Thăng trầm nghề đóng tàu bên bờ sông Ninh Cơ

Nghề đóng tàu tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã có từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, nơi đây thành lập một hợp tác xã nhỏ chỉ với mấy hộ dân làm nghề đóng tàu. Những chiếc tàu ngày xưa chủ yếu làm từ vật liệu xi măng, sau này được đổi sang vật liệu bằng sắt thép như bây giờ.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chúng tôi về xã Nghĩa Sơn vào những ngày cuối năm 2023, khi người dân nơi đây đang chuẩn bị vào vụ cấy Đông Xuân. Những vườn đào đang vào mùa tuốt lá để chuẩn bị khoe sắc cho những ngày Tết. Dạo một vòng quanh xã, không khỏi ngỡ ngàng về một làng quê trù phú với những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, bám theo trục đường chính của xã. Xen lẫn trong nhịp sống hối hả của người dân những ngày cuối năm là tiếng búa, tiếng đe, tiếng máy hàn, máy nổ vọng ra từ những xưởng đóng tàu tập trung tại hai thôn Bơn Ngạn và thôn Quần Liêu dọc theo bên bờ sông Ninh Cơ.

Những ngày cuối năm, từng tốp thợ đang khẩn trương hoàn thiện công việc của mình để bàn giao sản phẩm cho khách hàng đúng hẹn. Bên trong các nhà xưởng đóng tàu, những người thợ lành nghề đang sơn thân tàu. Dưới sông, những con tàu đang được tiến hành lắp ráp kiểm tra máy móc để sẵn sàng cho sứ mệnh của nó.

Trao đổi với chúng tôi về nghề đóng tàu tại xã Nghĩa Sơn, ông Trần Ánh Dương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: “Trước năm 1985, nơi đây đã thành lập Hợp tác xã đóng tàu. Ngày đó, những người thợ lành nghề nơi đây có thể đóng được tàu trọng tải 150 tấn. Sau những năm nền kinh tế mở cửa, các HTX giải thể. Tuy nhiên, bằng sự năng động của các chủ đóng tàu, cộng với nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu thuyền ngày càng lớn nên nghề đóng tàu lại có cơ hội hồi sinh và phát triển. Những người thợ có tay nghề cao từng làm trong hợp tác xã trước đây đứng ra mở xưởng, thu hút công nhân vào làm việc, khôi phục lại nghề cũ”.

Anh Vũ Văn Chiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Đức Chiến chia sẻ: Anh bắt đầu tham gia vào nghề đóng tàu từ năm 2005, đến năm 2009 thì mở xưởng đóng tàu. Những ngày đầu chỉ đóng được những con tàu dưới 1.000 tấn, đến nay quy mô xưởng của anh có thể đóng được những con tàu lên đến 5.000 tấn. Anh Chiến cho biết nghề đóng tàu cũng có những thăng trầm, vào những năm 2014, 2015 là thời kỳ huy hoàng nhất của nghề đóng tàu. Những năm ấy, do nhu cầu vận tải đường thủy rất lớn nên đơn hàng của anh khi nào cũng kín. Xưởng của anh ngày ấy có đến hơn 40 công nhân nhưng đến nay chỉ còn lại một nửa. Các xưởng đóng tàu ngày nay chủ yếu là nhận làm công cho chủ tàu, các chủ tàu họ tự mua sắt thép về và thuê các xưởng đóng chứ rất ít người họ đặt mua cả con tàu.

Những người thợ đóng tàu tại các xưởng chủ yếu là người địa phương, thế hệ thợ đi trước truyền nghề lại cho đời sau. Các xưởng đóng tàu tại xã Nghĩa Sơn hiện nay chủ yếu là đóng những con tàu từ 800 tấn đến 2.000 tấn. Công thợ đóng tàu chỉ dao động từ 350 ngàn đến 450 ngàn đồng/ngày.

