Thành con nợ vì mở thẻ

Các ngân hàng cần phải gửi thông báo bằng thư hoặc gọi điện xác minh những tài khoản không có giao dịch, thay vì im lặng để tính phí.

Sự việc một chủ thẻ tín dụng của Eximbank ở Quảng Ninh phát sinh giao dịch 8,5 triệu đồng nhưng nhận được thông báo dư nợ tới hơn 8,8 tỷ đồng sau gần 11 năm, nhiều người đã chú ý kiểm tra thẻ không còn sử dụng, hoặc ngừng giao dịch. Tuy nhiên, nhiều người dân hốt hoảng phát hiện vẫn bị ngân hàng thu phí.

Thẻ ngừng giao dịch nhiều năm vẫn bị tính phí

Ông Nguyễn Đăng Khôi, một người dùng thẻ nói, tôi không sử dụng thẻ 10 năm nhưng mới đây tá hỏa phát hiện ngân hàng vẫn ghi nợ 1,5 triệu đồng tiền duy trì tài khoản. Điều đáng nói ông không nhận được bất kỳ cuộc gọi hay tin nhắn nào về việc thu phí thường niên.

Tương tự, chị Phạm Ánh Hồng khi gọi điện đến ngân hàng để kiểm tra tài khoản thanh toán lâu không sử dụng, bất ngờ được nhân viên thông báo đang nợ phí hơn 2 triệu đồng. Khoản nợ này gồm phí thông báo biến động số dư 49.000 đồng mỗi quý và phí quản lý tài khoản 11.000 đồng hàng tháng, do tài khoản không duy trì đủ số dư từ năm 2018 đến nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chị Hồng cho biết đây là tài khoản công ty bắt buộc mở từ cách đây chục năm để nhận lương hàng tháng. Sau đó, công ty lại yêu cầu chuyển sang mở tài khoản ngân hàng khác để nhận lương, nhưng cũng không khuyến cáo gì về việc đóng tài khoản ngân hàng cũ để tránh mất phí.

"Tôi từng phải trả 1,9 triệu đồng phí thường niên để đóng tài khoản thẻ tín dụng dù chưa phát sinh giao dịch năm thứ 2. Năm đầu tiên trường học của con gái liên kết với một ngân hàng mở thẻ tín dụng cho phụ huynh để ưu đãi học phí. Đến năm thứ 2 tôi không có nhu cầu, đi đóng thẻ mới biết phải trả gần 2 triệu đồng phí thường niên" - chị Trần Ngọc ở Hoàng Mai, Hà Nội kể.

Cách tính lãi vay của ngân hàng hiện nay tính lãi kép, đó là lãi chồng lãi. Lãi được tính theo ngày hay theo tháng hay theo năm rồi từ đó sinh sôi đẻ ra lãi. Với mỗi ngân hàng đưa ra cách tính lãi, phí khác nhau cũng sẽ gây tranh cãi, không biết đâu là đúng, đâu là sai. NHNN cũng nên đưa ra quy định chung về phí, cách tính lãi đối với thẻ tín dụng. (TS Nguyễn Trí Hiếu)

Lại có trường hợp như chị Phạm Kim Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), khi được nhân viên ngân hàng mời chào mở thẻ ATM, thẻ tín dụng, đã gật đầu đồng ý với suy nghĩ “có mất gì đâu, cùng lắm là tốn vài chục ngàn đồng phí duy trì”. Tuy nhiên, thực tế không như vậy. “Sau khi gọi điện thoại đến tất cả ngân hàng nơi mình từng có tài khoản, phát hiện ra mình bị nợ phí ở cả các ngân hàng từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu” – chị Thanh cho biết.

"Nhân viên ngân hàng nói nếu muốn đóng tài khoản, tôi phải thanh toán khoản nợ phí này”- chị Thanh nói và lo ngại nếu không đóng đến lúc nào đó bị tính lãi lên khoản tiền lớn thì “rắc rối”.

Ngân hàng quá dễ dãi?

Việc khách hàng “bỏ quên” thẻ còn do việc phát hành thẻ của các ngân hàng quá dễ dãi. “Tôi đã có 4 thẻ tín dụng nhưng ngày nào cũng nhận được cuộc gọi mời chào mở thêm thẻ. Vài người bạn của tôi kinh doanh tự do, không chứng minh được thu nhập để mở thẻ tín dụng thì được gợi ý nhờ ai đó đứng ra chuyển khoản đều đặn mỗi tháng 20 triệu đồng, liên tục trong 3 tháng để đủ điều kiện mở thẻ"- anh Nguyễn Trung Kiên chủ một cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội cho biết.

