Thầm lặng phục vụ cho đời

BS. Nguyên

Nguyên hấp tấp dẫn xe ra khỏi cổng bệnh viện huyện trong tâm trạng phấn khích đến lạ thường. Vậy là một đứa trẻ nữa đã được giành lại từ lưỡi hái của tử thần trong gang tấc. Mồ hôi chảy dài xuống gương mặt trắng hồng như con gái, thấm ướt chiếc áo trắng đã bạc màu vì thời gian, nhưng đôi mắt ngời sáng tinh anh pha lẫn chút thánh thiện vẫn rực lên. Vóc dáng mảnh khảnh, bẽn lẽn, thư sinh hôm nào đã biến mất, giờ đây là một con người thật nhân hậu, thật lớn lao. Một bác sĩ trẻ vừa chiến thắng cái chết để một mầm sống được tiếp tục nảy nở, sinh sôi trên vùng quê gian khó. Chiếc xe Trung Quốc cũ xì hôm nay lại giở chứng. Nguyên cố sức đạp nhưng nó cứ trơ ra như một sự thách thức. Mồ hôi đã ướt cả lưng mà chiếc xe cứ như cục sắt nguội. Tiếng y sĩ Thơ chế nhạo làm cả phòng khám cười ầm lên: “... Bác sĩ ơi, thay xe xịn là vừa rồi đó nghe...”. Bao giờ đồng nghiệp của anh cũng nhận được câu trả lời: “... Tiền đâu mà mua, thôi cố gắng vậy...”. Nói cho vui chứ anh biết xe mình đã hư hỏng quá nhiều. Vậy mà cứ phải làm liều đi đại, đến đâu hay đó chứ đem đại tu thì có nước vỡ nợ mà thôi. Ì ạch một hồi, cuối cùng thì xe cũng nổ. Có lẽ nó cũng muốn chia xẻ, cảm thông nỗi khốn khó với chủ, một bác sĩ trẻ luôn sống vì mọi người, nhất là trẻ em, mát tay trong điều trị, làm vơi đi nỗi đau bệnh nhân qua cử chỉ từ tốn, thân mật thương yêu bệnh nhân như chính người thân của mình. Nhiều lần anh kể: “... Vợ em đúng hẹn lắm, cứ 17 giờ 30 phút ở nhà Trân – vợ mới cưới của anh – đợi cơm. Vậy mà... từ nhỏ đến giờ Trân không có được một ngày vui trọn vẹn. Nhà nghèo, vất vả lắm Trân mới theo học trọn vẹn ở khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Cần Thơ bằng những đồng tiền thấm đẫm nỗi nhọc nhằn của cha mẹ ở vùng sông nước...”. Mãi gần một năm sau Trân mới xin được chuyển công tác về dạy học ở Cần Thơ để có điều kiện chăm sóc chồng và vun vén gia đình nhỏ của mình. Vậy mà... sau mỗi ca trực, anh lại giành thời gian đi khám bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo. Có hôm theo anh để “mục sở thị”, chuyện Nguyên làm tôi rất xúc động. Mưa tầm tã và mỗi lúc nặng hạt. Chuyến phà Vàm Xáng lặng lẽ vượt sông. Những cơn sóng lăn tăn cứ va đập vào mạn phà tạo những tiếng kêu ành ạch, ì ầm. Gió mỗi lúc một mạnh. Những hàng cây bên đường nghiêng ngả, kêu răng rắc chực đổ bất kỳ lúc nào. Mưa mỗi lúc mỗi nặng hạt. Những chiếc loa truyền thanh dọc theo tuyến lộ 932 ra rả thông báo bão đang đổ bộ vào miền Nam. Trời tối đen như mực, trên đường không còn một bóng người đi lại, nhà nhà đều đóng kín cửa, chỉ còn Nguyên và tôi với hai chiếc xe “cà tàng” băng băng trong đêm vắng. Ở phía trước có ánh mắt đợi chờ của lũ em nhỏ trong giông bão của đất trời. Trời đang tối dần. Hơi lạnh từ dòng kênh xáng Xà No phà vào mặt tôi, mặt Nguyên. Đồng hồ trên tay đã chỉ 18 giờ. Phải