Thái Nguyên: Khởi sắc sau 3 năm thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế

Sau 3 năm thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế - xã hội của tỉnh miền núi Thái Nguyên đã có những khởi sắc. Các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường và sản xuất hàng xuất khẩu, giữ vững thị trường truyền thống, ổn định với các mặt hàng kim khí, giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,6%/năm.

Năm 2010, Thái Nguyên phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 81 triệu USD (tăng gần 24% so với năm 2009), trong đó xuất khẩu địa phương là 65 triệu USD. Hiện nay, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Thái Nguyên là Pakistan, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Malaixia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nhật... với các mặt hàng chè búp khô, dệt may, quặng các loại, giấy, đũa tre, dụng cụ cầm tay, dụng cụ y tế... Thái Nguyên tập trung khai thác và xuất khẩu mặt hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ, hiện đang dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng như của Thái Nguyên. Năm 2009, giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Thái Nguyên đạt gần 37 triệu USD, dự kiến năm 2010 đạt 45 triệu USD. Cùng với xuất khẩu, giá trị kim ngạch nhập khẩu của Thái Nguyên tăng bình quân 3,5%/năm với các mặt hàng chủ yếu là là phôi thép, phụ liệu ngành may, hàng tiêu dùng... Năm nay, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh phấn đấu đạt 160 triệu USD. Sau 3 năm thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường thương mại trên địa bàn Thái Nguyên diễn ra khá tốt, lưu thông hàng hóa theo chiều hướng tích cực. Là một trong những đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, thành phố Thái Nguyên giữ vai trò đầu mối giao dịch buôn bán và là trung tâm phân phối hàng hóa nông, lâm sản, thực phẩm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hiện tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ thị trường xã hội khu vực thành phố Thái Nguyên đạt 5.810 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 125,2%/năm, mức bán lẻ bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm. Thị trường nông thôn miền núi, vùng cao của tỉnh rộng lớn và đa dạng, là nơi tiêu thụ hàng hóa vật tư nông nghiệp, hàng công nghiệp tiêu dùng và là nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm cho tiêu dùng, nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất công nghiệp. Hiện nay, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của khu vực này đạt trên 1.800 tỷ đồng, mức lưu chuyển bình quân đầu người đạt 2 triệu đồng/năm. Chương trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 đã chỉ rõ: hội nhập phải phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc. Trong giai đoạn này, mục tiêu chính của tỉnh là: tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch thích ứng với những cam kết khi gia nhập WTO; phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường; giải quyết những vấn đề an sinh xã hội sau khi gia nhập WTO; giữ vững an ninh quốc phòng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế... Để thực hiện tốt những mục tiêu trên, tỉnh Thái Nguyên đưa ra 10 giải pháp, trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức theo yêu cầu hội nhập; tăng cường năng lực quản trị kinh doanh trong các doanh nghiệp; khuyến khích thành lập và phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức chuyên môn. Thực hiện hiệu quả chương trình khuyến công, phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác; hình thành những vùng sản xuất hàng hóa gắn với quản lý quá trình tăng trưởng, chất lượng và cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất. Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, có kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, pháp quốc tế, vững về chuyên môn, giỏi về ngoại ngữ. Phát triển hệ thống dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=399375&co_id=30065