Thảm họa béo phì của trẻ em Việt Nam

Nhiều gia đình luôn nghĩ rằng: Trẻ con phải béo, bụ bẫm mới đẹp, mới khỏe và tìm đủ cách để ép ăn, khiến trẻ tăng cân. Tuy nhiên, những điều này có thể đang làm hại trẻ.

Cảnh báo từ bác sĩ

Bác sĩ Nhi khoa Jonathan Halevy đang làm việc ở một phòng khám tại Tp. HCM đã chia sẻ về “Thảm họa béo phì của trẻ em Việt Nam” về một trường hợp trẻ béo phì. Đây cũng là vấn đề của nhiều gia đình Việt.

Chia sẻ của bác sĩ Jonathan

Hôm nay tôi khám cho một cậu bé dễ thương người Việt Nam 3 tuổi rưỡi. Cậu bé nặng 32,5 kg.

Đây là cân nặng trung bình của bé trai 11 tuổi!!! Chỉ số BMI của cậu bé này cao đến nỗi còn không có trong biểu đồ!

Tôi cố gắng nói với cha mẹ cậu về căn bệnh béo phì khủng khiếp này. Tôi muốn giải thích với họ rằng: Con trai họ đang có nguy cơ rất cao bị các biến chứng kinh khủng như tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh về tim, gan, thận, nhưng họ hoàn toàn lờ đi. Họ cảm thấy ổn với cân nặng của đứa con và không cho đó là vấn đề!

Tôi bàng hoàng! Cần phải làm gì nữa đây để cha mẹ hiểu ra rằng họ đang đặt con họ trên con đường dẫn tới bệnh tật và đau khổ suốt đời, trong khi họ có thể ngăn ngừa điều đó ngay lúc này, ngay hôm nay?

Những năm qua, tôi thấy ngày càng nhiều trẻ em Việt Nam bị căn bệnh béo phì kinh khủng này. Việt Nam đang nuôi một thế hệ mới sẽ bị bệnh tim và đột quỵ não từ rất sớm. Một thế hệ sẽ sống nhờ thuốc suốt cuộc đời bị rút ngắn lại của chúng, sẽ phải vật lộn với những khuyết tật thể chất và tâm lý. Bởi vì cha mẹ chúng nghĩ rằng: Béo mập là ân huệ chứ không phải là lời nguyền khủng khiếp.

Tôi hy vọng và cầu nguyện để những cha mẹ này sớm tỉnh ngộ, trước khi quá muộn!

Dr Jonathan”.

Con béo mới khỏe, con béo mới xinh

Thực tế, nhiều người luôn có quan niệm trẻ gầy là không tốt, là mẹ không biết chăm. Nhiều gia đình có con hơi gầy, không bụ bẫm thường xuyên bị hỏi “cháu nó có bệnh gì không”, “sao để con gầy thế”, “mua sữa, phô mai bắt nó ăn cho béo”... Tôi từng chứng kiến một người bạn bật khóc vì con bị chê bôi không xinh, gầy nhẳng, trong khi bé vốn rất khỏe mạnh, phát triển bình thường, chỉ tội không được béo hay bụ bẫm.

Hay thấy nhiều người mẹ trẻ mâu thuẫn trong cách chăm con với bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ vì việc ép trẻ ăn quá đà. Trẻ quấy cũng “hay nó đói”, trẻ ậm ẹ cũng “hay nó chưa no”… Dù con trẻ đã ăn đủ, thậm chí thừa khẩu phần thì vẫn luôn muốn trẻ ăn thêm nhiều hơn nữa.

Sự hiểu sai của nhiều bố mẹ, ông bà về việc con béo mới khỏe, con béo mới tốt khiến nhiều trẻ nhỏ bất đắc dĩ bị “nhồi” mọi lúc, mọi nơi dẫn đến thừa cân, béo phì.

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: Trẻ béo phì sẽ kém phát triển về trí thông minh, dễ mắc nhiều bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường… Có lẽ, tình thương yêu của các phụ huynh cũng cần được thay đổi và điều chỉnh đúng cách để tránh “yêu thương nhiều đâm ra hại con trẻ”.

Xem thêm

Bí kíp ẩn dáng "thừa cân" sau Tết

Hóa chất trong đồ gia dụng làm tăng nguy cơ béo phì

Không có vườn chơi trẻ dễ bị béo phì

Thậm chí đồ uống ăn kiêng cũng có thể gây béo phì

Xa lánh chất béo không giúp giảm cân

Thế nào là trẻ mũm mĩm hay béo phì?

Vivian

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/tham-hoa-beo-phi-cua-tre-em-viet-nam