Thăm hai căn hầm lịch sử của Tướng Giáp và Tướng De Castries

Trong trận Điện Biên Phủ, những quyết định quân sự quan trọng nhất của hai bên tham chiến đã được đưa ra từ hai căn hầm của hai nhà chỉ huy: Đại tướng Võ Nguyên Giáp phía Việt Nam và Chuẩn tướng Christian De Castries phía Pháp.

1. Nằm ở trung tâm Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), khu lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khá giản dị, được làm bằng những vật liệu thiên nhiên khai thác tại địa phương.

Căn lán được chia làm hai gian, một gian dành cho cần vụ, gian kia là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gian này có một cánh cửa thông ra hầm ngầm được đào sâu vào vách núi.

Căn hầm này do một trung đội công binh thực hiện trong 28 ngày đêm bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng. Đặc biệt, do không có những công cụ chính xác, các chiến sĩ đã lấy dây rừng làm thước đo khi thi công.

Đường hầm có tổng chiều dài dài 69 mét, rộng khoảng 1 mét, cao 1,7 mét, trần được đỡ bởi những thanh tre, gỗ. Giữa đường hầm có một phòng họp diện tích 18 mét vuông. Đây là nơi đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dọc theo đường hầm có 5 hốc máy thông tin liên lạc. Mỗi hốc có giá đặt máy và ghế ngồi cho các chiến sĩ thao tác. Khu hầm được thiết kế hệ thống lỗ thông hơi nối với mặt đất để bảo đảm luôn có dưỡng khí trong mọi tình huống.

Không chỉ mang tính bảo mật, căn hầm còn rất kiên cố, đủ sức chống chịu những cuộc pháo kích, dội bom cường độ lớn. Đầu bên kia căn hầm dẫn đến lán làm việc của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.

2. Nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hầm chỉ huy của tướng De Castries - tổng chỉ huy binh đoàn tác chiến Tây Bắc của đội quân viễn chinh Pháp - được quân Pháp xây dựng rất kỳ công. Công trình được mệnh danh là "căn hầm kiên cố nhất Đông Dương".

Nóc hầm được làm bằng những tấm ghi thép hình vòm, trên xếp nhiều lượt bao cát và những cây gỗ lớn, đủ sức chịu được mọi loại hỏa lực vào thời điểm đó. Cửa vào hầm được bảo vệ bởi bức tường bê tông dày gần 1 mét và thông với các đường hào chạy bên ngoài hầm.

Căn hầm có chiều dài 20 mét, rộng 8 mét, bao gồm 4 gian, là nơi ở, nơi làm việc của tướng de Castries và nhân viên dưới quyền. Các bức tường của thành hầm dày 0,8m, xây bằng vật liệu kiên cố, được gia cố bằng các bao cát và thanh gỗ.

Trần hầm làm bằng các tấm thép lá ghép liền nhau rất chắc chắn. Vào thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, các phòng trong hầm được trang bị đầy đủ các thiết bị liên lạc, vũ khí tối tân.

Xung quanh căn hầm là một hệ thống giao thông hào chằng chịt, nối với các cứ điểm khác nhau của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Căn hầm còn được bảo vệ vòng ngoài bằng hệ thống hàng rào dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng túc trực.

Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng de Castries tại bàn làm việc trong căn hầm, chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc phiêu lưu quân sự của người Pháp ở Điện Biên Phủ.

Mời quý độc giả xem video: Những Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Nguồn: Truyền hình Nhân Dân.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tham-hai-can-ham-lich-su-cua-tuong-giap-va-tuong-de-castries-1987081.html