Thành công của VNEN gắn liền với đổi mới

Từ thực tế triển khai thành công Mô hình trường học mới (VNEN) ở địa phương, cô Trần Thị Minh Thu – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai) – cho biết: Để VNEN thành công thực sự nhất thiết phải gắn liền với đổi mới…

Học sinh của lớp học VNEN ở Lào Cai tự tin và sẵn sàng hỗ trợ nhau trong học tập

Học sinh của lớp học VNEN ở Lào Cai tự tin và sẵn sàng hỗ trợ nhau trong học tập

Đổi mới công tác quản lý và bồi dưỡng đội ngũ

Theo cô Trần Thị Minh Thu, ngoài quản lý Nhà nước theo quy định, mỗi lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT giữ vai trò là nòng cốt trong chuyên môn và luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Phòncác nhà trường khi cần thiết.

Mặt khác, cần tổ chức tốt Hội thảo, chuyên đề nội dung gắn liền với mục tiêu đổi mới và đáp ứng nhu cầu giải đáp những khó khăn vướng mắc của các cơ sở giáo dục đề xuất.

“Chúng tôi đã tổ chức thành công Hội thảo Đảm bảo chất lượng bền vững học sinh tiểu học hoàn thành Chương trình tiểu học lên học THCS, đảm bảo tính liên thông giữa hai bậc học. Từ năm học 2013 - 2014 Sở GD&ĐT Lào Cai đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã 1 lần/tháng tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm xã nhằm tìm ra tiếng nói chung cho giáo của địa phương mình.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố hướng dẫn các trường tiểu học xây dựng mô hình giáo dục gắn với địa phương, viết tài liệu học tập cho học sinh gắn với mô hình trường mình. Sở cũng tiến hành viết, biên soạn tài liệu “Mô hình Trường học mới Việt Nam tại tỉnh Lào Cai - Niềm tin người Gieo hạt” - Cô Trần Thị Minh Thu trao đổi.

Cũng theo cô Trần Thị Minh Thu, cần tổ chức ký cam kết các nhiệm vụ giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục nói riêng giữa Sở GD&ĐT với Phòng GD&ĐT; Phòng GD&ĐT với Hiệu trưởng; Hiệu trưởng với giáo viên nhằm nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng toàn diện giáo dục trong toàn tỉnh.

Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra đến tận trường, điểm trường trực tiếp thăm lớp, dự giờ, phân tích thực trạng kết quả chất lượng từng môn học, sự hình thành năng lực phẩm chất của người học sinh đạt được, chia sẻ kỹ thuật chuyên môn, gợi ý những giải pháp thực hiện gắn liền với địa phương trong thời gian tiếp theo.

Liên quan đến bồi dưỡng đội ngũ, cô Trần Thị Minh Thu – chia sẻ: Cần bồi dưỡng tập trung cho 100% cốt cán, Hiệu trưởng trường tiểu học về các chuyên đề như: Lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, cách xây dựng mô hình giáo dục tiểu học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn trường tiểu học, phương pháp dạy học theo Mô hình VNEN, Bàn tay nặn bột… bồi dưỡng thông qua đội ngũ cốt cán, thông qua sinh hoạt chuyên môn…

“Hiệu trưởng tập huấn trực tiếp cho giáo viên trong toàn trường. Các trường cần tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi thiết thực cho học sinh, tạo không khí sôi nổi, nền nếp học tập tốt trong từng tiết học” - cô Trần Thị Minh Thu gợi ý.

Đổi mới phương pháp dạy - học, cách tổ chức lớp học

Đối với đổi mới phương pháp dạy, cô Trần Thị Minh Thu – cho rằng, thầy, cô giáo không giảng bài truyền thụ tri thức cho học sinh, mà hướng dẫn học sinh làm việc với hướng dẫn học tập, cá nhân học sinh tự nghiên cứu, cùng nhau thảo luận nhóm kết hợp vận dụng các đồ dùng học tập liên quan để tự mình lĩnh hội kiến thức.

Còn đối với đổi mới phương pháp học, cô Trần Thị Minh Thu – cho biết: Học theo Mô hình Trường học VNEN là học sinh cùng nhau làm việc để học những tri thức liên quan mật thiết đến cuộc sống của các em.

Học sinh phải chủ động làm việc độc lập, làm việc cùng bạn trong nhóm, cả lớp. Thầy cô quan sát, hỗ trợ các em khi cần thiết đảm bảo tất cả học sinh hoàn thành từng hoạt động học, từng bài học.

Đổi mới tổ chức lớp học: Học sinh được ngồi học theo nhóm rất thuận lợi trong quá trình trao đổi ý kiến, học sinh được tương tác trực tiếp với nhau và tương tác với thầy cô giáo.

Hội đồng tự quản được thành lập là vì học sinh, cho học sinh, các em tự nguyện tham gia và tham gia thuyết trình, tranh cử, em được chủ động tự quản các hoạt động của Hội đồng tự quản lớp, các Ban (Ban học tập, Ban văn nghệ, Ban đối ngoại… giúp học sinh mạnh dạn, nhanh nhẹn, tự tin thể hiện chính mình.

Đổi mới kiểm tra đánh giá và đổi mới trường, lớp học

Theo cô Trần Thị Minh Thu, mỗi tiết học, bài học cần có sự đánh giá của thầy cô, giáo, đánh giá không phải bằng điểm số mà bằng lời nhận xét trực tiếp, hay viết nhận xét vào phiếu vở của học sinh. Học sinh được đánh giá thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình học tập giúp các em ngày càng tiến bộ hơn. Cuối học kì I, cuối năm học sinh cùng được đánh giá: Hoàn thành hoặc chưa hoàn thành.

“Tại Lào Cai, các trường tham gia thực hiện dự án VNEN đã tạo được những chuyển biến rõ rệt, quang cảnh khang trang, lớp học trang trí theo lớp học sinh động hơn, đẹp hơn.

Đặc biệt là các góc học tập, thư viện lớp học được thể hiện theo chủ đề, chủ điểm giúp học sinh thuận tiện trong việc ra tra cứu thông tin, nghiên cứu trải nghiệm, học sinh được thể hiện chính bản thân mình trong các hoạt động tìm tòi, khám phá chủ động lĩnh hội kiến thức trong nội dung bài học” - cô Trần Thị Minh Thu chia sẻ.

"Cần tạo được sự đồng thuận từ cấp ủy chính quyền địa phương, từ Sở GD&ĐT đến Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường tiểu học tham gia mô hình; tạo động lực giúp nhà trường quyết tâm làm thay đổi trường học. Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trong nhân dân, chính quyền địa phương. Thực hiện tốt nhiệm vụ “Dân vận khéo” tới phụ huynh học sinh, cộng đồng về Mô hình Trường học mới Việt Nam" - Cô Trần Thị Minh Thu.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thanh-cong-cua-vnen-gan-lien-voi-doi-moi-3789430-v.html