Việc phát hành thẻ tín dụng dễ dãi có thể khiến khách hàng mất khả năng thanh toán, rơi vào vòng xoáy nợ nần, làm gia tăng nợ xấu của ngân hàng. Vài năm trở lại đây, mặc dù số nợ xấu từ thẻ tín dụng không được công bố nhưng có ngân hàng cho biết, nợ xấu từ thẻ tín dụng gần đây tăng nhanh do thu nhập của chủ thẻ ngày càng giảm.

Phí thường niên cũng là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thẻ tín dụng những ngày qua. Bởi phí thường niên của từng dòng thẻ và từng hạn mức giao dịch sẽ dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Đặc biệt là phí này được tính vào dư nợ hằng tháng của chủ thẻ, nếu chủ thẻ quên hoặc lờ đi vẫn bị ngân hàng tính lãi và đưa vào diện nợ xấu.

“Không sử dụng đến thì đừng mở làm gì, nếu phải chạy chỉ tiêu mở thẻ cho người thân thì cũng 1-2 tháng là đóng luôn, tránh rắc rối về sau”- tài khoản FB Khánh Ly nói.

Trong khi đó, tài khoản FB Việt Hùng cho rằng, “thẻ sim không phát sinh giao dịch, sau khoảng thời gian thì bị khóa, rồi cắt số tài khoản; thẻ tín dụng thì không phát sinh giao dịch vẫn mở để âm thầm thu phí dịch vụ, có ai quản lý bất cập này không vậy”.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho hay, việc đóng tài khoản phải tuân thủ đúng quy định. Các ngân hàng chỉ thực hiện tạm khóa, đóng tài khoản khi có yêu cầu từ khách hàng. Có ngoại lệ trong trường hợp chủ tài khoản chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo quyết định cưỡng chế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc chưa thanh toán xong các khoản nợ phải trả cho tổ chức cung ứng dịch vụ nơi mở tài khoản.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng các ngân hàng thương mại cần đặc biệt quan tâm và phải làm thường xuyên, liên tục việc thông tin, tư vấn dịch vụ thẻ. “Phải xem đây là nhiệm vụ của chính mỗi ngân hàng để không chỉ thu hút khách hàng, mà còn giúp khách hàng và cả nhân viên ngân hàng nhận thức đầy đủ về thẻ ngân hàng. Điều này sẽ hạn chế những phát sinh liên quan ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng" - ông Lệnh nhấn mạnh.

Hiện mỗi ngân hàng có chính sách khác nhau với tài khoản để lâu không hoạt động. Có trường hợp ngân hàng chủ động rà soát khách hàng không giao dịch trong một thời gian nhất định để hủy thẻ, khóa tài khoản. Tuy nhiên không phải ngân hàng nào và bất kỳ trường hợp khách hàng nào cũng vậy.

Nhiều độc giả cũng cho rằng, việc ngân hàng tạm khóa hay đóng tài khoản thanh toán cá nhân không hoạt động, vừa giúp chính ngân hàng không phát sinh chi phí quản lý, đồng thời giúp chủ tài khoản tránh được những khoản phí phát sinh trong trường hợp không dùng đến hoặc bỏ quên.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần phải gửi thông báo bằng thư hoặc gọi điện xác minh những tài khoản không có giao dịch, thay vì im lặng để tính phí.

Liên quan đến vụ nợ thẻ tín dụng trị giá trên 8,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chỉ 8,5 triệu đồng. Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định: ở góc độ ngân hàng, điểm sai của ngân hàng đầu tiên đó là về quy trình mở thẻ; tiếp theo là quy trình nhắc nợ, và cách xử lý nợ quá hạn khi phân loại nợ. Đáng lẽ Eximbank cần phải xử lý một cách nhanh chóng và bảo vệ quyền lợi các bên có liên quan. Eximbank đã để dềnh dàng tới 11 năm. Qua vụ việc lần này, Eximbank cần xem lại quá trình thu hồi nợ, sao cho vẹn toàn cho cả đôi bên.

Có cả trường hợp kẻ gian lấy thông tin cá nhân của nạn nhân để làm giả giấy tờ để vay vốn ngân hàng hay mở thẻ tín dụng hiện khá phổ biến. Chúng thường lợi dụng mạng xã hội và dùng các thủ đoạn tinh vi để lừa người dân cung cấp hình ảnh, giấy tờ tùy thân. Đối với ngân hàng cần thắt chặt điều kiện mở thẻ, kiểm tra thông tin Căn cước công dân, chứng minh thư đúng với người mở thẻ. (Luật sư Trương Thanh Đức)

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thanh-con-no-vi-mo-the.html