Thăm cội bồ đề đặc biệt nhất Việt Nam ở chùa Từ Đàm

Là hậu duệ của cội bồ đề nơi Đức Phật thành đạo, cây bồ đề chùa Từ Đàm có tuổi đời gần 80 năm, là một cây cổ thụ đặc biệt của Huế.

Tọa lạc tại số 1 đường Sư Liễu Quán của TP Huế, chùa Từ Đàm là một ngôi chùa cổ danh tiếng của đất Cố đô. Chùa cũng là nơi bảo tồn cây một cây bồ đề đặc biệt gắn liền với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Cây bồ đề chùa Từ Đàm nằm bên trái sân (từ chính điện nhìn ra), là cội bồ đề có nguồn từ cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, tức nơi Phật Thích Ca thành đạo tại Ấn Độ.

Theo sử sách, dưới gốc cây bồ đề tại vườn Lâm Tỳ Ni, Phật Thích Ca đã tọa thiền 49 ngày đêm trước khi đắc đạo và khai sinh ra Phật giáo.

Đền thời vua A Dục (Ashoka, thế kỷ 3 TCN), một vị vua có công chấn hưng Phật giáo, Thái tử Mahinda đã đem giống của cây bồ đề nơi đức Phật thành đạo sang trồng ở Srilanka.

Hơn 2.000 năm sau, trong khi Phật giáo suy tàn ở Ấn Độ, đây vẫn là tôn giáo chủ đạo tại Srilanka. Dòng giống của cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo vẫn được bảo tồn ở quốc gia này.

Đến năm 1939, Đại đức Narada, một nhà tu hành người Tích Lan đã đem giống cây này sang tặng hội Phật học Trung phần. Chùa Từ Đàm ở Huế đã được chọn làm địa điểm trồng cây.

Sau gần 80 năm, nhánh bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật đã trở thành một cội bồ đề cổ thụ có vòng thân nhiều người ôm không xuể, tán rộng xum xuê, tỏa bóng mát một góc sân chùa.

Từ chùa Từ Đàm, giống cây thiêng này đã được phật tử Huế mang trồng thêm ở rất nhiều chùa trong và ngoài địa phương.

Một số hình ảnh khác về cây bồ đề chùa Từ Đàm.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tham-coi-bo-de-dac-biet-nhat-viet-nam-o-chua-tu-dam-917062.html