Thảm cảnh của 2 ông chủ tiên phong đóng tàu vỏ thép tiền tỷ

Từng tiên phong đóng tàu vỏ thép hàng tỷ đồng ra khơi nhưng giờ đây ông Bé và ông Văn (ngụ Quảng Ngãi) phải chạy đi làm thuê khắp nơi mà vẫn không trả nổi món nợ.

Tháng 6, tiết trời miền Trung nắng như đổ lửa. Rời xa gia đình, ông Phan Bé (44 tuổi, ngụ huyện Đức Phổ) và ông Mai Thành Văn (46 tuổi, ngụ huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) - một thời vang danh là chủ tàu thép giờ đây phải chạy đôn, chạy đáo đi làm thuê cho các tàu cá.

Đưa tay lau vội mồ hôi nhễ nhại trên trán khi kéo lưới thuê ở cảng cá Sa Huỳnh, ông Bé ngậm ngùi không ngờ đời mình lại lâm cảnh khốn cùng thế này.

Chủ tàu vỏ thép lâm cảnh tuyệt vọng sau khi trả phương tiện

Từng là ông chủ tiên phong đóng tàu vỏ thép nhưng giờ đây ông Bé buộc phải trả lại tàu do liên tục thua lỗ, lâm cảnh tuyệt vọng phải đi làm thuê để trả nợ.

Mới 24 tuổi, chàng trai trẻ Phan Bé đã trở thành thuyền trưởng ngang dọc khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt thủy sản. Sau nhiều năm lao động vất vả, anh gom góp tiền và vay mượn thêm người thân đầu tư hai tàu gỗ công suất lớn đến 400CV vươn ra khơi xa đánh bắt thủy sản gặt hái nhiều thành công. Năm 2012, Chính phủ ban hành quyết định 1787 cho Quảng Ngãi đóng thí điểm 20 tàu vỏ thép. Tuy nhiên suốt cả năm dài chờ đợi, ông Phan Bé không thấy chương trình triển khai. Sau đó, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) mời gọi ông Bé tham gia góp vốn đầu tư đóng tàu thép mẫu.

"Khát vọng sở hữu tàu thép công suất lớn vươn khơi, tôi quyết định bán hai tàu vỏ gỗ được 1,8 tỷ đồng; đồng thời thế chấp 6 sổ đỏ đất đai của gia đình vay vốn ngân hàng, người thân thêm 2 tỷ đồng để đầu tư thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ cho tàu thép", ông Bé thuật lại.

Theo hợp đồng ký kết, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đóng mới bàn giao cho ngư dân tàu thép và máy chính... trị giá hơn 7,3 tỷ đồng được thanh toán theo hình thức trả dần theo thời gian 6 năm. Riêng ông Phan Bé đã chi hơn 4 tỷ đồng đầu tư thiết bị, ngư lưới cụ đối ứng vào tàu thép mang tên Sang Fish 01. Đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa).

Tháng 7/2014, ông Phan Bé nhận bàn giao tàu thép mang tên Sang Fish 01 có công suất 750 CV đưa vào hoạt động. Tuy nhiên ngay trong chuyến ra khơi đầu tiên, chiếc tàu ba lần gặp sự cố gãy tời dẫn đến mất lưới, chi phí khắc phục tốn kém hơn 500 triệu đồng. "Sau khi nhận bàn giao, tôi cùng anh em ngư dân ra khơi được 10 chuyến biển thì có 6 chuyến tàu gặp sự cố. Tời hỏng liên tục rồi đến máy chính bị mất tải không hoạt động được nên phải đưa tàu vào bờ khắc phục. Đến cuối năm 2015, máy chính hỏng nặng, tôi đành kéo tàu về nằm bờ vì kinh tế kiệt quệ", ông Bé than vãn.

Theo vị chủ tàu, do đơn vị đóng tàu thiết kế cabin vừa to vừa cao nên cản gió, rung lắc mạnh. Gió mới cấp 5 sóng vỗ ầm ầm không thể nào hành nghề được. Tàu bàn giao chưa lâu nhưng liên tục gặp sự cố, tổn thất nặng nề, nợ nần chồng chất nên tháng 4/2016, ông Bé quyết định trả lại cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang.

Trước đó, tháng 5/2015, ông Mai Thành Văn, chủ tàu cá Hoàng Anh 01 (tàu cá vỏ thép đầu tiên trong cả nước được hạ thủy), cũng quyết định trả lại tàu cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang.

Anh Văn bức xúc tàu thép đóng mới bàn giao ra khơi năm lần thì ba chuyến gặp sự cố phải cầu cứu tàu bạn lai dắt về bờ. Gia đình vay mượn ngân hàng hơn 2 tỷ đồng mua thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ nhưng các chuyến ra khơi liên tục lỗ nặng, vượt quá khả năng.

"Lỗi này do đơn vị đóng tàu làm sai thiết kế, không phù hợp với ngành nghề của ngư dân. Càng làm ăn càng thất bại, lỗ nặng nên tôi đành trả tàu thép đi làm thuê xoay sở kiếm tiền trả nợ", anh Văn bộc bạch.

