĐ không chốt được sổ BHXH, thậm chí có biểu hiện trây ỳ không trả cho NLĐ. Những trường hợp này CĐ cần tích cực vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/thai-nguyen-doanh-nghiep-ton-tien-ti-khi-nguoi-lao-dong-nghi-viec/130875.bld