Thận trọng với đau bụng khi mang thai

Ngoài những nguyên nhân có thể do nhiều bệnh lý khác nhau như: viêm ruột thừa, rối loạn tiêu hóa, sỏi mật hay cơn đau quặn thận..., đau bụng khi mang thai là hiện tượng bất thường cần được chú ý.

Khi mang thai có đau bụng, điều đáng ngại là những nguy cơ xảy ra cho mẹ và con. Do vậy, thai phụ nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị sớm nhất.

Cần thận trọng

Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Sản A Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, triệu chứng đau bụng trong thai kì có thể là dấu hiệu của những hiện tượng như:

Khi mang thai có đau bụng, điều đáng ngại là những nguy cơ xảy ra cho mẹ và con

Dọa sẩy thai

- Tuổi thai < 20 tuần.

- Dấu hiệu thường thấy: đau bụng từng cơn, đau trằn vùng bụng dưới và có thể kèm ra nhớt hồng hay ra huyết.

- Nguyên nhân: Do bất thường về trứng và tinh trùng hay do bệnh lý của mẹ (nhiễm trùng, u xơ tử cung, dị dạng tử cung, chấn thương, té ngã, ăn uống thiếu chất hoặc tâm lí lo lắng...).

- Hướng xử trí: thai phụ cần phải đi khám ngay để được hướng dẫn cách dưỡng thai. Trong trường hợp diễn tiến xấu ngoài ý muốn có thể dẫn đến sẩy thai, thai phụ cần được nghỉ ngơi, kiêng giao hợp, tránh lo lắng, ăn uống đầy đủ chất và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Sẩy thai

- Dấu hiệu: thai phụ bị ra nhiều huyết kèm đau bụng dữ dội.

- Hướng xử trí: Khi phát hiện, cần đưa thai phụ đến bệnh viện ngay vì tình trạng này sẽ làm mất nhiều máu, nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Dọa sinh non

- Thời điểm: Tuổi thai trên 20 và dưới 37 tuần (thời điểm được xem là thai từ cực non đến non tháng).

- Dấu hiệu thường thấy: đau bụng từng cơn kèm ra nhớt hồng hoặc ra huyết.

- Hướng xử trí: phụ nữ mang thai cần được dưỡng thai tốt (nghỉ ngơi và dùng thuốc điều trị dọa sinh non). Diễn tiến xấu của tình trạng này là có thể dẫn đến sinh non.

Nhau bong non

- Là tình trạng nhau bị bong ra trước khi sổ thai.

- Dấu hiệu thường thấy: Ban đầu, thai phụ sẽ bị đau bụng từng cơn. Các cơn đau càng dồn dập và sau đó có thể đau liên tục kèm căng cứng vùng bụng dưới. Có trường hợp ra huyết âm đạo nhưng cũng có thể không.

- Những yếu tố nguy cơ: Do thai phụ lớn tuổi, sanh nhiều lần hoặc hút thuốc lá, nghiện cocain, bị cao huyết áp trong thai kì, tiền sản giật, đa thai, đa ối, u xơ tử cung, sau chấn thương, sau chọc ối...

- Mức độ nguy hiểm: Nguy cơ cho mẹ: thai phụ có thể bị choáng do mất máu, suy thận cấp do giảm thể tích máu hay rối loạn đông máu, băng huyết sau sinh. Tình trạng sức khỏe của mẹ tùy thuộc vào mức độ mất máu hoặc cơ thể có bị rối loạn đông máu hay không. Nguy cơ cho thai: thai bị sinh non tháng, suy hô hấp thậm chí tử vong.

- Hướng xử trí: Trong trường hợp này, thai phụ cần được bác sĩ can thiệp kịp thời để giữ tính mạng. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai (chỉ trừ trường hợp diễn tiến chuyển dạ khá thuận lợi và mẹ sẽ sinh trong thời gian rất ngắn). Nếu tuổi thai nhỏ, bé non tháng sẽ khó nuôi. Nếu tuổi thai lớn (>36 tuần) nhưng nhau bong non thể nặng thì bé cũng có thể mất sau sinh.

Vỡ tử cung

- Đây là một tai biến trong sản khoa. Khi vỡ tử cung, cơ tử cung rách và thai nhi chui ra ngoài tử cung vào trong ổ bụng mẹ.

- Nguyên nhân: Tình trạng này thường gặp ở những trường hợp sinh khó như thai to so với khung chậu, ngôi bất thường, chuyển dạ kéo dài, có sẹo mổ trên tử cung trước đó hoặc đa sản, đa thai…

- Dấu hiệu thường thấy: Thai phụ đau nhói vùng bụng dưới, sau đó đau khắp bụng liên tục kèm theo hiện tượng choáng.

- Mức độ nguy hiểm: Khi vỡ tử cung, phần lớn thai nhi sẽ chết, còn tình trạng của mẹ tùy thuộc vào việc xử trí sớm hay muộn, vết rách trên tử cung có phức tạp hay không (nếu phức tạp có khi phải cắt bỏ tử cung cho dù mẹ chưa đủ số con).

Phòng ngừa

Để tránh những tai biến trên, các thai phụ cần đi khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ để có thể phát hiện sớm những nguy cơ cao trong thai kì. Tuy nhiên, nếu triệu chứng bất thường xảy ra trước ngày hẹn thì cũng nên đến bệnh viện ngay để được kiểm tra.

Trong thời kì mang thai, thai phụ cần lưu ý: không nên làm việc nặng; tránh mang giầy cao gót vì có thể té ngã, gây dọa sẩy hoặc sẩy thai; bổ sung đa dạng và đầy đủ chất trong khẩu phần ăn đồng thời cần hạn chế dùng muối hoặc những thức ăn có vị mặn; Hạn chế tối đa việc hút thuốc, uống rượu và các thức uống có cồn; luôn giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái.

Bên cạnh đó, phụ nữ không nên sinh quá nhiều hoặc quá dày. Vì vậy, chị em phụ nữ nên chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp.

Theo Nguyên Hạnh
PNO

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/suckhoe/504607/index.html