Từ năm 2020, theo quy định của Nhà nước, bắt buộc các cơ sở đóng mới hoặc hoán cải tàu phải có giấy phép đủ năng lực và được Cục đăng kiểm Việt Nam giao cho Phòng tàu sông đi đánh giá trực tiếp, khi đủ thỏa mãn với ngành nghề thì mới được cấp phép và thông báo lên hệ thống là cơ sở đủ điều kiện để đóng mới hoặc hoán cải tàu sông. Đóng tàu lớn nhỏ phải tùy thuộc vào quy mô của các xưởng. Trước đây khi chưa có quy định về cấp phép hoạt động, trên toàn xã Nghĩa Sơn có hơn 30 xưởng đóng tàu, nhưng đến nay, chỉ còn 10 cơ sở.

Ngày xưa các xưởng chủ yếu hoạt động theo hình thức tự phát, đến nay không còn đủ điều kiện nên phải tự giải thể. Bây giờ đóng một con tàu phải có hồ sơ thiết kế, các chủ đóng tàu phải đọc được các bản vẽ. Theo anh Chiến, từ ngày có quy định về việc cấp phép, số xưởng đóng tàu trên xã bị thu hẹp lại, tuy nhiên, chất lượng các con tàu đã được nâng lên đáng kể.

Công trường đóng tàu ở Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng, Nam Định

Công trường đóng tàu ở Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng, Nam Định

Hiện tại, ở xã Nghĩa Sơn các chủ doanh nghiệp đóng tàu hầu hết là thế hệ 7X, 8X. Chủ xưởng ngày trước chủ yếu làm theo mong muốn của chủ tàu, bây giờ 100% phải làm theo bản thiết kế, ai có học qua trường lớp bài bản thì mới đọc được bản vẽ, không thì khó có thể thực hiện.

Anh Chiến chia sẻ, ngày xưa để hạ thủy thành công 1 con tàu rất vất vả, nhưng nay, nhờ áp dụng kỹ thuật, dùng túi khí nên việc hạ thủy cực kỳ đơn giản. Hiện nay xưởng của anh Chiến mỗi năm hạ thủy được khoảng 5 con tàu đóng mới. Tại xưởng của anh, theo quy định có thể đóng được con tàu lên đến 5.000 tấn nhưng từ trước đến nay xưởng mới đóng được 1 con tàu 2.000 tấn là lớn nhất. Mỗi con tàu trung bình phải mất gần 1 năm mới đóng xong.

Rời xưởng của anh Chiến, chúng tôi được cán bộ xã đưa đến xưởng đóng tàu của anh Bùi Văn Trinh. Chia sẻ với chúng tôi, anh Trinh cho biết: Gia đình anh theo nghề đóng tàu đã được hơn 30 năm, ngày trước bố anh làm chủ xưởng, giờ đến lượt anh kế nghiệp với nghề. Đến nay anh cũng không nhớ rõ là gia đình anh đã hạ thủy được bao nhiêu con tàu, vì không có sổ sách gì để lưu lại. Ở xưởng anh do quy mô xưởng bé nên chủ yếu đóng các con tàu dưới 1.000 tấn. Anh Trinh cho biết, thời điểm hiện tại thực sự rất khó khăn với nghề đóng tàu, do nhu cầu vận tải đường thủy đã đến lúc bão hòa, các đơn hàng đóng mới đã thưa dần đi vì thế ngày công của thợ đóng tàu cũng không cao như trước.

Anh Trinh chia sẻ thêm: “Gia đình chúng tôi cố gắng tồn tại với nghề đóng tàu, cũng là vì mình và vì anh em lao động. Hơn nữa, nhìn những con tàu mình làm vươn ra biển lớn thì lòng tự hào lại dâng lên, lại cố gắng giữ lấy cái nghề của ông cha để lại”.

Tuy có những thăng trầm nhưng nghề đóng tàu nơi đây vẫn được người dân gìn giữ, đầu tư mở rộng, trở thành một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ nghề đóng tàu, nhiều nông dân trong xã đã có cuộc sống khá giả. Dù nghề đóng tàu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn nhưng những người thợ nơi đây vẫn đang nỗ lực gìn giữ nghề trên mảnh đất được tạo hình bởi dòng sông Ninh Cơ.

Quang Thân

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thang-tram-nghe-dong-tau-ben-bo-song-ninh-co-20180504224294941.htm