Tham nhũng:Phụ huynh chấp nhận,trường hợp thức hóa

(Toquoc)- Có tới 76% phụ huynh có con học trái tuyến cho rằng nhiều người quen sẵn sàng bỏ chi phí xin trường, tỷ lệ này ở đúng tuyển là 68%. Tuy nhiên, những phụ huynh này không biết rằng, hành động đó là tiếp tay cho tham nhũng trong giáo dục. Kết quả này được thanh tra Chính phủ khảo sát tại ba thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng vừa được thông báo tại cuộc đối thoại quốc tế về phòng chống tham nhũng (PCTN) trong giáo dục diễn ra hôm nay.

Ba vấn đề được đoàn khảo sát của thanh tra Chính phủ quan tâm là tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm, học thêm và các khoản phí ngoài quy định. Học sinh cần được học trong một nền giáo dục "sạch" (Ảnh: Thụy Khuê) Phụ huynh chấp nhận hành vi “mờ” Trong kết quả khảo sát của mình, thanh tra Chính phủ cho biết 71% phụ huynh cho rằng bỏ tiền để xin con em vào trường tốt học trái tuyến là bình thường. Các nguồn trợ giúp trái tuyến theo thanh tra Chính phủ đó là nhờ người trong trường giúp đỡ chiếm tỷ lệ tới 32.4%, nhờ người ngoài trường giúp đỡ chiếm 26.1%. Cũng theo điều tra của thanh tra, tổng các khoản phí phải nộp đối với một học sinh ở Hà Nội là trên 2,5 triệu, ở Đà Nẵng là gần 1,5 triệu và ở thành phố HCM là trên 1,7 triệu. Trong đó, nộp học phí đối với học sinh Hà Nội chỉ là 580.000đ/năm/học sinh, còn lại là các khoản phí khác. Con số này ở TPHCM là 343.000đ, Đà Nẵng là 276.000đ. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở chỗ có đến 78% phụ huynh có con học trái tuyến hài lòng về các khoản phí và phụ huynh có con học đúng tuyến là 79%.Hơn nữa, có đến 49% phụ huynh có con học trái tuyến và 57% phụ huynh có con học đúng tuyến cho rằng việc thu các khoản ngoài quy định tạo cơ hội cho các gia đình đóng góp thêm cho các nhà trường để có điều kiện dạy và học tốt hơn. Trong khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra nạn "chạy trường, chạy lớp", dạy thêm tràn lan, buộc học sinh đi học thêm... là các dạng "sai phạm" trong lĩnh vực giáo dục thì chuyên gia kinh tế WB khẳng định đó là dạng thức tham nhũng. Thống kê tại ba thành phố lớn cho hay, các giáo viên có thu nhập từ dạy thêm trung bình từ 1,9 triệu đồng/tháng - so với mức lương trung bình 2,5 triệu đồng. Tổng số buổi dạy thêm trung bình của giáo viên tại Hà Nội là 2.1 buổi/tuần, Đà Nẵng 3.6 buổi/tuần, TPHCM là 3.2 buổi/tuần. Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, từ góc độ giáo viên cho thấy yếu tố thúc đẩy các dạng tham nhũng trên là do sức ép về thu nhập, sự chấp nhận của xã hội đối với hành vi “mờ” (dạy thêm, thu thêm các khoản phí, giúp đỡ người quen vào trường)…. Còn đứng từ góc độ nhà trường thì nhà trường đã “hợp thức hóa”: các hoạt động ngoài quy định; sức ép của xã hội; sức ép từ văn hóa của nhà trường… Cần nâng cao tính minh bạch Tuy nhiên, những tham nhũng ở giáo viên theo đánh giá của một số chuyên gia chỉ là tham nhũng “vặt”, theo thói quen văn hóa có gốc rễ từ truyền thống. Điều này không đáng sợ bằng tham nhũng ở cấp quản lý. Một chuyên gia cho biết, việc chạy trường, chạy lớp giáo viên chỉ được hưởng một phần nhỏ, các hiệu trưởng và cấp quản lý cao hơn mới được hưởng nhiều. Kết quả của thanh tra Chính phủ cũng cho thấy ngoài ba hình thức tham nhũng nói trên (chiếm 49%) thì còn ba hình thức tham nhũng khác được phản ánh nhiều là SGK, đề bạt cán bộ và chạy điểm. Theo ông John Hendra, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, tham nhũng ở Việt Nam mang tính hệ thống. Còn theo TS. Bùi Trân Phượng, ĐH Hoa Sen thì có ba nguyên nhân dẫn đến cảm giác bất an, trì trệ vẫn nặng nề trong giáo dục của Việt Nam. Đó là do sự thiếu ràng buộc và nếu có ràng buộc cũng là không tương xứng giữa quyền hạn quản lý, cấp phép và nghĩa vụ, trách nhiệm giải trình, xử lý vi phạm hay bất cập. Thứ hai là sự thiếu chú trọng đến quản lý tài chính trong bộ máy quản lý cũng như trong toàn đội ngũ những người hoạt động giáo dục, kể cả giáo dục ngoài công lập. Và nguyên nhân cuối cùng được TS.Phượng cho là cơ bản nhất đó là quan hệ xin – cho và bản thân cơ chế quản lý tập trung quan liêu triệt tiêu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục. “Sự thiếu minh bạch mà ai cũng thấy và rất nhiều người là nạn nhân, trước hết là thiếu minh bạch về học phí và chi phí khác cho học tập. Nhiều trường học Việt Nam nhất là trường công còn quá nhiều chi phí thiếu công khai, minh bạch mà phụ huynh phải chi cho giáo dục con em họ” – TS. Phượng nhấn mạnh. Tham nhũng trong giáo dục theo các chuyên gia quốc tế sẽ để lại hậu quả rất nặng nề và lâu dài. Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman cho rằng không ai muốn tuyển một nhân viên với bảng điểm không trung thực hay phải chi trả cho các dịch vụ lẽ ra miễn phí và bình đẳng - quyền học hành Còn theo ông John Hendra thì cần phải nâng cao tính minh bạch và cải thiện vai trò của báo chí trong việc phòng chống tham nhũng hiện nay. Hoàng Châu Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Dau-Tu-Giao-Duc/Tham-Nhungphu-Huynh-Chap-Nhantruong-Hop-Thuc-Hoa.html