Thăm làng Nôm - Làng Bắc bộ cổ nhất Việt Nam

Làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Đây là ngôi làng cổ nhất Việt Nam đến nay vẫn giữ nguyên được những nét cổ kính đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Cổng làng Nôm.

Quần thể làng Nôm - chùa Nôm - đình Nôm - cầu Nôm - chợ Nôm đều là những di sản hiếm có vẫn còn được lưu giữ vẹn nguyên dù trải qua bao dâu bể thời gian. Chính sự cổ kính, yên bình của làng quê cổ thuần Việt này là nét đẹp thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về.

Vẹn nguyên không gian làng quê Việt xưa

Làng Nôm nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, nơi có bề dày truyền thống văn hóa. Xưa làng có tên là làng Đồng Cầu, sau đổi là làng Thông Thuộc, trang Đồng Xá, tổng Đình Tổ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Theo người dân nơi đây, làng có từ những năm đầu Công Nguyên, từ thời Hai Bà Trưng, đến thế kỷ XV dân cư tập trung sinh sống đông đúc… Nhờ ý thức giữ gìn của người dân nên đến nay, làng còn giữ được vẹn nguyên những kiến trúc xưa với cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng rêu phong...

Ngoài di sản văn hóa vật thể, làng Nôm có đời sống tín ngưỡng, tâm linh phong phú. Trong một năm, nhiều lễ hội được tổ chức như: ngày 12 tháng giêng có hội làng; ngày 13 tháng giêng các dòng họ làm lễ tế Xuân, ngày 15 tháng giêng làm lễ Thượng nguyên, ngày 15 tháng tư lễ Trung nguyên, ngày 15 tháng bảy lễ Hạ nguyên và 21 tháng chạp là lễ Tất niên.

Một trong những điểm nhấn của làng là chợ Nôm. Khu chợ này nằm trên bãi đất rộng khoảng 2 mẫu Bắc Bộ (tương đương 7,2 ngàn m2), trước cổng chùa Nôm và cách làng 1 con sông. Chợ Nôm nằm dưới tán 4 cây cổ thụ lớn là cây gạo, cây đa, cây muỗm; gồm những dãy chợ được xây dựng bằng gạch đỏ, nung từ đất sét với mái ngói rêu phong. Thời xưa, chợ họp 12 phiên/tháng, là chợ phiên chuyên buôn bán nguyên liệu cho thợ đúc đồng của cả khu vực. Nhờ những hoạt động buôn bán này mà làng Nôm trở nên giàu có. Ngày nay, chợ Nôm trở thành khu chợ dân sinh, hoạt động buôn bán diễn ra hàng ngày nhưng vẫn đậm chất chợ quê xưa, là điểm hẹn thu hút du khách đến thăm.

Từ chợ Nôm, chùa Nôm đi vào làng, người dân sẽ qua cây cầu đá cổ bắc ngang con sông Nguyệt Đức. Cầu xây 9 nhịp, là con số tượng trưng cho sự may mắn theo quan niệm của người xưa. Mặt cầu rộng gần 2m, làm bằng đá xanh nguyên khối, gắn khít nhau, được đục đẽo rất công phu. Các mỏm đá dầm cầu được chạm trổ vân mây, trông như những đầu rồng. Mặt cầu, mố cầu và chân cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết nhưng vẫn vững chãi dưới bước chân người làng, dù đã trải qua thời gian hơn 200 năm.

Làng có 2 cổng lớn theo trục Đông - Tây. Mỗi cổng được xây dựng và thiết kế cầu kỳ, có khắc câu đối với ý nghĩa nói về truyền thống của làng và khuyên răn con cháu. Cổng phía Đông được xây dựng vào năm Ất Mão (1915). Đây được xem là cổng làng đẹp nhất xứ Bắc, xây theo kiến trúc kiểu bát trụ, là kiểu kiến trúc mà vốn chỉ vua chúa hay hoàng thân quốc thích mới có.

Bước qua cổng, du khách bị ấn tượng ngay về hồ nước lớn giữa làng. Bắc ngang hồ là cây cầu gạch cổ tạo thành điểm nhấn, góp phần tô điểm thêm cho không gian cổ kính nơi đây. Hai bên hồ nước là con đường xây gạch thẻ nghiêng. Theo tục lệ xưa của làng, các đôi uyên ương khi cưới phải góp 1 thiên gạch cho làng. Dọc theo con đường là những nhà thờ các dòng họ lớn sinh sống lâu đời ở đây. Cuối hồ nước và nơi 2 con đường gặp nhau là ngôi trường tiểu học được xây từ thời Pháp thuộc. Cạnh đó là ngôi đình cổ của làng với cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát phủ khắp sân đình. Trong làng hiện còn lưu giữ được 3 giếng nước cổ có tuổi đời hàng ngàn năm.

Ngôi làng có nhiều huyền tích linh thiêng

Làng Nôm không chỉ được biết đến bởi vẻ đẹp vẹn nguyên của một làng Việt cổ không bị mai một bởi thời gian, mà ngôi làng này còn có nhiều huyền tích linh thiêng.

