Thái Thụy (Thái Bình): Đất cha ông sao lại cho là đất hoang?

Đất của dòng họ có truyền thống cách mạng lâu đời, sau bao năm bỗng hóa thành đất hoang vô chủ gây bức xúc trong dư luận.

Thực hiện dự án làm đường 39B, đất của dòng họ Phạm Đình ở xóm 1, thôn Minh Thành, xã Thái Tân, Thái Thụy, Thái Bình bị thu hồi là 825m2, số diện tích này nằm ven đường 39B thuộc Bản đồ 299, tờ bản đồ số 6, thửa số 164 là đất của cha ông để lại đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ bao đời nay. Trước đây, toàn bộ đất đai, tài sản của dòng họ được giao cho bà Phạm Thị The. Khi bà The mất, dòng họ họp bàn giao lại cho bà Hoàng Thị Thơ quản lý, sử dụng.

Bà Hoàng Thị Thơ phản ánh với Phóng viên.

Thời gian gần đây, vì tuổi cao, sức yếu bà Thơ không trồng cấy được, bà đã cho các cháu mượn để canh tác và trồng cây cảnh. Trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước, có 2 lần xã Thái Tân tổ chức đo đạc và xác định chỉ giới đất.

Lần thứ nhất vào năm 1981, lần thứ 2 vào năm 2006. Biết đất đai của gia đình mình không có thay đổi biến động gì, vẫn sử dụng ổn định. Do đó, cả 2 lần đo đạc và xác định chỉ giới đất, gia đình bà Thơ tin tưởng vào Chính quyền, không kiểm tra xem xét cụ thể.

Đến năm 2011, thực hiện dự án mở rộng đường 39B bà Thơ được nghe thông báo những hộ gia đình có đất mặt đường 39B thuộc diện thu hồi sẽ được đền bù. Bà Thơ không nhận được thông báo, đã lên UBND xã hỏi thì trong bản đồ địa chính không thấy tên chủ hộ. Bà Thơ đã làm đơn đề nghị xem xét thì Chủ tịch UBND xã - Lê Đình Thọ (thời kỳ đó) nói: Đây là do sơ suất của cán bộ địa chính, vì đất nhà bà lồi lõm chỗ to, chỗ bé nên chỗ còn nhiều thì tính, chỗ còn ít thì thôi.

Tin lời Chủ tịch, bà Thơ yên tâm UBND xã sẽ điều chỉnh sửa sai, đưa tên bà vào Bản đồ và sổ quy chủ. Đến ngày 10/3/2012, để xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất đối với gia đình bà Thơ, UBND xã Thái Tân đã tổ chức họp lấy ý kiến của khu dân cư. Thành phần có Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Xuân Trường, cán bộ địa chính xã - Phạm Đình Chính, Trưởng thôn - Phạm Xuân Hiển cùng đại diện các hộ sử dụng đất cùng thời điểm và 20 đại biểu hộ gia đình khu dân cư tham dự.

Tất cả đều ký và xác nhận: “Về nguồn gốc đất là của gia đình bà Phạm Thị The. Gia đình vẫn sử dụng từ trước tới nay, không có sự tranh chấp. Đề nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện giải quyết chế độ bồi thường GPMB cho gia đình bà Phạm Thị The”.

Bên cạnh đó, gia đình bà Thơ còn có giấy xác nhận của ông Nguyễn Đình Dương - Đội phó đội sản xuất, cán bộ đoàn đo đạc, Phạm Xuân Hiển - Trưởng thôn, Lê Đình Thọ - Nguyên Chủ tịch UBND xã đều khẳng định: Nguồn gốc thửa đất là ông cha để lại, gia đình bà Hoàng Thị Thơ sử dụng và đóng nghĩa vụ đầy đủ. Không đưa tên gia đình vào trong bản đồ địa chính, sổ mục kê chủ sử dụng đất là do sai sót của xã. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Biên bản xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất

Như vậy là quá rõ ràng, gia đình bà Hoàng Thị Thơ đã và đang sử dụng liên tục, ổn định mảnh đất đó trong nhiều năm chứ không phải đất bỏ hoang, vô chủ. Theo quy định, ruộng đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nhưng trong trường hợp cụ thể này, quyền sử dụng lại thuộc về gia đình bà Hoàng Thị Thơ. Nếu chưa thấy điều đó, còn nghi ngờ…thì đó là đất của ai, mà gia đình bà Thơ lại dám xâm phạm, sử dụng, lại không có sự tranh chấp, không có quyết định đình chỉ sử dụng hoặc thu hồi của chính quyền.