Sau khi trả lại tàu thép, từ vị trí "ông chủ", giờ đây ông Phan Bé và Mai Thành Văn lâm cảnh đi làm thuê các tàu cá ở vùng biển miền Trung. Cả hai vừa mưu sinh vừa xoay xở kiếm tiền trả nợ cho ngân hàng, người thân.Ông Văn cho hay, tháng nào làm thuê nhiều nhất cũng chỉ 10 triệu đồng, có tháng thất bát chỉ được trả công vài triệu, không biết bao giờ mà trả hết nợ cho ngân hàng, người thân sau.

Những ngày qua, ông Bé mất ăn, mất ngủ vì phía Ngân hàng đã gửi thông báo trả nợ quá hạn "hậu tàu vỏ thép".

"Sáu sổ đỏ đất đai của mấy anh em ký gửi hết vào ngân hàng để đầu tư ngư lưới cụ vào tàu thép, đầu tháng 7 này không có tiền trả lãi thì họ xiết nợ. Hai tháng trước, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cũng gửi thông báo thanh toán công nợ hơn 2,2 tỷ đồng( nhưng đến nay tôi vẫn chưa biết lấy tiền đâu mà trả", ông Bé mếu máo.

Ông Bé cho rằng, dẫu biết rằng hai tàu thép thí điểm đầu tiên cả nước có nhiều lỗi kỹ thuật, thiết kế chưa phù hợp nhưng doanh nghiệp đóng tàu phủ nhận những chuyến biển gặp trục trặc là "thiếu lương tâm".

"Những chuyến ra khơi tàu gặp hỏng hóc đều được các Trạm Biên phòng xác nhận rõ ràng trong sổ danh bạ thuyền viên. Chuyến biển nào cũng lỗ nặng mà doanh nghiệp buộc thanh toán công nợ hàng tỷ đồng thì chẳng khác nào ép ngư dân vào cảnh tuyệt vọng, khốn cùng", nguyên chủ tàu thép Sang Fish 01 trần tình.

Trong văn bản đề nghị thanh toán công nợ tàu cá vỏ thép Sang Fish 01, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho rằng, trong thời gian khai thác, họ chỉ được báo cáo sự cố tời lưới kéo ở chuyến khai thác đầu tiên, sau đó đã khắc phục kịp thời. Các sự cố tiếp theo, công ty đều không nhận được báo cáo sự cố kịp thời nên không thu xếp bảo hành cho tàu được.Khi bàn giao lại tàu, ông Bé đã tháo các trang thiết bị do mình đầu tư nên xác định thiệt hại hơn 4 tỷ đồng là không có cơ sở. Do vậy, SBIC đề nghị ông Bé thanh toán công nợ hơn 2,2 tỷ đồng (tháng 7/2014 đến tháng 4/2016) theo đúng các điều khoản của Biên bản thanh lý hợp đồng đóng mới tàu thép Sang Fish 01.

Sau khi xem xét đơn giải trình của ông Phan Bé, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho rằng, hợp đồng đóng mới tàu thép giữa ông Bé và SIBIC là hợp đồng dân sự được thỏa thuận giữa hai bên; không thực hiện theo chính sách nào. Do vậy việc phát sinh tranh chấp phải do hai bên thương lượng giải quyết, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết.

Về vấn đề này, ông Bé bức xúc, lãnh đạo Sở, ngành cùng SIBIC mời ông tham dự nhiều hội thảo, hội nghị, động viên bán tàu gỗ tham gia góp vốn đầu tư tàu thép kiểu mẫu đầu tiên cả nước.

"Nghĩ mình đi tiên phong đóng tàu thép kiểu mẫu thì được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước, doanh nghiệp. Ai ngờ tàu mới bàn giao đã gặp sự cố liên tục, thua lỗ nặng nề, tôi gửi đơn cầu cứu thì cơ quan chức năng, doanh nghiệp lại vô cảm, né tránh trách nhiệm để bản thân bỗng dưng ôm cục nợ quá lớn thế này", ông Bé nói.

Về vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, cho rằng hai tàu thép Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01 là những sản phẩm đầu tiên nên khi đưa ra vận hành trong thực tế mới phát hiện có nhiều chỗ không phù hợp. Tàu Hoàng Anh 01 và tàu Sang Fish 01 thiết kế để đánh bắt cá bằng lưới vây, nhưng việc khai thác cá bằng nghề này thời gian qua không hiệu quả nên các chủ tàu không thể trả tiền cho nhà máy như đã cam kết theo hợp đồng. Ông Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, cho biết thêm hiện đối tác Nhật Bản đã gửi văn bản đề nghị với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thuê lại hai tàu thép Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01 phục vụ khảo sát thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản ở vùng biển Khánh Hòa.

Hai tàu thép đầu tiên bàn giao cho ngư dân sử dụng hệ thống tời cơ khí nên khi tải trọng thay đổi liên tục (bình thường thì rất nhẹ, còn khi lưới đầy cá thì rất nặng) nên có nhiều hạn chế.

"Rút kinh nghiệm, những tàu thép sau này đơn vị đã thay thế bằng tời điện hay thủy lực nên ngư dân đưa vào sử dụng đạt hiệu quả kinh tế", ông Toàn xác nhận.

Minh Hoàng - Đồ họa: Nhân Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tham-canh-cua-2-ong-chu-tien-phong-dong-tau-vo-thep-tien-ty-post752539.html