Khuôn viên chùa Nôm.

Trong đó, chùa Nôm thường là nơi đầu tiên được du khách chọn lựa đến tham quan. Chùa có tên chữ là Linh thông cổ tự (hay còn gọi là chùa Đại Đồng) nằm ở khu vực ngoài làng.

Theo chú thích ở trên bia tại chùa, người ta không biết ngôi chùa này xây dựng chính xác từ năm nào. Thời Hậu Lê, đến năm Canh Thân (1680), nhà vua cho xây dựng lại chùa. Đến thời Cảnh Thịnh thứ 4 (cuối thế kỷ 18), chùa lại xây dựng thêm gác chuông và mở ra hai dãy hành lang. Đến thời Nguyễn, chùa Nôm lại tiếp tục được tu sửa. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của lịch sử, kiến trúc của chùa được bảo lưu gần như nguyên vẹn, gồm nhiều hạng mục công trình: Tam quan, gác Chuông, gác Trống, sân chùa, tòa Tam bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ...

Truyền thuyết về Linh thông cổ tự kể rằng, từ thời Hai Bà Trưng, có một sư thầy đang ngủ, giữa đêm bỗng nhiên thức giấc. Khi tỉnh dậy, sư thầy nhìn thấy một ánh hào quang phát ra từ phía Nam. Biết đây là điềm báo nên sư thầy liền bám theo ánh hào quang dẫn ra rừng thông, rồi nó lan tỏa thành một quầng sáng. Nghĩ rằng trời Phật ban phước lành nên sư thầy đã cho dựng một ngôi chùa tại đây.

Ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc độc đáo với những hoa văn được chạm khắc tinh xảo, cột trụ làm bằng các loại gỗ quý. Đặc biệt, cổng chùa Nôm - Tam quan được xếp vào hạng to, cao nhất nhì Đông Nam Á. Ngoài ấn tượng với những nét rêu phong, cổ kính, cảnh chùa thanh tịnh, chùa Nôm còn lưu giữ những hiện vật giá trị. Trong chùa hiện có hơn 100 pho tượng cổ bằng đất sét, được chế tác khá tinh xảo. Mỗi một pho tượng lại thể hiện sinh động các tư thế, trạng thái khác nhau.

Điều rất đặc biệt là thời xưa, ngôi chùa này thường xuyên gánh chịu những trận bão lụt nhưng các pho tượng đất sét này vẫn nguyên vẹn tồn tại cho đến ngày nay. Những đường nét sơn son thếp vàng bên ngoài tượng vẫn đậm màu, sắc sảo. Đây là điều mà đến nay nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử và kiến trúc của các ngôi chùa Việt chưa lý giải được.

Ngoài những pho tượng cổ quý giá, trong khuôn viên chùa Nôm còn có một khu mộ tháp cổ nhiều tầng được xây dựng bằng những phiến đá ong cổ. Đó là những tháp cổ đẹp và nguyên vẹn, vẫn đứng vững tọa lạc yên bình vượt qua thử thách của thời gian.

Đến làng Nôm, du khách còn có thể ghé đình làng thờ Thánh Tam Giang. Đây là danh xưng mà người dân Việt Nam tôn vinh chung hai vị tướng Trương Hống và Trương Hát được thờ ở hàng trăm ngôi làng thuộc lưu vực ba con sông là sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ. Đây là những vị tướng trí dũng song toàn, gắn liền với huyền thoại ra đời tác phẩm Nam quốc sơn hà, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của người Việt Nam. Danh xưng Thánh Tam Giang xuất phát từ tên gọi mà các triều đại Phong kiến Việt Nam phong cho hai ông là “Tam Giang thượng đẳng thần”. “Tam Giang” còn bắt nguồn từ cách gọi chung của ba con sông nói trên, nơi có nhiều đền thờ hai ông. Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ vùng trung du thì việc thờ Thánh Tam Giang rất phổ biến, đặc biệt tập trung dày đặc ở các làng quan họ cổ đất Kinh Bắc.

Trước đình có giếng cổ xây bằng đá xanh mà theo dân làng đã có niên đại hàng ngàn năm. Bên trong giếng, các lớp gạch xếp chồng lên nhau dưới phần cổ giếng, miệng giếng có nắp đậy, thành giếng là phiến đá cổ nguyên phiến. Những chiếc giếng cổ này là tài sản quý của làng. Đây là một nơi linh thiêng của cả làng, giếng làng được coi như là nơi hội tụ linh khí, là mắt rồng của làng nên được bảo quản và giữ gìn cẩn thận, nắp giếng được đậy kín lại khi không sử dụng để nguồn nước trong sạch. Khuôn viên xung quanh xây dựng các tường chắn hình bát giác bao quanh giếng, bên trên có bốn chữ đại tự: ẨM HÀ TƯ NGUYÊN, ý nghĩa là “uống nước nhớ nguồn”, như nhắc nhở về đạo lý truyền thống của ông bà. Phía dưới cuốn thư là chữ “Thọ”, thể hiện ước nguyện về sự trường tồn.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/tham-lang-nom-lang-bac-bo-co-nhat-viet-nam-8d324f3/