Năm 1993, Nhà nước đã vận động gia đình bà Thơ hiến đất để làm đường 39B, gia đình bà Thơ không hề nhận được đền bù nhưng vẫn sẵn sàng giao đất. Đến lần này, thu hồi đất để cải tạo nâng cấp đường 39B lại cũng như thế thì không thể được. Vậy xin xã, huyện và các cơ quan chức năng cho biết?

Ở xã Thái Tân ai cũng biết dòng họ Phạm Đình là dòng họ có truyền thống cách mạng, không chỉ có thế hệ cha ông tham gia kháng chiến chống Pháp mà lớp con cháu cũng có đến hàng chục người đi bộ đội và có người đã anh dũng hy sinh vì nền Độc lập tự do của Tổ quốc.

Gia đình luôn tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Dẫu biết rằng các cấp, các ngành và các cơ quan chuyên môn ở xã, huyện đã vi phạm Pháp luật về đất đai, nhưng trong tất cả các cuộc gặp gỡ và đối thoại, gia đình vẫn kiên trì yêu cầu xã, huyện cho biết: Căn cứ vào đâu năm 1980 - 1981, khi đo đạc lập bản đồ 299, sổ mục kê 299 lại nói 825m2 đất của cha ông để lại cho con cháu là “Đất hoang”? Đến bản đồ địa chính 276 thì diện tích chỉ còn 758m2 lại nói là “Đất bằng” chưa sử dụng? Vậy trước đó là đất của ai và ai là chủ sử dụng? Nếu mảnh đất đó không phải của gia đình bà Thơ san lấp, tôn tạo, trồng cấy mà là “Đất hoang” do UBND xã quản lý, thì chắc chắn xã, huyện không thể để yên hơn nửa thế kỷ như vậy.

Và cũng không thể có chữ ký của hàng chục hộ dân, các hộ liền kề, các hộ sử dụng đất cùng thời điểm, của Lãnh đạo thôn xóm, cán bộ đo đạc, của nguyên Chủ tịch UBND xã và kể cả đương kim Chủ tịch UBND xã Thái Tân đã ký đóng dấu xác nhận. Đây là một sự thật không ai có thể chối cãi và bác bỏ được.

Theo Chỉ thị 299/TTg ngày 11/10/1980 của Thủ tướng Chính phủ lập bản đồ quy hoạch chi tiết, bản đồ hiện trạng phục vụ việc giao đất cho từng chủ sử dụng đất, thì được phép sử dụng một trong các loại bản đồ địa chính, bản đồ giải thửa cũ. Thế nhưng không hiểu tại sao, khi gia đình hỏi cũng như khi làm việc với Báo chí, UBND xã Thái Tân và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thái Thụy vẫn cứ cho rằng: Gia đình bà Thơ không có tên trong bản đồ và sổ mục kê, Chủ sử dụng đất đó là UBND xã Thái Tân.

Vậy khi UBND xã Thái Tân là chủ sử dụng thì trước đó ai là chủ sử dụng? Bản đồ hành chính, sổ địa bạ cũ trước khi có bản đồ 299 thì cả xã và huyện nói không có. Rõ ràng, không có tên trong bản đồ và sổ mục kê là trách nhiệm của UBND xã Thái Tân. Những sai sót không ghi tên bà Hoàng Thị Thơ - Chủ sử dụng đất vào bản đồ 299, bản đồ đo đạc hiện trạng thửa số 276 đã được Lãnh đạo xã Thái Tân, cán bộ địa chính và những người trực tiếp thực hiện việc đo đạc, cắm mốc giới, lập bản đồ trước đây thừa nhận.