đến với thằng Tuấn trong chiều nay để xem lại bệnh sốt xuất huyết của nó đến đâu, sẵn ghé thăm sức khỏe mấy đứa nhỏ ở cái xóm nghèo “ba không”: không điện, không nước, không đường. Công việc này cứ lặp đi lặp lại nhiều tháng qua, anh không hề nhận một đồng thù lao nào, bất chấp lời can gián của bạn bè “... Mày làm từ thiện vừa vừa thôi, còn phải nghĩ đến gia đình nữa chứ. Lúc trước khác, độc thân thì sao cũng được, bây giờ có vợ rồi phải lo cho gia đình thôi. Đừng sống quá lý tưởng ông ạ, từ đây đến đó mười lăm cây số chứ có ít ỏi gì?...”. Thấy thái độ giận dỗi và kiên quyết của người bác sĩ trẻ, đặc biệt là đôi mắt đỏ hoe đầy lửa, đồng nghiệp của Nguyên thường im lặng. Đã vậy, mỗi tháng khi lĩnh lương, anh đều trích một phần tiền nho nhỏ để đóng góp vào quỹ nhân đạo của hội chữ thập đỏ huyện để giúp đỡ học sinh nghèo. Biết chuyện đồng nghiệp lại can ngăn: “... Ông đừng có sĩ, làm ơn lo cho cái thân còm của ông kia kìa, ở nhà trọ mà chảnh... Nguyên hiểu, hiểu lắm những lời khuyên vừa khôi hài, tinh nghịch nhưng rất chân tình của bè bạn. Họ đều lo lắng cho cuộc sống đang rất chật vật của một người thầy thuốc trẻ đang đối phó từng ngày với cái ăn cái mặc. Nguyên kể thêm: “... Đêm nào về đến nhà trọ cũng gần 21 giờ. Trong căn phòng trọ chật hẹp, Trân vẫn ngồi bên chồng giáo án, mâm cơm chiều vẫn còn nguyên trong chiếc lồng bàn ở góc. Nguyên thấy thương vợ hơn lúc nào hết. Lúc này Trân gầy yếu xanh xao nhiều quá, mỗi ngày hai buổi Trân lại phải đạp xe đi dạy, có khi dạy cả ban đêm...”. Lắm lúc anh nghĩ sao Trân dịu dàng và chịu đựng đến như vậy? Anh hiểu Trân cũng mong muốn có một đứa con - phụ nữ mà – nhưng cả hai muốn dành thời gian riêng tư ấy để lo toan cho trẻ em nghèo bất hạnh, mồ côi. Thường thì qua loa buổi cơm muộn màng, đạm bạc, Trân sẽ chìm sâu trong giấc ngủ có lẽ đã quá sức chịu đựng của một cô giáo trẻ cả ngày gắn mình trên bục giảng. Còn Nguyên lại đến với khoảng sáng nhỏ nhoi của chiếc đèn bàn đủ để anh viết tiếp những trang đề cương cho một đề tài khoa học dở dang. Quá khứ bảy năm về trước ùn ùn kéo về đây như mới hôm qua. Ngày đó chàng sinh viên Khoa y mới tốt nghiệp loại giỏi đã hăm hở viết đơn tình nguyện về vùng quê sâu huyện Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ, nay là tỉnh Hậu Giang. Dù biết rằng sẽ phải thách thức với muôn vàn khó khăn. Nhưng tất cả đã không ngăn được bầu nhiệt huyết luôn khát khao cháy bỏng trong tâm hồn. Ba năm ở đây, anh đã cống hiến tuổi thanh xuân đầy ước mơ và hy vọng. Tôi và Nguyên có may mắn được về nhận công tác một ngày tại huyện vùng sâu này. Chúng tôi có mặt thường xuyên trong các đợt khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Tôi công tác ở Đài truyền thanh huyện, Nguyên nhận việc tại Trung tâm y tế huyện, lúc này chưa có bệnh viện đa khoa huyện như hiện nay. Mỗi tháng chúng tôi đều ky cóp, chắt mót những đồng