Thái Nguyên: Nghi án lập 'đường dây' bớt khẩu phần ăn của bệnh nhân tâm thần

Đây là vụ việc xảy ra tại Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên. Có nhiều bằng chứng cho thấy Giám đốc và một vài lãnh đạo Trung tâm đã bòn rút tiền ăn, nhu yếu phẩm của bệnh nhân tâm thần.

Nhập nhèm, bớt xén thực phẩm

Theo phản ánh của ông Phạm Văn Mạnh, nguyên là bảo vệ của trung tâm: Từ những năm 2000, nhiều nhân viên đã phát hiện có sự gian dối trong việc cung cấp thực phẩm phục vụ người bệnh tâm thần, theo đó, một số cán bộ đã khai khống nguyên liệu, bòn rút thực phẩm của họ. Những hành vi đáng lên án này diễn ra trong suốt cả một thời gian dài.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, ông Tạ Hồng Sơn, Trưởng phòng Tổ chức hành chính đã trực tiếp hoặc tiếp tay chế ra nhiều bảng kê mua hàng nhằm bớt xén tiền mua thức ăn cho người bệnh (chưa kể tiền thuốc và các vật dụng khác của bệnh nhân).

Với thủ đoạn lập hồ sơ, chứng từ sai, ăn chênh lệch từ khâu nhập lợn hơi đến lợn thịt, hàng tuần, thịt ngon từ lợn tăng gia được bán hết ra thị trường; còn thịt mỡ, bạc nhạc, thịt cổ… thì nhập vào nhà bếp để nấu cho người bệnh nhưng lại được ghi chép vào bảng kê mua hàng là… “thịt nạc”, để thanh quyết toán.

Đối chiếu vào bảng kê mua hàng được ông Sơn và kế toán lập, mỗi ngày, hàng chục đơn hàng thực phẩm được mua vào, trong đó chỉ tính riêng số tiền chênh lệch từ việc mua thịt lợn, đã lên đến hàng triệu đồng. Chẳng hạn, thịt lợn móc hàm giá 69.000 đồng/kg, thịt nạc 98.000 đồng/kg được lập 02 hồ sơ thanh quyết toán cho hai nhóm đối tượng (người bệnh hưởng theo quy định và người bệnh tự nguyện) lại ghi với giá 80.000 – 100.000 đồng/kg…

Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần.

Hàng ngày, hàng tuần, lợn nuôi vẫn được mổ thịt tại trung tâm nhưng lại được kê khai vào bảng kê là mua thực phẩm ngoài chợ Đán cho bếp ăn bệnh nhân, trong đó giá thịt ba chỉ, thịt nạc đều cao hơn so với giá bán ra ngay tại Trung tâm.

Ví dụ: một ngày đầu tháng 10/2015, lợn nuôi tại Trung tâm được mổ thịt bán ra, số tiền bán thịt thu về 3.745.400 đồng, nhưng trong bảng kê mua hàng do ông Tạ Hồng Sơn tự lập lại ghi 2/15 đơn hàng mua vào phục vụ bếp ăn bệnh nhân, trong đó có thịt lợn móc hàm mua ngoài chợ Đán 30 kg, đơn giá 70.000 đồng, thành tiền: 2.100.000 đồng; thịt nạc 06 kg, đơn giá 95.000, thành tiền: 570.000 đồng, với tổng số tiền của 15 đơn hàng cộng lại là 5.300.400 đồng… Cứ đều đặn như vậy, thực phẩm cho bếp ăn bệnh nhân được mua không thiếu một ngày nào trong tháng.

Bảng kê mua thực phẩm cho bếp ăn bệnh nhân do ông Sơn tự kê khai sau đó được ghi lại trên hai bảng kê mua hàng khác nhau dành cho bệnh nhân (tại Trung tâm có “bệnh nhân được hưởng theo quyết định”“bệnh nhân tự nguyện”), trong đó, bệnh nhân hưởng theo quyết định: thịt ba chỉ mua ngoài chợ Đán được ghi tăng lên là 33 kg, đơn giá 85.000 đồng, thành tiền là 2.805.000 đồng; thịt nạc 6 kg, đơn giá 100.000, thành tiền là 600.000đ. Tổng 12 đơn hàng thực phẩm mua vào là 5.945.000 đồng…

Lập “đường dây” bòn rút?

