Thẩm phán ngán cảnh "náo tụng đình"

(PL)- Bài mà các đương sự thường diễn nhất là dọa nạt, thóa mạ, xúc phạm, lớn tiếng với thẩm phán, với các đương sự khác.

1. Cách đây chưa lâu, TAND quận 1 (TP.HCM) thụ lý giải quyết một vụ đòi bồi thường uy tín, danh dự bị xâm phạm. Quá trình hòa giải, vị thẩm phán phụ trách nhiều phen hết hồn vì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở phía nguyên đơn quậy tưng. Có lần tòa đang chăm chú cho hai bên hòa giải thì người này đã bất thần quay sang định bạt tai phía bị đơn. Cũng đang tập trung nghe thẩm phán hòa giải, phía bị đơn giật nảy mình, tái người vì giận kiểu xử sự thiếu văn hóa. Cũng may cho các bên là luật sư của nguyên đơn đi theo đã kịp can ngăn để người này hạ hỏa. Ngoài chuyện này thì chuyện đập bàn, nói lớn tiếng gần như lúc nào cũng xảy ra khi các bên ngồi lại với nhau. Vị thẩm phán ngán ngẩm lắc đầu, giải quyết vụ này mà lòng cứ hồi hộp, lo lắng không yên. Ngại nhất là những lúc đương sự bất thần giở trò, thẩm phán không biết xoay xở sao cho kịp. Chuyện thẩm phán của tòa quận 1 vướng phải thực ra không phải là cá biệt. Trước đây, một thẩm phán ở TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) cũng muốn lên “tăng xông” vì đương sự quậy quá cỡ trong một vụ đòi nợ. Nguyên do là hai bên bất đồng quan điểm rất căng nên khi hòa giải thì họ lại cãi nhau um trời. Một lần tòa kêu gọi hai bên bình tĩnh và đưa ra một hướng giải quyết để cả hai cùng có lợi thì ngay lập tức, một bên lớn tiếng trách tòa đã thiên vị bên kia. Quá đà hơn, đương sự còn đứng dậy, vung tay, đập bàn đập ghế la hét làm náo loạn cả phòng hòa giải. Thấy đương sự hung hăng quá, thẩm phán thụ lý giải quyết phải cầu cứu đến công an. Tuy nhiên, khi lực lượng này xuất hiện thì đương sự này lại ngoan ngoãn như đất khiến tòa cũng không xử lý gì thêm được. Các thẩm phán ở các tòa TP.HCM như tòa quận Gò Vấp, quận 12, quận Bình Thạnh... cho biết họ đều có ít nhiều những kỷ niệm khó quên như trên về các đương sự của mình. Bài mà các đương sự thường diễn nhất là dọa nạt, thóa mạ, xúc phạm, lớn tiếng với thẩm phán, với các đương sự khác. Có đương sự không biết kiềm chế là gì, đã nói là không ngừng nghỉ dù cho thẩm phán có cố ngắt lời. Có đương sự khác lúc thì huơ tay múa chân, lúc thì la hét, đập bàn ghế, khóc lóc gây mất trật tự phòng hòa giải, khuôn viên của tòa. Nhiều thẩm phán than thở không dưng mắc ách giữa đàng, có khi giận lắm. Có nhiều vụ đương sự xúc phạm thẩm phán nặng nề, nếu như không kềm lòng thì có thể dẫn đến chuyện “ăn thua đủ” với đương sự. Thế nhưng nhỏ nhẹ nói lý với các đương sự để họ kiềm chế thì họ không nghe. Bởi khi họ nổi nóng, làm bậy, thẩm phán càng nói lý thì lại càng như đổ thêm dầu vào lửa. Do vậy, các thẩm phán thường phải ôm nỗi buồn vào lòng, có khi ăn không ngon, ngủ không yên, bị ức chế tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc. Nhưng có khi bị riết trở thành quen, thành có kinh nghiệm với chuyện nổi khùng của đương sự. Nhiều thẩm phán trở nên lạc quan hơn rồi tự an ủi nhau, thẩm phán cần làm việc khéo léo, xử lý làm sao đừng để đương sự rơi vào trạng thái kích động. Nếu đương sự bị kích động hoặc có biểu hiện lạ thì thẩm phán chuẩn bị tư thế “bỏ của chạy lấy người”. 2. Hiện nay, việc bảo vệ phiên tòa do lực lượng cảnh sát tư pháp phụ trách. Lực lượng này sẽ bảo vệ an toàn cho HĐXX, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phòng ngừa, ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm an ninh, trật tự nơi diễn ra phiên tòa. Thế nhưng quá trình lấy lời khai, hòa giải thì không có lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ khiến trật tự tòa bị xâm phạm, thẩm phán và những đương sự khác lo lắng không yên. Có nhiều đương sự quậy phá mà thẩm phán không thể làm gì được. Có chăng là thẩm phán cũng chỉ yêu cầu đương sự rời khỏi nơi làm việc để tránh ồn ào, mất trật tự. Nhưng nếu đương sự không nghe lời thì thẩm phán cũng bó tay. Còn căng hơn nữa thì thẩm phán có thể “alô” cho lực lượng công an địa phương. Nhưng chờ đến khi lực lượng này có mặt thì có khi mọi chuyện đã xong, thẩm phán đã “ăn đòn” rồi. Một thẩm phán cho biết Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản liên quan cũng không quy định thẩm quyền và hình thức xử phạt để xử lý đối với trường hợp gây rối làm mất trật tự khi đang lấy lời khai, hòa giải. Thông thường thẩm phán chỉ biết lập biên bản ghi nhận sự việc để báo cáo lãnh đạo. Theo thẩm phán này, cần phải có cơ chế để khi có sự việc gây rối làm mất trật tự tại các buổi hòa giải, lấy lời khai, khi cơ quan tòa án có điện thoại báo, cơ quan công an chức năng phải cử người sang để giải quyết kịp thời. Còn tốt hơn nữa thì lực lượng cảnh sát tư pháp nên có mặt trong những ngày tòa làm việc để có chuyện gì xảy ra thì có lực lượng tiếp ứng xử lý ngay. Một thẩm phán khác đề xuất, đương sự gây rối là vi phạm pháp luật. Trong chừng mực nhất định thì đó có thể coi là chuyện giao tiếp. Nhưng nếu quá đà xúc phạm nặng, gây rối nặng thì đó là hành vi vi phạm, thẩm phán có thể ra quyết định xử phạt. Nặng hơn có thể bị truy cứu tội gây rối trật tự công cộng. Có như thế thì tính tôn nghiêm của tòa mới được thể hiện, các đương sự cũng như thẩm phán mới được bảo vệ một cách cao nhất! Tuy nhiên, những điều nêu trên cũng chỉ đang dừng lại ở sự kêu cứu của các thẩm phán thôi. Còn thực tế, ngày ngày đối diện với những rủi ro xuất phát từ sự nóng nảy, coi thường tôn ti trật tự tòa của đương sự thì thẩm phán đang phải tự mình cứu lấy mình là chính.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=274430