Đến bây giờ không có tên, không có giấy tờ, thì đó cũng là thửa đất mà cha ông và gia đình bà Thơ đã bỏ ra bao công sức, mồ hôi, nước mắt gần một thế kỷ, chứ có đi chiếm đoạt của ai. Chúng ta đều biết trước đây, công tác quản lý đất đai chưa được thống nhất nên Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào toàn dân tăng gia sản xuất khai hoang, phục hóa biến những vùng đất hoang hóa thành những diện tích gieo trồng thuận lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Đất thuộc diện UBND xã quản lý sao phải tổ chức cưỡng chế?

Do đó, những diện tích khai hoang, phục hóa làm gì có ai giao, đất đai bỏ hoang, bỏ hóa lau sậy, cỏ lác mọc um tùm... thì mới cần đến khai hoang, phục hóa, thì mới có phong trào “tấc đất, tấc vàng”… Nếu nói như Phó chủ tịch UBND huyện Thái Thụy (số 60/TB-VP) tại cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc công tác GPMB dự án đường 39B trên địa bàn xã Thái Tân là: “Đối với loại đất ĐH (Bản đồ 299) hoặc BCS (Bản đồ địa chính) từ ngày 15/10/1993 đến nay, đối tượng quản lý đất này là UBND xã, trừ trường hợp có văn bản của Chính quyền địa phương cho phép khai hoang, phục hóa” thì ai lại đi khai hoang “ruộng”, khai hoang “đất bằng”.

Và nói như thế nghĩa là phủ nhận công sức tôn tạo, san lấp thành ruộng cày cấy, thành đất bằng trồng cây lâu năm của người dân khi không được cấp có thẩm quyền giao - Đó là điều hết sức vô lý. Đáng lẽ, việc khai hoang, phục hóa phải được khuyến khích, hoan nghênh, không thể coi đó là “Đất hoang”, “Đất bằng” chưa sử dụng? Hơn nữa, hiện nay ở xã Thái Tân người dân cho biết có tới 90% số hộ chưa được cấp Giấy CNQSD đất, do đó lại càng không thể thu hồi đất mà không thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ cho người dân.

Về mặt Pháp lý cần thể hiện quan điểm đúng đắn, tôn trọng lịch sử của Đảng và Nhà nước, đó là công nhận quá trình sử dụng ổn định, lâu dài của công dân đối với đất đai trong một thời gian hợp lý và không có tranh chấp sẽ cấp Giấy CNQSDĐ cho người đó.

Mặt khác, tại sao Chính quyền lại không cung cấp cho gia đình bà Thơ, trích lục bản đồ địa chính và Sổ mục kê liên quan tới thửa đất qua các thời kỳ để họ có thể hiểu rõ hơn về thửa đất của gia đình mình? Tại sao không cung cấp các chứng cứ về việc quản lý thửa đất này của UBND xã Thái Tân từ trước đến nay như các giấy tờ nguồn gốc thửa đất, quyết định, giấy tờ có liên quan…để chứng minh cho nhận định Chính quyền đưa ra?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Tình hình khiếu nại, tố cáo có nguyên nhân từ những vấn đề vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB chưa được giải quyết thỏa đáng, nhiều nơi chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, chưa bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, giá đất bồi thường chưa phù hợp, thu hồi đất của dân để làm dự án chưa giải quyết hài hòa lợi ích các bên, cho nên người bị thu hồi đất bức xúc, khiếu kiện gay gắt.

Vì vậy, giải quyết khiếu nại tố cáo, cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người dân. Thủ tướng còn cho biết lúc ông còn làm Phó thủ tướng, khi giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng Quốc lộ 1 “Tôi hỏi thì người dân nói họ ở đây 40 năm rồi, nhưng cán bộ đòi giấy tờ. Người ta ở lâu như vậy thì còn cần giấy tờ gì, phải quyết cho họ chứ”.

Huống hồ gia đình bà Hoàng Thị Thơ đã ở trên mảnh đất của dòng họ Phạm Đình gần một thế kỷ.

Tòa soạn đề nghị các cấp có thẩm quyền của tỉnh Thái Bình xem xét lại trong việc đo đạc, cắm mốc giới, quy Chủ sử dụng đất đối với trường hợp gia đình bà Hoàng Thị Thơ. Đồng thời, sớm thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ diện tích đất của gia đình bà bị thu hồi theo đúng quy định của Pháp luật.

Tiến Văn/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/thai-binh-dat-cha-ong-sao-lai-cho-la-dat-hoang-p43380.html