Thận trọng với nợ công

Theo Đồng hồ công nợ thế giới, nợ công của Việt Nam xấp xỉ 84,32 tỷ USD. Với dân số 90 triệu người hiện mỗi người dân phải gánh thêm xấp xỉ 1,8 triệu VND nợ công. Với tỷ lệ nợ công chiếm 47,3% GDP các bộ ngành cho rằng, con số trên là khá thấp so với các nước trong khu vực. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng chỉ số trên không đảm bảo được độ chuẩn xác vì nhiều món nợ khác chưa được thống kê.

Nợ công cao nguyên nhân chủ yếu được lý giải là mượn nợ mới về trả nợ cũ. Để xảy ra tình trạng trên cũng dễ hiểu vì vền kinh tế phát triển tốt thì vay nợ nước ngoài sẽ rót vốn vào đầu tư. Nhưng mấy năm nay suy thoái kinh tế kéo dài, doanh nghiệp "chết” hàng loạt cho nên khả năng không thể trả nợ là có thể xảy ra. Như vậy có thể nhận thấy rõ, hiện chúng ta đang phải xoay vòng với nợ công. Khó khăn chồng chất khó khăn, nếu nợ công tăng cao thì nguy cơ tác động xấu tới nền kinh tế càng lớn. Thêm vào đó, hàng loạt chính sách tăng thuế đối với các lĩnh vực được áp dụng giống như Chính phủ Hy Lạp đã từng làm. Song song với chính sách tăng thuế sẽ đi kèm với chủ trương cắt giảm chi tiêu. Điều này thể hiện rõ nhất bằng khẩu hiệu "thắt lưng buộc bụng” nhằm giản thâm hụt ngân sách. Và suy cho cùng, nợ công tăng cao đối tượng trong xã hội bị tác động mạnh nhất chính là người nghèo.

Nợ công không mới và khá phổ biến ở các nước đang phát triển. Song vấn đề là phải biết "liệu cơm gắp mắm” vì kinh tế khó khăn càng vay nợ càng có nguy cơ bể nợ. Bên cạnh đó, một giải pháp được cho là rất quan trọng: tiết kiệm! Tất nhiên tiết kiệm không phải là cắt hết các khoản đầu tư, mà quan trọng là phải đầu tư có trọng điểm, sớm mang lại hiệu quả kinh tế. Những dự án nào chưa phát huy tác dụng thì phải hạn chế, không để đồng vốn hiếm hoi nằm chết trong những dự án như vậy.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=90962&menu=1372&style=1