lương nhỏ bé để mua gạo ủng hộ tổ cấp cháo, cơm, nước sôi miễn phí tại bệnh viện. Nguyên còn tranh thủ những lúc rảnh rỗi để viết báo công tác cho Đài truyền thanh huyện, tiền nhuận bút anh dành hết cho việc mua thuốc cho người nghèo. Nhiều bệnh nhân huyện Châu Thành A khi đến trung tâm khám bệnh cứ nằng nặc được bác sĩ Nguyên đích thân khám mới chịu. Có người quay về đợi đến ca trực của anh mới tới khám. Tôi đã nhiều lần chứng kiến rất nhiều món quà “dân dã”, mộc mạc của bệnh nhân và gia đình gửi đến tặng anh khi xuất viện, lúc thì đòn bánh tét, lúc vài nải chuối, vài chục trái cây... Quyển sổ góp ý của trung tâm đã ghi lại rất nhiều lời cảm ơn chân tình đối với một bác sĩ trẻ, hiền hậu, giỏi chuyên môn, tận tậm với bệnh nhân như chính người thân trong gia đình. Mỗi ngày, anh phải vượt gần sáu mươi cây số từ nhà đến nơi làm việc rồi quay về, chưa kể những lúc phải xuống cơ sở xã, ấp vùng nông thôn sâu. Vậy mà bất kể nắng, mưa, lũ, bão, đồng nghiệp và bệnh nhân chưa hề thấy anh đến trễ một lần nào. Có lần Nguyên kể với tôi: “... Em phải đi từ lúc 5 giờ sáng mới kịp giờ, trễ thì phiền cho bà con mình lắm...”. Năm nào anh cũng cho ra đời nhiều sáng kiến cải tiến được tỉnh và thành phố đánh giá cao. Nhiều sinh viên thực tập đã không thể nào quên sự ân cần truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức của một bác sĩ khá chuyên sâu về chuyên môn, nhỏ nhẹ, tế nhị trong tiếp xúc và bao giờ cũng nở nụ cười độ lượng trên môi. Nhớ cái ngày được chuyển công tác về huyện Phong Điền - TP. Cần Thơ năm 2004, có biết bao đồng nghiệp, thân nhân và trẻ em nghèo đã lưu luyến tiễn anh trong sự luyến tiếc khôn nguôi. Nguyên không dám quay lại nhìn tất cả dù chỉ một lần, chỉ sợ mình sẽ không nén được niềm xúc động đang dâng tràn trong lồng ngực. Thấm thoắt lại sáu năm nữa đi qua, anh đã làm hết sức mình để phục vụ bệnh nhân. Bao lần hiến máu, bao lần lấy tiền túi để mua thuốc cho trẻ em nghèo mắc bệnh trong cơn khốn khó anh cũng không nhớ hết được. Bao nhiêu đề tài khoa học cũng ra đời từ đây. Nhiều đồng nghiệp của anh đã khuyên “... Ông nên suy nghĩ chín chắn, nên tìm cơ hội khác để đổi đời bằng cách chuyển sang bệnh viện tư nhân, lương Nhà nước ba cọc ba đồng biết bao giờ mới khá được...”. Dù đã lường trước mọi việc, dù đã chuẩn bị nghe những lời khuyên vô cảm xót xa nhưng thực tế này khiến anh nhiều lần hụt hẫng. Nhà anh còn lắm khó khăn, mẹ Nguyên vẫn đội mâm bánh cam mỗi ngày lặn lội đi bán hàng chục cây số ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ để nuôi sống gia đình. Bản thân vợ chồng anh cũng ở tạm trong một căn nhà trọ nhỏ nhoi chật hẹp. BS. Nguyên (người đứng) cấp cứu cho bệnh nhân tại BV đa khoa huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Anh kể thêm: “... Rất nhiều lần anh đã làm đơn xin nghỉ việc để chuyển sang làm ở một bệnh viện tư nhân với mức lương hậu hĩnh, nhưng khi cầm lá đơn ấy trên tay, anh lại cứ thấy mình sao yếu đuối, mềm lòng...”