Thăm Tân Trào giữa những ngày tháng Tư lịch sử

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi lại có dịp về Tuyên Quang, và lại được thăm Tân Trào- Khu di tích quốc gia đặc biệt, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khu di tích nằm trên địa bàn các xã Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương) và Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn) của tỉnh Tuyên Quang.

Từ thành phố Tuyên Quang, ngược dòng sông Lô lịch sử, theo Quốc lộ 37 và Quốc lộ 2C thảm nhựa phẳng lì dẫn qua những miền quê trù phú, bình yên và đẹp như tranh vẽ, chúng tôi chạm vào đất thiêng Tân Trào sau chừng một giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô.

Không phải là lần đầu tiên đến đây, nhưng lần nào cũng vậy, được dâng một nén tâm hương trong đình Tân Trào, được chiêm ngắm những mái lá đơn sơ, nơi Bác Hồ và các bậc cách mạng tiền bối đã từng sống, làm việc và lãnh đạo toàn dân giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; đưa Việt Nam thoát khỏi ách thực dân, phong kiến và phát triển rạng rỡ như ngày hôm nay, trong tôi lại trào dâng một niềm xúc động và biết ơn khôn tả.

Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xin gửi đến bạn đọc những hình ảnh của Thủ đô kháng chiến mà chúng tôi đã ghi được. Hãy xem để cùng nhau ôn lại lịch sử, để tri ân và cùng suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi người với quê hương, đất nước.

Đình Tân Trào là nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) - được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai của nước ta.

Ngày 17/8/1945, trước Đình Tân Trào, bên hòn Đá Thề thiêng liêng này, Hồ Chủ tịch đã đọc lời thề kiên quyết giành lại độc lập cho Tổ quốc...

Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ đã ở và làm từ cuối tháng 5 đến tháng 8 năm 1945. Tại đây, Người đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp câu nói lịch sử: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”.

Một bức hình lưu niệm bên Cây đa Tân Trào nổi tiếng. Nơi đây, chiều 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội.

Lán Đồng Minh: Trung tuần tháng 7/1945, thực hiện thỏa thuận giữa Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Mỹ ở Côn Minh, đội "Con Nai" (Deer Team) - một nhóm đặc nhiệm tình báo thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ (OSS) dưới danh nghĩa quân Đồng Minh do Thiếu tá E.K Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào, phối hợp cùng Việt Minh đánh quân Nhật và giúp huấn luyện một số môn kỹ thuật cho Việt Nam giải phóng quân. Lán Đồng Minh ở cách lán Nà Nưa của Hồ Chí Minh khoảng 30m về hướng bắc.

Ngôi nhà của ông Hoàng Trung Dân (thôn Tân Lập, xã Tân Trào)- nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc từ 21/5 đến 16/8/1945.

Để ghi nhớ công lao của Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng đã từng sống, làm việc tại Tân Trào, đầu năm 2013 UBND tỉnh Tuyên Quang động thổ xây dựng đền thờ. Đền rộng hơn 600 m2, tọa lạc trong khuôn viên rộng 2.300 m2. Ngày 16/8/2014, lễ an vị tượng Bác được tổ chức. Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất cao 1,72 m nặng 1,4 tấn, được tôn trí ngay gian giữa đền thờ.

Hai bên tả hữu đền là 14 pho tượng toàn thân của 14 vị tiền bối cách mạng. Trong số đó, quê hương Thừa Thiên Huế góp mặt 2 người con ưu tú: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu.

Hiền An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/goc-anh-hue/tham-tan-trao-giua-nhung-ngay-thang-tu-lich-su-140213.html