Từ năm 2015, đời sống cán bộ công nhân viên Trung tâm còn nhiều khó khăn, nhưng ông Dương Xuân Hưng, Giám đốc Trung tâm đã đưa vợ mình là bà Trần Thị Kiệm nhập lợn hơi về bán độc quyền lại cho Trung tâm.

Việc buôn bán này không hề có hợp đồng, biên bản cam kết nào. Lợn hơi được nhập với số lượng lớn mỗi lần từ 20 – 30 con nhưng bà Kiệm không trực tiếp ký nhận bàn giao, thu tiền mà lại nhờ nhân viên Nguyễn Thế Anh (khoa dinh dưỡng) đứng ra ký nhận tiền với số tiền mỗi lần lên đến vài trăm triệu đồng.

Lợn nuôi tại Trung tâm, cứ đều đặn mổ thịt 1 – 3 con vào các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần để bán. Số thịt ngon nhanh chóng được bán hết ra ngoài, còn lại thịt tạp, mỡ, bạc nhạc… thì nhập lại bếp ăn. Số tiền bán thịt do công đoàn đứng ra thu không đủ bù chi, do việc nhập lợn hơi với giá cao, chưa kể số cân chệnh lệch giữa bên bán và bên nhập.

Bà Phùng Thị Huệ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết, tất cả giấy tờ sổ sách đều qua kế toán nhà ăn, sau đó được chuyển lên cho ông Tạ Hồng Sơn, Trưởng phòng Hành chính duyệt. “Mọi việc liên quan đến đời sống như quần áo, nhu yếu phẩm ông Giám đốc Hưng giao toàn bộ cho phòng Hành chính mà trực tiếp là ông Sơn đảm nhiệm, sắp xếp. Việc cắt xén bữa ăn, nhu yếu phẩm đã được Trung tâm báo cáo bằng văn bản lên Sở LĐTBXH Thái Nguyên, đồng thời ông Giám đốc đã tự khắc phục bằng cách nộp trả 451 triệu đồng trả vào ngân sách” – bà Huệ nói.

Trao đổi với PV về vụ việc này, ông Vũ Văn Mão, Phó giám đốc sở LĐTBXH Thái Nguyên cho biết: “Sau khi có phản ánh, Sở đã lập đoàn kiểm tra và đã phát hiện ra sai phạm tại Trung tâm. Từ việc ăn chặn tiền ăn là có dấu hiệu bớt xén, hay việc đưa vợ vào tăng gia nuôi lợn là có”.

Ông Mão cho biết thêm: Bản thân ông Hưng đưa vợ vào mua bán lợn tại trung tâm là không đúng. Qua kiểm tra bữa ăn chúng tôi cũng có phát hiện ra là không đúng, không đủ như quy định. Còn việc có bớt xén thuốc hay không thì đoàn thanh tra chưa kiểm tra được do chưa có chuyên môn.

Trước tiên, chúng tôi không làm quy trình bổ nhiệm lại ông Hưng vào vị trí Giám đốc; việc xử lý thế nào, chờ kết luận của Thanh tra Nhà nước. Đây là sai phạm về mặt hành chính chứ không phải nghiệp vụ nên Giám đốc Trung tâm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” – ông Mão khẳng định.

Tuy nhiên, sai phạm của những người liên quan đến “đường dây” bòn rút, bớt xén bữa ăn của bệnh nhân tâm thần ở địa phương này liệu có được xử lý nghiêm minh không, hay chỉ “dừng” ở việc Sở LĐTBXH “không làm quy trình bổ nhiệm lại” đối với ông Hưng?

Mong UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm xem xét, xử lý vụ việc tiêu cực này theo đúng quy định của pháp luật.

Tuấn Mạnh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghi-an-lap-duong-day-bot-khau-phan-an-cua-benh-nhan-tam-than/