Thái Nguyên: Sống trên sụt đất

Hiện tượng sụt lún đất tại xóm Trại Cau (xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ) xảy ra từ 2006 có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Đời sống người dân bị đảo lộn, bà con hoang mang nhưng giải pháp của các cơ quan chuyên môn vẫn chỉ là...lập biên bản\.

MẤT RUỘNG Xóm Trại Cau nằm cạnh moong Thác Lạc 3 (moong khai thác quặng sắt của Mỏ sắt Trại Cau thuộc Cty Gang thép Thái Nguyên). Ông Lại Văn Nguyên- Trưởng xóm cho biết, hiện tượng sụt lún đất xuất hiện từ năm 2006. Đến nay, sụt lún đã xảy ra trên diện rộng với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Xóm có 130 hộ dân thì trên 100 hộ bị ảnh hưởng về hoa màu, 18 hộ bị ảnh hưởng về nhà cửa. Đưa tôi ra thực địa tại cánh đồng Trước Cửa, ông trưởng xóm giới thiệu, đây là vựa lúa của địa phương với gần 20 ha. Kể từ khi sụt lún xảy ra thì năng suất, sản lượng bị thụt giảm mạnh. Ông Nguyên giải thích, các hố sụt lún với đường kính 6 - 7m, những vết nứt rộng 5 - 6cm chạy nhằng nhịt trên đồng đã rút toàn bộ tầng nước mặt, việc canh tác vô cùng khó khăn. Hố sụt tại thửa ruộng của gia đình ông Hoàng Văn Vượng và ông Lại Văn Năm có đường kính tới 15m, sâu 3 - 4m. Ban đầu hố sụt chỉ rộng 6 - 7m nhưng đất và hoa màu bị kéo xuống dần. Vậy là 2 hộ gia đình trên đã mất ruộng canh tác. Ông Lại Văn Quý có ruộng lúa hơn 2 sào nay buộc phải chuyển sang trồng đỗ vì hố sụt đã làm ruộng biến dạng, thành hình lòng chảo, không thể tích nước. MẤT NHÀ Những hố sụt không chỉ phá hoại mùa màng mà còn tấn công nhà cửa, làm khuynh đảo đời sống người dân. Trong số 18 hộ có nhà cửa bị ảnh hưởng thì có 4 hộ đã phải bỏ nhà mà chạy. Gia đình bà Phạm Thị Bích đang sống yên ổn bỗng đâu 2 hố sụt xuất hiện cả mặt trước và phía sau ngôi nhà, kéo gần nửa sào chè của bà Bích xuống âm ty. Ngôi nhà của gia đình bà bị xô nghiêng, những vết nứt trên tường nhà ngày một rộng. Sợ quá, gia đình bà phải chạy ra đầu xóm làm nhà tạm mong thoát nạn. Còn hộ bà Trần Thị Phận, bà Dương Thị Sinh và ông Lại Văn Thái đều phải bỏ nhà, di chuyển bất đắc dĩ mà không nhận được sự hỗ trợ nào. Những hộ chưa thể chạy trốn thì sống trong tâm trạng hoang mang. Chỉ tay lên những vết nứt lồ lộ trên tường nhà, ông Diệp Văn Tuyền than thở, đêm nào nhà cũng chuyển động như ma làm vậy, nửa đêm nó cựa, nghe động là cả nhà gọi nhau dậy chạy ra ngoài vườn. Không chỉ có nhà mà công trình phụ cũng bị ảnh hưởng, ông Lại Văn Tài bức xúc nói, thủ phạm chính là việc khai thác quặng sắt do Mỏ sắt Trại Cau gây ra. Mới đây, trên dòng suối Thác Lạc đã xuất hiện 2 hố sụt lớn kéo cả bụi tre xuống hố và hút nước suối xuống. Điều đáng nói nguồn nước bị hút xuống đã chảy theo mạch ngầm và đổ vào moong Thác Lạc 3. Mỏ sắt Trại Cau vội vàng đề nghị UBND xã Cây Thị xin được lấp 2 hố sụt trên. Lời đề nghị đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân xóm Trại Cau. Theo hầu hết người dân thì việc bơm nước tháo moong Thác Lạc của mỏ sắt đã rút hết tầng nước ngầm gây nên hiện tượng sụt lún. 2 hố sụt mới chứng minh nhận định trên. Trước đây, mỏ đã lấp nhiều hố, nay tang chứng rành rành thì không thể lừa dân mãi được. BÓ TAY Ông Bàn Văn Tiên- Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết, mỗi lần có hiện tượng sụt lún các bên đều lập biên bản. Tuy nhiên, xã cũng như huyện chỉ đề xuất cơ quan chức năng truy tìm nguyên nhân chứ không thể có biện pháp nào khả dĩ. Ông Vương Văn Thanh- Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước (Sở TN- MT tỉnh Thái Nguyên) cho biết, năm 2008 phòng đã có kết luận. Theo đó, việc Mỏ sắt Trại Cau bơm tháo khô moong Thác Lạc 3 đã gấp 28 lần mức cho phép tại khu vực có nhiều hang động cactơ là một nguyên nhân quan trọng làm mất nguồn nước ngầm, dẫn tới hiện tượng sụt lún. Lãnh đạo Cty Gang thép Thái Nguyên cho rằng việc quan trắc không thuyết phục nên không nhất trí với kết luận trên. DN kết luận về tính thiếu thuyết phục trong kết luận khoa học của cơ quan chuyên môn nên không tìm ra được căn nguyên, trách nhiệm của tình trạng sụt lún. Chỉ người nông dân đã và đang chịu khổ. Mất đất, mất nhà, có thể là mất cả tính mạng như chơi.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/48/48/48/53764/default.aspx