Tham nhũng: Vấn nạn toàn cầu !

Tiếp sau Hội nghị về biến đổi khí hậu, từ ngày 28-1 đến 1-2, Ba-li (In-đô-nê-xi-a) lại thu hút sự chú ý của dư luận thế giới khi tại đây diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của các bên tham gia Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC).

tn281 Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 4 chủ đề chính gồm: Cơ chế kiểm điểm và việc thực hiện Công ước; hoàn trả tiền bị tham nhũng; hợp tác kỹ thuật và phòng chống nạn tham nhũng của các công chức. Hội nghị cũng sẽ thảo luận sáng kiến mang tên “Thu hồi tài sản bị đánh cắp” do Cơ quan chống tham nhũng và tội phạm của LHQ (UNDOC) và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp đề xuất. Dự kiến khoảng 1.000 đại biểu từ 140 nước bao gồm 104 nước thành viên và 36 bên ký kết Công ước cũng như các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ sẽ tham dự hội nghị này. Theo “Bảng chỉ số tham nhũng năm 2007” do tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), một tổ chức phi chính phủ có tới hơn 85 cơ sở độc lập hoạt động tại các quốc gia trên toàn thế giới, công bố tháng 9-2007 thì 3 quốc gia I-rắc, Xô-ma-li và Mi-an-ma đứng thấp nhất trong bảng danh sách này. Chỉ số tham nhũng (CPI) của Tổ chức TI có thang điểm từ 0 tới 10, trong đó quốc gia nào đạt 10 điểm có nghĩa là minh bạch, ngược lại, nước nào càng được ít điểm tức là có mức độ tham nhũng càng cao. Theo đó, 3/4 trong số 180 nước trong bảng này chỉ được dưới 5 điểm. Điều này chứng tỏ rằng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang phải đương đầu với nạn tham nhũng, trong đó có tới 71 quốc gia chỉ đạt dưới 3 điểm, đồng nghĩa với việc tham nhũng đang hoành hành nghiêm trọng. Đứng đầu các quốc gia minh bạch là Đan Mạch, Phần Lan và Niu Di-lân với 9,4 điểm. Ca-na-đa xếp thứ 9, Pháp xếp thứ 19 và Bỉ thứ 21. Việt Nam đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng với 2,6 điểm. Đứng cuối bảng là I-rắc, Xô-ma-li và Mi-an-ma với 1,4 điểm. Tham nhũng là vật cản lớn nhất đối với phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của mỗi quốc gia. Theo báo cáo của WB, nạn tham nhũng toàn cầu đã làm thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm. Riêng tại châu Phi, mỗi năm các vụ tham nhũng gây thiệt hại 148 tỷ USD, chiếm 25% tổng sản phẩm quốc dân của toàn châu lục. Thông qua hối lộ, gian lận, sử dụng sai ưu đãi kinh tế, tham nhũng đã đánh thuế vào người nghèo bằng việc chuyển các nguồn lực rất cần cho họ sang chỗ khác. Mặc dù có rất nhiều luật lệ và qui định chống tham nhũng được đưa ra song kết quả điều tra cho thấy một hiện trạng không mấy khả quan. Tại châu Phi, để giải quyết vấn đề này có thể phải mất hàng thập kỷ bởi nó đã trở thành một căn bệnh và được xem như một lối sống bình thường của người dân nơi đây. Tuy nhiên, tại quốc gia đang phát triển như Băng La-đét, ủy ban chống tham nhũng (ACC) nước này đã làm được nhiều việc. Là quốc gia được TI xếp vào nhóm những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, nạn tham nhũng mỗi năm gây thiệt hại cho Băng La-đét 1 tỷ USD. Con số này không hề nhỏ nếu biết rằng có tới 70% trong tổng số 150 triệu dân nước này thuộc diện nghèo. Với quyết tâm chống tham nhũng nhằm tạo dựng môi trường chính trị trong sạch, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm 2008, tuy ra đời mới chỉ hơn 1 năm nhưng ACC đã điều tra, bắt giữ khoảng 200 cựu bộ trưởng, thủ lĩnh chính trị, nghị sĩ và lãnh đạo doanh nghiệp Băng La-đét. Tiến trình xét xử những tội phạm tham nhũng này đang diễn ra thuận lợi. Khẩu hiệu hành động của ACC là “Không bao che, không chấp nhận và dung thứ tham nhũng”. Còn tại Trung Quốc, theo ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), nhằm ngăn ngừa và khống chế tình trạng tham nhũng tại các địa phương một cách hiệu quả hơn, 25 ủy ban kiểm tra kỷ luật cấp tỉnh đã thành lập phòng quản lý và phân tích vụ việc có liên quan tới tham nhũng. Theo CCDI, việc này nhằm giáo dục và khuyến cáo các cán bộ đảng viên nâng cao ý thức phòng chống tham nhũng và phát hiện các xu hướng, đặc điểm mới trong các vụ tham nhũng để kịp thời đưa ra các gợi ý cho những ban ngành liên quan bổ sung vào qui chế chống tham nhũng.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29519-tham-nhung-van-nan-toan-cau