Tháng 'hạn' của cổ phiếu doanh nghiệp BOT

Ngoài những sai phạm do Thanh tra Chính phủ chỉ ra, hiện tượng tài xế dùng tiền lẻ qua trạm để phản đối thu phí có lẽ là nguyên nhân khiến cổ phiếu các doanh nghiệp BOT liên tục “đỏ sàn” trong khoảng 1 tháng trở lại đây...

Nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ để qua trạm BOT Biên Hòa (Ảnh: IT)

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM xem xét xử lý số tiền sai phạm với tổng giá trị hơn 2.172 tỷ đồng, liên quan đến 6 dự án BOT, BT tại TP.HCM. Thông tin này có lẽ đã tác động mạnh đến đà giảm của cổ phiếu CII (Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM), bởi trước đó, Thanh tra Chính Phủ đã chỉ ra 2 trong số 6 dự án BOT, BT sai phạm tại TP.HCM là do CII làm chủ đầu tư gồm: Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và cầu Bình Triệu II.

Tổng số tiền sai phạm của 2 dự án này lên tới hơn 1.410 tỷ đồng.

Đặc biệt, trên thị trường chứng khoán thời gian qua xuất hiện thông tin CII sẽ bị truy thu số tiền sai phạm này khiến cổ phiếu CII liên tục... “đỏ sàn”. Trước diễn biến bất lợi của thị trường, lãnh đạo CII đã có công văn giải trình gửi cổ đông và khẳng định hoàn toàn không có việc công ty bị truy thu số tiền nêu trên.

Dù vậy, đà rơi của cổ phiếu CII diễn ra liên tục trong gần 1 tháng nay. Từ vùng giá 36.000 đồng/CP, CII tới thời điểm hiện tại chỉ còn giao dịch quanh vùng giá 32.000 đồng/CP. Đặc biệt, từ đầu tháng 9 đến nay, CII liên tục có 7 phiên “đỏ sàn” liên tiếp và chỉ có 1 phiên duy nhất tăng giá.

Cũng “đen” không kém là mã cổ phiếu CTI (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO). Trong suốt 1 tháng trở lại đây, mã cổ phiếu này cũng liên tục giảm giá, từ vùng giá 32.000 đồng/CP, CTI liên tục giảm và đến thời điểm hiện tại chỉ còn giao động quanh vùng giá 28.500 - 29.000 đồng/CP.

Đặc biệt, từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu CTI có 8 phiên giao dịch thì có 5 phiên đứng giá và 3 phiên giảm giá. Nguyên nhân khiến cổ phiếu CTI liên tục giảm có thể xuất phát từ việc trong vài ngày gần đây trạm BOT Biên Hòa liên tục “xả trạm” do tài xế sử dụng tiền lẻ để qua trạm. Bởi, trạm BOT Biên Hòa thuộc quyền quản lý của Công ty CP đầu tư Đồng Thuận (Cường Thuận IDICO có số vốn góp trên 80%).

Một mã cổ phiếu doanh nghiệp BOT khác là HTI (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO), trong 1 tháng trở lại đây với khoảng 22 phiên giao dịch thì có đến 15 phiên HTI liên tục đứng giá và giảm giá, chỉ có 7 phiên tăng giá nhưng biên độ tăng giá cũng không đáng kể. Vì vậy, không ngạc nhiên khi HTI từ vùng giá 19.000 đồng/CP cách nay khoảng 1 tháng thì nay chỉ còn giao động quanh vùng giá 17.000 - 18.000 đồng/CP.

Riêng với mã DLG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai), dù ở vùng giá “trà đá” là 4.000 đồng/CP nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, DLG cũng liên tục “đỏ sàn” với 6/9 phiên giao dịch.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/thang-han-cua-co-phieu-doanh-nghiep-bot-804930.html