Tháng 9 tới tháng 11 nguy cơ sốt xuất huyết sẽ tăng

Chiều 14/9, bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp bàn về các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp.

Theo thống kê của bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 13/9, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước là 124.986 ca, trong đó 29 trường hợp đã tử vong. So với năm 2016, số ca nhập viện tăng 43.9%. Số ca tử vong tăng 10 trường hợp.

Trong tuần từ 4/9 – 10/9, trong nước ghi nhận 5.680 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước từ 28/8 – 3/9 (7.465 trường hợp) giảm 23,9%.

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng ta phải kiên định, quyết liệt ngăn chặn dịch sốt xuất huyết tiếp. Hàng năm, từ tháng 9 đến tháng 11 là thời kỳ thường xuất hiện đỉnh dịch sốt xuất huyết.

Đối với TP.HCM, số ca mắc không tăng. Chúng tôi rất quan ngại với các huyện ngoại thành của TP. như Hoóc Môn, Củ Chi. Ngày hôm nay, chúng tôi muốn mời hai thành phố báo cáo về tình hình dịch, đề ra các giải pháp và bàn việc thực hiện. Bởi vì nếu hai thành phố này mà làm tốt sẽ giảm 1/3 tổng số ca mắc của cả nước”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: "Bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay có chiều hướng đi ngang. Từ đầu năm, cả nước chưa có ca tử vong nào về tay chân miệng.

Phát biểu tại cuôc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết: “Từ tuần 32 đến nay số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã chững lại. Tuần vừa rồi, số ca giảm 30% so với tuần cao điểm. Số ca tay chân miệng giảm so với năm 2016. Nhiệm vụ chính của Hà Nội giờ là tiếp tục phòng, xử lý sốt xuất huyết. Hàng tuần, Hà Nội vẫn giao ban trực tiếp với tất cả các quận huyện, xã”.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM cho hay: “Trên địa bàn TP, bệnh sốt xuất huyết từ tháng 7 đến nay có có chiều hướng đi ngang không tăng. Số ca tay chân miệng bằng cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 8 số ca sốt xuyết huyết không tăng”.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Dù có triển khai tập huấn, nhiều anh em ở cơ sở chưa vận dụng linh hoạt chỉ đạo của y tế dự phòng về xử lý ổ dịch. Truyền thông còn cứng nhắc, chung chung không truyền thông cụ thể mô hình phòng chống sốt xuất huyết”.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nhận xét: “Hà Nội đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan đoàn thể. Việc phun hóa chất đúng kỹ thuật nhưng mới chỉ phun được ở phần dưới nhà, còn tầng trên không thuyết phục được người dân. Qua theo dõi hàng tuần tại 3 phường Thịnh Liệt, Khương Thượng, Thanh Lương (Hà Nội) sau phun thuốc, chỉ số bọ gậy đã giảm. Tình hình bệnh nhân ở 3 phường này đã giảm”.

Một trong những tồn tại về vấn đề diệt bọ gậy, lăng quăng, theo PGS.TS Trần Đắc Phu là: “Đội xung kích không có kinh nghiệm. Chính vì thế cần hướng dẫn thêm và in các bảng hướng dẫn để họ theo đó kiểm tra. Cần có đội giám sát thứ cấp là các thành viên có kinh nghiệm, cán bộ y tế…

Thời gian này cũng là thời điểm dễ bùng phát dịch nên cần tiếp tục phun diện rộng. Sinh viên ở nhà trọ, người lao động ở các lán trại dễ mắc phải. Cần có truyền thông đặc thù, các công trường, xí nghiệp phải phổ biến cho công nhân làm những gì để phòng sốt xuất huyết. Không truyền thông chung chung”.

Đỗ Thơm

Đỗ Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/thang-9-toi-thang-11-nguy-co-sot-xuat-huyet-se-tang-a338992.html