"Thần dược" - trái thơm

PNCN - Trái thơm (trái dứa, tên khoa học Fructus Ananatis) là loại trái cây nhiệt đới, chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.

Theo Bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam (Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế), trong 100g phần ăn được của trái thơm chứa: nước 91,5g; protid 0,8g; glucid 6,5g; các muối khoáng canxi 15mg; phôt pho 17mg; sắt 0,5mg; các vitamin B1 0,08mg; betacaroten 40mcg, cung cấp 40kcal.

Ngoài ra, trái thơm chứa acid citric, acid malic và một chất men tiêu hóa là bromelin (có thể thủy phân một lượng protein gấp 1.000 lần trọng lượng của nó trong vài phút).

Theo Đông y, trái thơm có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, trợ tiêu hóa, nhuận trường. Thơm thường được dùng trong các trường hợp: thiếu máu, thiếu khoáng chất, ăn uống khó tiêu, xơ cứng động mạch, viêm khớp, thống phong, rối loạn tiêu hóa.

Ảnh: SS

Thơm có thể ăn bằng cách dùng quả thật chín gọt bỏ vỏ, bỏ mắt, xắt miếng hoặc ép lấy nước uống. Nên ăn thơm với một chút muối ớt để khỏi bị rát lưỡi.

Để chữa sỏi bàng quang, có thể dùng rễ cây thơm theo cách sau: rễ thơm

30-40g, xắt nhỏ, sắc với 650ml nước cho đến khi còn lại 300ml, chia uống hai lần sau khi ăn. Men trái thơm giúp dạ dày phân giải protein, làm thức ăn dễ tiêu, sau khi ăn nhiều thịt, mỡ, ăn thơm rất có lợi. Ngoài ra, chất đường, muối và men trong thơm còn có tác dụng lợi tiểu, chữa viêm thận, cao huyết áp, phù thũng. Đối với bệnh viêm phế quản, ho, thơm cũng có tác dụng điều trị hỗ trợ.

Tuy nhiên, có một số người sau khi ăn thơm xuất hiện hiện tượng dị ứng. Thường sau 15 phút hoặc một giờ, bệnh nhân đau bụng, buồn nôn, đi lỏng, đồng thời có các biểu hiện mẫn cảm như đau đầu, chóng mặt, mẩn đỏ da, ngứa toàn thân, tay chân và lưỡi cứng đờ. Nghiêm trọng hơn, người dị ứng thơm có thể ngất đột ngột. Do đó, những người bị dị ứng thơm không nên ăn thơm. Trước khi ăn, có thể ngâm thơm trong nước muối để một phần acid hữu cơ bị phân giải, làm giảm nguy cơ ngộ độc.

* Nước ép thơm:

Mỗi ngày nên uống một ly nước ép trái thơm để ngừa ung thư. Nước thơm có khả năng kích thích hệ miễn dịch tấn công tế bào bệnh, kìm hãm khả năng di căn của các loại ung thư vú, phổi, đại tràng, buồng trứng và da.

* Làm đẹp bằng thơm:

Cũng giống đu đủ, thơm rất hữu ích trong việc làm mềm da, chứa enzym đặc biệt có tác dụng tẩy tế bào chết, đặc biệt cho những vùng da đầu gối, khuỷu tay, gót chân. Cách dùng: cắt lát một trái thơm, thả vào bồn nước tắm rồi ngâm mình hoặc cho thơm vào chậu nước để ngâm chân. Sau 15-20 phút thì lau khô, thoa kem giữ ẩm.

* Một số bài thuốc chữa bệnh bằng trái thơm:

- Cảm nóng phiền khát: một trái thơm ép lấy nước, hòa nước sôi để nguội, dùng uống hai-ba lần trong ngày.

- Rối loạn tiêu hóa: thơm một quả, quít hai quả, ép lấy nước uống.

- Sốt: lấy 20g-30g lá thơm non, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống.

- Viêm phế quản: trái thơm 120g, mật ong 30g, lá tỳ bà 30g, sắc lấy nước uống.

- Viêm ruột, tiêu chảy: lá thơm 30g, sắc uống.

- Viêm thận: trái thơm 60g, rễ cỏ tranh tươi 30g, sắc lấy nước uống như trà.

Lương y Đinh Công Bảy

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2011/Pages/than-duoc-trai-thom.aspx