. Đâu đây những khuôn mặt ngây ngô trẻ thơ mắt ngời sáng niềm vui khi được khám chữa bệnh miễn phí trong những lần dã ngoại. Ánh mắt biết ơn của gia đình em nhỏ vừa được cứu sống ban chiều, ánh mắt của lũ nhỏ xóm “ba không” đang mong đợi anh trong con kênh sâu thăm thẳm. Quyển sổ góp ý của bệnh viện ghi đầy những dòng cảm ơn chân thành của người bệnh khi được Nguyên tận tình chăm sóc. Hình ảnh thánh thiện với nụ cười động viên của Trân lại mơ hồ hiện lên. Những đôi tay trẻ nhỏ vẫy vẫy cứ nhập nhòe trước mặt. Nguyên thấy mình bình tĩnh dần, bình tĩnh đến lạnh lùng. Anh đã thực sự thay đổi ý định ấy. Hơn hai năm qua, anh đã hoàn thành lớp chuyên khoa I tại TP. Hồ Chí Minh bằng lòng khát khao cháy bỏng, trở về quê nhà phục vụ bệnh nhân nghèo, đặc biệt là trẻ em. Dù vất vả lo toan cơm áo gạo tiền giữa lòng thành phố, nhưng tháng nào anh cũng gửi tiền về để giúp đỡ trẻ em nghèo của huyện. Đó là những đồng tiền nhân ái do anh làm thêm ở bệnh viện tư nhân khi đang theo học. Đã có nhiều bệnh viện tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh mời gọi anh ở lại công tác lâu dài với mức lương cao gấp nhiều lần cùng nhiều chính sách hậu mãi khác so với việc tiếp tục công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền – TP. Cần Thơ, nhưng anh đã kiên quyết chối từ. Khai giảng năm học mới, anh lại tất tả mang về hàng ngàn quyển tập do anh tự quyên góp từ thầy cô, bè bạn và đích thân mang đến cho trẻ em nghèo đúng dịp khai trường. Ngày Tết, anh lại tất tả đi xin gạo, đường, quần áo, bánh mứt cho bà con nghèo trong huyện. Anh còn là cầu nối để nhiều mạnh thường quân từ TP. HCM, Cần Thơ đến hỗ trợ giúp đỡ tập vở, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết cho bà con khó khăn về nhà ở. Hiện nay anh còn kiêm nhiệm luôn chức danh Đội phó đội người tình nguyện vì người nghèo huyện Phong Điền. Tôi nhớ lần chia tay tại bến phà Cần Thơ đầu năm 2010, anh còn dặn dò tôi: “... Ở nhà cố gắng lo cho tụi nhỏ, có gì thì cho em hay, chớ để đứa nào nghỉ học giữa chừng nghe, em phải đến trường cho kịp sáng nay...”. Hình ảnh người bác sĩ trẻ thoăn thoắt xuống phà trong cái lạnh dày đặc mù sương, thi thoảng ngoái lại nhìn với nụ cười thật hiền, thật bao dung cứ ám ảnh tôi. Hiện tại bác sĩ Phùng Phước Nguyên là Phó trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổ chức - Tài vụ Bệnh viện Đa khoa Phong Điền. Anh đang ấp ủ rất nhiều dự tính trong tương lai vì huyện đã xây dựng xong bệnh viện đa khoa mới với quy mô 120 giường. Anh là một tấm gương sáng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn hết mực yêu thương con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bút ký của Song Anh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20100528031031961p61c89/-tham-lang-phuc-vu-cho-doi.htm